Trần Quốc Khải - Sa mộc trong sương

Đi cùng xe với tôi từ Si Ma Cai về Mường Khương, Trần Quốc Khải say xe toát mồ hôi hột. Chúng tôi đi qua những con đường lác đác cây sa mộc thẫm đen và cứng lạnh, chuẩn bị đối phó với một mùa đông khắc nghiệt sắp đến trên biên giới. Chính tôi cũng không thể ngờ, người lính 31 năm quân ngũ ngồi cạnh tôi đang xanh mặt vì những quãng đường đèo quanh co khi ngồi trên chiếc xe hơi hạng sang lại gan lỳ, bền bỉ hơn cả những thân sa mộc thẳng tắp xù xì trong sương mù ở nơi này. 

Thượng tá Trần Quốc Khải và gia đình cô gái Seo M được giải cứu sau khi bị bắt cóc.

Một ngày của Đồn trưởng

Trần Quốc Khải có 8 năm làm Đồn trưởng Đồn BP Bản Lầu, sau đó 5 năm giữ vị trí Đồn trưởng Đồn BP Pha Long và hiện đang là Đồn trưởng Đồn BP Mường Khương. Kinh qua 3 đồn BP liền kề, gần như mọi kinh nghiệm chỉ huy của anh gắn bó với huyện Mường Khương của tỉnh Lào Cai, một trong số 62 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước. Trần Quốc Khải nhỏ người, nhanh nhẹn, đi cũng nhẹ mà giọng nói thì cứ oang oang. Tôi bảo, anh nói chuyện với bạn gái có khi cả làng nghe thấy hết. Anh cười bảo: Tôi chả biết uống cà phê đâu, sinh tố cũng không. Các đồn trưởng khác đi phố nhiều, tôi đi phố ít lắm, tuần nào cũng đi thăm cột mốc. Bao nhiêu năm ở Lào Cai, giờ mốc nào số mấy, ở đâu, đường lên mốc ra sao tôi thuộc tất.

Tôi và Thượng tá Khải bước vào căn nhà cheo leo dưới sườn đồi thơm mùi rượu mới nấu của một gia đình người Mông, thôn Chung Chải, thị trấn Mường Khương. Cô gái Ma Seo M, 18 tuổi, con gái thứ 3 trong số 5 đứa con của họ mới bị bắt cóc qua biên giới và được Đồn BP Mường Khương tìm kiếm, giải cứu đưa về đoàn tụ với gia đình. Nhìn thấy bộ đội Khải bước vào, cô gái cười mừng rỡ như gặp lại người thân. Chúng tôi kiên nhẫn lắng nghe cô kể từ lúc đi chăn trâu trên nương, bị 2 người lạ mặt dí dao vào cổ ép qua biên giới hồi tháng 8 vừa rồi. Nhận được tin báo từ gia đình, Thượng tá Khải nhận định, Seo M đã bị bọn ma cô bắt bán cho các nhà chứa bên kia biên giới. Anh dặn gia đình, nếu cô gái gọi điện về thì hỏi xem đang ở chỗ nào, để anh đề nghị lực lượng Công an bên kia tìm giúp đưa về. Suốt một tháng trời từ khi cô gái bị bắt cóc, anh đi lại giao tiếp hàng chục lần với lực lượng Công an Trung Quốc, đề nghị họ lần theo dấu vết của cô gái, tìm kiếm và giải cứu. Chưa đầy một tháng sau, Công an Trung Quốc tìm được Seo M, cũng từ đó tìm ra và bắt 2 tên ma cô lợi dụng trời sương mù dày đặc, qua đất Việt Nam bắt cóc người.

Chỉ chưa đầy một giờ ngồi trò chuyện ngoài sân mà sương mù đã giăng kín, rồi mưa như trút xuống biên giới, báo hiệu những cơn lạnh đang về. Thượng tá Khải dặn dò Seo M phải cẩn thận. Nhất cử nhất động đều phải báo với đồn BP. "Lấy chồng cũng phải báo nhé, để xem người đó tốt không hãy lấy" - Anh nói với cô gái. Seo M chảy nước mắt, gật đầu, nhìn người lính Biên phòng. Chỉ một biến cố xảy ra chưa đầy một tháng trời, nhưng để lại trong cuộc đời cô gái Mông muôn vàn nỗi kinh hoàng ám ảnh. Lấy lại cho mình cuộc sống hồn nhiên, tươi trẻ là không tưởng. Thượng tá Khải thấu cảm điều đó. Anh bảo, biên giới bình yên phải xây dựng cả quá trình, đâu có thể làm ngày một, ngày hai. Đồn BP Mường Khương mà Thượng tá Khải đang làm Đồn trưởng là một trong 2 đồn BP đầu tiên trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung kết nghĩa "Đồn trạm hữu nghị - Cửa khẩu hài hòa". Kết quả đó được xây dựng từ cái nền vững chắc của tình hữu nghị, từ tuần tra song phương đến hội ngộ hội đàm. Sau này, nhiều đơn vị trên tuyết biên giới Việt - Trung tìm đến anh học hỏi kinh nghiệm, anh đều sẵn sàng chia sẻ, mách nước. Nếu không kết nghĩa, giao lưu thắt chặt tình cảm cũng như công việc chung, thì những việc cùng phải kết hợp giải cứu người như vậy khó lòng có thể làm được.

Vừa trở lại đồn BP, Thượng tá Khải nhận được điện phối hợp giải cứu một trường hợp bị bán qua biên giới từ Điện Biên. Anh vội vã chuẩn bị những bước cần thiết để giải cứu người bị nạn. Ngày nào cũng vậy, việc cứ đến tay, không lúc nào tôi hết lo lắng, anh nói.

Biên giới là của chung

Vậy là chuyện bắt đầu từ việc một đồn trưởng siêng đi tuần tra biên giới, thăm mốc. Thường thì người chỉ huy toàn diện có mặt ở đơn vị để chỉ đạo chung. Việc tuần tra đã có Đội tuần tra thực hiện hằng tuần, hằng tháng. Nhưng Trần Quốc Khải không tuần nào là không có mặt ở trên đường biên. Tôi biết anh chính là người sáng tạo ra khái niệm tuần tra chung mà sau này trở thành một công tác thường xuyên của lực lượng BĐBP là tuần tra song phương. Anh bảo: Tôi đi tuần tra cùng anh em, có vấn đề gì hỗ trợ giải quyết luôn. Mục đích của tuần tra chung cũng vì thế. Hồi còn làm Đồn trưởng Đồn BP Bản Lầu, anh viết thư cho lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, mời họ vào giờ và ngày đó, có mặt trên mốc số hiệu này, để cùng thăm mốc. Dĩ nhiên, bên bạn tuân thủ thành ý của tôi. Tới hồi đã gặp được nhau cùng một thời điểm trên thực địa, lúc ấy mới đề nghị tiếp là chúng ta cùng đi tới mốc tiếp theo, họ cũng đồng thuận luôn. Hai bên vui vẻ lắm. Việc cùng đi từ mốc này qua mốc khác hiển nhiên là tuần tra chung còn gì nữa. Anh bảo: Muốn được việc, phải có kế hay, cứ cứng nhắc như văn bản hành chính thì chẳng thể nên cơm cháo gì.

Tháng 11-2004, cuộc tuần tra song phương đầu tiên tại Đồn BP Bản Lầu diễn ra như vậy. Năm 2005, tại mốc 116, người dân Trung Quốc xâm canh sang lãnh thổ Việt Nam trồng cây sa nhân. Trần Quốc Khải viết thư mời Tiểu đoàn Biên phòng Nam Khê tuần tra song phương. Hai bên cùng nhận định là người dân không nhận biết rõ đường biên giới nên xâm canh và cán bộ của Tiểu đoàn Nam Khê nước bạn đã nhổ luôn chỗ sa nhân trồng lấn đó. Tháng 10-2010, tại mốc 165/1 thuộc Đồn BP Pha Long quản lý, công dân Trung Quốc chăn thả gia súc sang lãnh thổ Việt Nam, Tiểu đoàn Biên phòng Kiều Đầu, Hà Khẩu, châu Hồng Hà cùng tuần tra song phương đã xử lý ngay việc này, đồng thời xác định rõ đường biên giới để lần sau dân không tái phạm. Việc tuần tra chung chính là thực địa hóa những thủ tục hành chính, có vấn đề gì giải quyết ngay trên thực địa trước sự chứng kiến đông đủ cả hai bên, không cần phải báo cáo trình bày nhiều lần, nhiều cấp. Bao nhiêu năm qua, tuần tra song phương trên biên giới Mường Khương đã thành nếp, Thượng tá Trần Quốc Khải là gương mặt đã trở nên quen thuộc với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn. Họ bảo, Khải thân thiện, cởi mở. Lúc vào việc thì anh cương quyết, chặt chẽ.

Đã có những mối giao kết thắt chặt trên đường biên, cột mốc thì việc kết nghĩa đồn trạm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trần Quốc Khải nói: Biên giới là của chung, hai bên đều có trách nhiệm như nhau. Sự bình yên có được phải xây dựng trường kỳ, bền bỉ, từng bước một cách khôn khéo. Về sau này, khi viết về Thượng tá Trần Quốc Khải, tôi thường nhớ đến những cây sa mộc trong sương giá, chẳng gió nào quật đổ được, nhớ cái bóng lặng lẽ của anh bước vào trong sương, nơi những cây sa mộc ngang tàng trong gió lạnh Mường Khương.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tran-quoc-khai-sa-moc-trong-suong/