Trận quyết chiến trên cứ điểm Him Lam

67 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc đến trận đánh cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3-1954), cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Chấp, trú tại tổ 20, phường Him Lam (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm (Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312) vẫn rưng rưng xúc động, tự hào.

Sinh ra, lớn lên ở miền quê trung du tỉnh Phú Thọ, chàng trai Nguyễn Hữu Chấp trải qua tuổi thơ gian khó khi phải đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ, chịu đựng biết bao bất công, áp bức. Đau đáu khát vọng được cầm súng đánh giặc, năm 18 tuổi, Chấp xung phong vào bộ đội, nhưng do dáng người nhỏ thó, thiếu cân nên không được nhận. Sau thời gian kiên trì chờ đợi, cuối cùng anh cũng được toại nguyện. Những năm tháng ở Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312), chiến sĩ Nguyễn Hữu Chấp cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Chấp là chi ủy viên, Khẩu đội trưởng Khẩu đội cối 82mm, Đại đội 290. Nhắc lại kỷ niệm, ông Chấp bồi hồi: “Sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, đơn vị tôi về đóng tại Tà Lèng chờ ngày xuất quân. Qua gần hai tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn nhưng chỉ Đại đoàn 312 được Bộ chỉ huy mặt trận chọn, giao nhiệm vụ tấn công vào cứ điểm Him Lam”. Vinh dự lớn lao nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, bởi thời điểm ấy, quân Pháp xây dựng cứ điểm Him Lam thành vị trí kiên cố của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, cùng hệ thống ụ súng, lô cốt kiên cố. Hằng ngày, chúng rêu rao trên loa phóng thanh: “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Địch còn rải truyền đơn với mục đích làm sụt giảm ý chí chiến đấu của bộ đội ta, đồng thời khuếch trương thanh thế của chúng.

 Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp cùng vợ tại nhà riêng ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp cùng vợ tại nhà riêng ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Để tạo thế bất ngờ, khẩu đội của ông Chấp được lệnh đào hào giao thông, xuất quân từ Tà Lèng vào gần đồi Him Lam. Công việc đào hào diễn ra bí mật vào ban đêm. “Liên tục nhiều ngày đêm, tôi cùng đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào. Ai cũng mong đào thật nhanh đến đích, phần vì muốn nã đạn vào kẻ thù, phần vì muốn thoát khỏi cảnh suốt ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt, thiếu khí thở, ngột ngạt vào ngày mưa, nóng rát vào ngày nắng”-Ông Chấp nhớ lại. Trong thời điểm gian khó ấy, ông và đồng đội luôn động viên nhau, chia sẻ từng miếng cơm, bát nước... Đến sáng 13-3-1954, đường hào giao thông đã hoàn thành, cũng là lúc Khẩu đội cối 82mm của ông Chấp nhận được mệnh lệnh đợi đến tối sẽ khai hỏa.

Nhâm nhi ngụm trà vườn nhà, ông Nguyễn Hữu Chấp kể tiếp: “Để tiến công cứ điểm này, chúng tôi được cấp trên quán triệt đây là trận đánh khó khăn, phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu. Vì thế trước lúc vào trận, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13-3, không để trận đánh kéo dài sang những ngày sau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đến tận nơi động viên, giao nhiệm vụ cho đơn vị. Để nêu cao tinh thần, các chiến sĩ còn làm những khẩu hiệu “quyết chiến, quyết thắng” bằng giấy cài lên viền mũ".

17 giờ ngày 13-3-1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam, ngay loạt đầu đã trúng vị trí cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm nên anh em hết sức phấn khởi. Phát hiện ra vị trí của ta, pháo binh của địch ở Hồng Cúm, Mường Thanh nã pháo điên cuồng vào trận địa. Vừa củng cố công sự, vừa bắn cấp tập lên cứ điểm Him Lam, pháo binh và cối của đơn vị ông Chấp được lệnh bắn chuyển làn cho bộ binh tiếp cận cửa mở xung phong tiến đánh các lô cốt cố thủ của quân Pháp.

Sau khoảng một giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên mỏm 3, cứ điểm Him Lam. Đến 22 giờ 30 phút, mỏm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt hơn 300 tên, bắt sống 200 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Như vậy, sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam của quân Pháp, tạo niềm tin mãnh liệt, sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên tất cả các mặt trận.

Trận thắng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Sau đó, khẩu đội của ông Chấp tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2 với những trận đánh giằng co ác liệt giữa ta và địch. Phải giành nhau từng mét đất, ông Chấp và đồng đội kiên trì bám trụ vị trí chiến đấu đến khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng nhiều đồng đội ở lại để mở đường, xây dựng nông trường Điện Biên. Mảnh đất ông chọn để làm nhà và đưa vợ con từ Phú Thọ lên sinh sống nằm ngay dưới chân đồi Him Lam, nơi ông và đồng đội đã chiến đấu dũng cảm trong ngày 13-3-1954. Năm 1986, trên cương vị Giám đốc Xí nghiệp Vật liệu xây dựng Điện Biên, ông được nghỉ hưu theo chế độ. 90 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, những năm gần đây, ông Nguyễn Hữu Chấp vẫn hăng hái tham gia công tác ở địa bàn dân cư, tích cực kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ; được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao, bà con nhân dân trân trọng, quý mến.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/tran-quyet-chien-tren-cu-diem-him-lam-656358