Trân quý Thạch Sanh giữa đời thường

Thạch Sanh được người yêu cây cảnh nghệ thuật biết đến với nghĩa gần gũi nghề nghiệp là cây Sanh đá. Bởi 'Thạch' là 'Đá', Sanh (Si) là một loại cây có tên khoa học là 'Ficus benjamina L.' hay còn gọi là si, xanh, gùa, thực vật thuộc họ Dâu tằm, là một loại cây cảnh Bonsai được trồng khá phổ biến trên thế giới, nhất là các vùng ở Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào...

Tác phẩm Thạch Sanh: Vẻ đẹp ở phía sau người đàn ông chiến thắng

Cây Sanh có sức sống phi thường, thích nghi với mọi điều kiện khí hậu và môi trường sống khác nhau. Ở môi trường nào cây Sanh cũng quật cường vươn lên và vượt qua chính giới hạn của mình…Cây Sanh còn gắn với nghĩa “trường sanh”, “trường sinh” sức sống lâu bền, quật cường với ý chỉ sự trường tồn mãi mãi. Vậy thì cây “Sanh Đá”, cây trường tồn trên đá hay nôm na "cây Thạch Sanh" thì sức sống còn phi thường biết bao.

Nhắc đến Thạch Sanh còn gợi lại cho người Việt chúng ta nhớ về câu một chuyện cổ tích thần thoại nổi tiếng mang tên Truyện Thạch Sanh. Truyện kể về một chàng trai mồ côi sớm, làm nghề đốn củi, sống một mình trong một túp lều dưới gốc đa nhưng lại sống nhân nghĩa, thủy chung, nghĩa tình, dũng cảm hết lòng với bè bạn, anh em, tình yêu và quê hương đất nước. Trải qua muôn vàn kiếp nạn và bao éo le do người anh em kết nghĩa của mình là Lý Thông mang lại nhưng cuối cùng Thạch Sanh đã vẫn chiến thắng và về sau được phong làm vua sống hạnh phúc mãi mãi với công chúa Quỳnh Nga.

Sự hài hòa khi kết hợp giữa cây và tượng

Truyện Thạch Sanh thuộc loại truyện cổ tích thần kỳ, nằm trong một kiểu truyện rất phổ biến ở Đông Nam Á, đó là kiểu "Dũng sĩ diệt đại bàng (hay chằn tinh) cứu người đẹp". Có thể kể đến những truyện như Xin Xay ở Lào; Xanxênky, Thạch Sanh chém chằn ở Campuchia; Ramayana ở Ấn Độ; Cô gái tóc thơm, Hai ông vua giao chiến của người Thái...Ở Việt Nam, kiểu truyện này còn xuất hiện trong các câu chuyện cổ, như truyện Chàng Rôk của người Kor; Rok và Xét của người Ba Na; Đơm Tơrít của người Cơ Tu, Azit đánh bại đại bàng của người Gia Lai...Đối với người Kinh, đề tài này không những xuất hiện trong truyện cổ tích, truyện thơ mà nó còn được dàn dựng thành phim, thành kịch; và còn xuất hiện trong tranh Đông Hồ...

Ở vùng đất Hải Dương (Thành Đông xưa) có một nghệ nhân Sinh Vật Cảnh quanh năm làm lụng vất vả, cuộc đời cũng nếm đủ ngọt bùi cay đắng, cũng nhiều lần “lên voi rồi lại xuống ngựa”, “năm chìm bảy nổi” trước sóng gió cuộc đời và cả những điều nhân quả do chính mình tự gieo rồi lại tự gặt. Anh lầm lũi chịu thương chịu khó từng bước vươn lên để trả nợ đời trả nghiệp cho chính mình gây ra. Cuối cùng anh cũng gặt hái được những thành quả của cuộc đời, cũng có của ăn của để, có được sự trưởng thành nghề nghiệp và quan trọng nhất là có được một tình yêu hết sức nên thơ với người bạn đời xinh đẹp, nết na, chung thủy nghĩa tình son sắc trăm năm. Đó là đôi vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo và Trần Thị Mai ở thành phố Hải Dương.

Phu nhân của hai Nghệ nhân là những người thấu hiểu rõ nhất câu chuyện sau tác phẩm Thạch Sanh

Cách đây hơn 20 năm, từ xúc động trước chính câu chuyện của đời mình, tạ ơn duyên trời phật đã se duyên, cảm ơn cha mẹ sinh thành và bạn bè người thân che chở đồng hành cùng anh chị trong cõi nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, anh Thạo chị Mai đã quyết định làm tác phẩm Thạch Sanh với kết cấu một hình tượng một người đàn ông khỏe mạnh lực lưỡng,mình trần đóng khố, tay mang rìu, vai địu một cây Si Đá, đôi mắt sáng ngời, chân cứng đá mềm vượt qua muôn trùng núi non hiểm trở về nhà với khuôn mặt vui tươi…

Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo cây Si đá già với những đường chạy mềm dẻo nghệ thuật bay bổng như sợi tơ hồng kết nối duyên phận từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Thoạt nhìn tác phẩm người ta chỉ nhận ra chất ngồ ngộ được thể hiện bằng những quy luật bất quy tắc do sự sáng tạo ngẫu hứng mà thành. Nhưng kỳ thực khi đặt tác phẩm vào hoàn cảnh, một câu chuyện, một bản chất cụ thể thì tác phẩm lại trở nên có hồn, có thân phận khiến giá trị của nó vượt qua những suy tưởng của người xem.

Vẻ đẹp của tác phẩm Thạch Sanh hài hòa từ bốn phía

Chỉ những cảnh đời, những số phận và sự từng trải của những con người từng trải qua những giai đoạn thăng trầm rồi không ngừng nỗ lực “rũ bùn đứng dậy” vươn lên tỏa sáng thay đổi chính số phận của mình mới thấy hết những lớp giá trị nhân sinh và nghệ thuật cao cả của nó. Tác phẩm này xuất hiện lần đầu tiên tại Festival Sinh Vật Cảnh Thủ đô tháng 4 năm 2016 và xuất hiện lần thứ hai tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh tỉnh Hải Dương mở rộng tháng 4 năm 2018 đã thu hút hàng ngàn người chiêm ngưỡng cũng chỉ bởi sự mới lạ kích thích tính tò mò mà ít ai bàn luận về tính nghệ thuật và câu chuyện bên trong của nó.

Duy chỉ có vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ chủ hãng nhựa Song Long hiện nay là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội là những người đọc được nội tâm tác phẩm kể lại câu chuyện khiến chính hai vợ chồng trẻ Thạo Mai phải dưng dưng nước mắt vì những ý tưởng sâu kín nhất mà anh chị cố gìm chặt trong lòng bao năm nay chính thức “bị lộ”. Phải chăng đây là chuyện “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay tác phẩm cũng đã nói nên chính một phần cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ và bà Lê Triều Xuân

Vợ chồng Doanh nhân Nguyễn Gia Thọ và vợ chồng Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo

Ít ai biết, “Thủ lĩnh” của phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô Nguyễn Gia Thọ hôm nay từng rời quân ngũ về quê hương với hai bàn tay trắng, mang trên mình thương tích của chiến tranh với mức thương binh 4/4 đã từng làm đủ thứ nghề rồi cuối cùng bám trụ với nghề thổi can nhựa. Năm 1991, ông được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã với 9 xã viên đã phát triển thành doanh nghiệp Anh Hùng có số cán bộ, công nhân viên, người lao động bằng cả mấy Trung Đoàn năm xưa với trên 12.000 người với mức thu nhập bình quân cao so với mặt bằng lương của cả nước. Chính vì vậy, mà cố Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam thường gọi vui ông là "người trưởng thành từ Nhựa" nên đã khai sinh cho ông biệt danh trong giới Sinh Vật Cảnh Việt Nam là “Thọ Nhựa”.

Tác giả bài viết bên tác phẩm Thạch Sanh

Người viết bài này, cũng đã có gần 20 cùng cố nhà báo Đỗ Phượng làm báo, viết bài về lĩnh vực “hoa, lá, cành” nhưng có lẽ ấn tượng nhất là việc được chứng kiến sự tương giao giữa hai bác Thọ Xuân và anh chị Thạo Mai xung quanh tác phẩm Thạch Sanh ly kỳ nêu trên. Từ chỗ anh chủ nhân “đòi” tác phẩm 200.000 USD đến việc quyết định kính tặng lại tác phẩm họ rất trân quý trên cho “Bảo tàng Thọ Xuân” (Mọi người quen nói về Bộ sưu tập Cây cảnh nghệ thuật và Đồ cổ của Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ và bà Lê Triều Xuân) tại 189 Nghi Tàm, Hà Nội với niềm hạnh phúc tột cùng khi “đứa con tinh thần” của mình về đúng quý nhân hội đủ “Nhân – Duyên – Thiện – Đức”.

Tất nhiên, không bao giờ Nghệ nhân Nguyễn Gia Thọ và bà Lê Triều Xuân lại dễ dàng chấp nhận việc nhận tác phẩm Thạch Sanh mà đôi vợ chồng trẻ Thạo Mai trân quý như chính cuộc đời và số phận của họ ở một mức giá mà không tương xứng với những gì họ đã hi sinh, cống hiến và dồn biết bao tâm lực cho tác phẩm này. Có lẽ quý giá hơn cả chính là mối quan hệ tình cảm bền chặt sau thương vụ này giữa hai bên.

Nhiều người thạo tin, am hiểu nghề nghiệp sau đó cho rằng: Chính cốt truyện nằm sâu trong tác phẩm và những câu chuyện xoay quanh việc trao đổi giao lưu tác phẩm, văn hóa ứng xử giữa hai thế hệ Nghệ nhân, doanh nhân có tâm có tầm đã góp phần làm cho giá trị thực sự của tác phẩm Thạch Sanh ngày càng thêm nổi tiếng, thăng hoa cũng như sức sống bất diệt đúng như tên gọi của nó:

Thạch Sanh bài học răn người
Sống sao tử tế dẫu đời Lý Thông
Dòng đời có có không không
Đức năng thắng số lập công tày đình
Hiểm nguy tai họa rập rình
Tấm lòng trung nghĩa thấu tình nước non
Trăm năm bia đá đâu còn
Nghìn năm bia miệng rạch ròi phân minh
Thạo Mai quý ở chữ tình
Nhượng lại tác phẩm chính mình quý yêu
Tác phẩm Si Đá mỹ miều
Về với bác Thọ thêm nhiều tiếng thơm
Chúc mừng hai họ một hôm
Đưa đón tác phẩm về nơi trưng bày
Càng nhìn càng ngắm càng say
Khen ai đã tạo cảnh này vĩnh Xuân...

Tác phẩm Thạch Sanh năm 2018

Tác phẩm Thạch Sanh năm 2015

Quyết Tuấn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tran-quy-thach-sanh-giua-doi-thuong-61447