Trân quý người thầy giáo làng

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày ra trường trung học cơ sở, lớp tôi tổ chức buổi gặp mặt thân mật. Bạn bè lâu ngày gặp lại tay bắt mặt mừng, hồ hởi hỏi thăm về gia đình, công việc, bao chuyện trên trời dưới bể.

Tất cả đều đi làm hơn chục năm, có bạn đã là kế toán trưởng tập đoàn nọ, chuyên viên chính ở cơ quan kia, có bạn thì mở công ty riêng, hay đầu tư bất động sản... Nói chung những người thành đạt hơn thường tự hào kể về công việc của mình.

Trong lúc mọi người sôi nổi giới thiệu về mình thì cậu bạn trước đây là lớp trưởng lại trầm ngâm ngồi nghe, thỉnh thoảng khẽ gật đầu rồi mỉm cười. Thấy bạn có vẻ suy tư, tôi mới gợi chuyện: “Thế còn lớp trưởng thì sao? Kể cho các bạn biết về điều kiện của mình đi chứ”. Bạn tôi cười hiền đáp lại: “Mình là thầy giáo trường làng, quanh năm gắn bó với phấn trắng bảng đen”. Cô bạn ngồi đối diện nhanh nhảu: “Cậu theo ngành sư phạm à? Vậy mà kín tiếng thế. Cứ tưởng cậu vào Nam buôn bán kinh doanh gì cơ”. Bạn tôi vẫn nhã nhặn: “Tính cách như mình thì buôn với bán gì, chỉ có hợp với “gõ đầu trẻ” thôi”.

Thuở còn học chung với nhau trong lớp chọn của trường, các bạn khác thì đầu tư học thêm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ với mục đích sau này có nhiều cơ hội hơn để chọn khối thi, trường thi; còn bạn lớp trưởng thì lại gắn bó với môn học Lịch sử mà mình yêu thích. Mấy năm học phổ thông, bạn lớp trưởng đều đi thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử và giành giải cao, rồi trở thành sinh viên khoa Sử của một trường đại học sư phạm, ra trường về quê công tác.

Hành trình trở thành thầy giáo của bạn tôi khá êm đềm, cuộc sống vì thế cũng không nhiều biến động ồn ào. Nghe chuyện, một bạn là chủ cơ sở sản xuất mành rèm mạnh miệng bảo: “Người ta bảo chuột chạy cùng sào... mới vào sư phạm. Nghề này buồn tẻ lắm, ngày ngày cắp cặp đến trường, tối về hì hụi soạn giáo án, suốt ngày sách sách vở vở nhức hết cả đầu, sao cậu không ra ngoài làm cho thoáng?”. Cô bạn là tiếp viên hàng không nói xen vào: “Ai bảo cậu thế! Không thầy đố mày làm nên. Tớ phải thuê gia sư về tận nhà dạy học cho con, tốn kém lắm. Giáo viên chịu khó dạy thêm thì thu nhập chắc cũng khá đấy”.

Cứ để các bạn bình luận, mãi sau lớp trưởng mới đáp: “Cảm ơn các cậu đã quan tâm hỏi thăm. Tớ nghĩ mỗi người một việc, so sánh thì vô cùng lắm, điều quan trọng là nghề nghiệp đó có phù hợp với mình không và mình có thấy yêu thích công việc đó hay không thôi. Sư phạm là nghề tớ đã thích ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, do vậy mới quyết tâm theo đuổi. Để giờ đây tớ trở thành một thầy giáo làng đem những tri thức học tập được truyền thụ lại cho các em trên mảnh đất quê nghèo khó này. Mỗi lần đứng lớp, tớ lại nhớ về những thầy cô trước đây cũng tại vị trí này đã truyền dạy tri thức, chắp cánh ước mơ cho những cô cậu học trò nghèo. Tớ là một thầy giáo dạy lịch sử kiêm thêm chủ nhiệm một lớp học. Mỗi giờ lên lớp được các em trân trọng đón nhận. Mỗi chuyến đò cập bến thành công các em vẫn nhớ đến mình. Điều đó làm tớ thấy vui hơn về nghề nghiệp đã lựa chọn. Có thể ở đâu đó việc dạy thêm sẽ tăng thu nhập nhưng chắc gì người thầy được thảnh thơi, có được niềm vui từ những giờ đứng lớp, từ những thế hệ học trò thân yêu mang lại”.

Nghe những lời tâm sự ấy, chúng tôi đã hiểu vì sao bạn luôn vui vẻ gắn bó với công việc dạy học ở quê. Dù điều kiện kinh tế, địa vị xã hội còn khiêm tốn so với những người bạn cùng trang lứa, nhưng tư cách, suy nghĩ của bạn lớp trưởng xứng đáng để chúng tôi trân trọng, quý mến.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tran-quy-nguoi-thay-giao-lang-609635