Trần Quang Khải - nhà chính trị, quân sự, nhà thơ tài năng thời Trần

Mùa xuân năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang hân hoan, hồ hởi đón chào một thập niên mới trong khí thế thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mỗi mùa xuân Tân Sửu về lại mang nhiều xúc cảm đặc biệt, đây đều là khởi đầu của các năm có nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Năm Tân Sửu cũng là năm sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước, nổi bật trong số đó là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, một đại thần thanh liêm cương trực, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà ngoại giao xuất sắc, một võ tướng hiển hách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời đại nhà Trần (1225-1400) được sử sách đánh giá là một thời đại hào hùng và đẹp đẽ trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đó là thời đại độc lập dân tộc thống nhất đất nước, cộng đồng; phục hưng dân tộc và phát triển đất nước. Vương triều Trần có những vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… có các tướng lĩnh tài năng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,… đã quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc đánh thắng giặc Nguyên - Mông, đưa đất nước phát triển một cách toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa…, tạo ra vị thế bình đẳng với Trung Hoa, còn các nước lân bang khác nể trọng.

Trần Quang Khải là một nhà chính trị quân sự, nhà thơ nổi tiếng thời Trần. Trần Quang Khải tự là Chiêu Minh sinh vào mùa Đông năm Tân Sửu (1241), mất ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294). Ông là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị (con gái trưởng Lý Huệ Tông). Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện tháng 10 năm Tân Sửu (1241) như sau: “Hoàng tử thứ ba là Quang Khải ra đời, là em cùng mẹ khác cha với Thái tử Trần Hoảng, Quốc Khang anh trưởng”. Như vậy, Trần Quang Khải là con đẻ thứ hai của Trần Thái Tông vì Quốc Khang thực ra là con của Trần Liễu. Quang Khải kém thái tử Trần Hoảng một tuổi. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Quang Khải lúc mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo: “Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này”. Đến khi Quang Khải sống lại, Thái Tông nói: “Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi”. Trần Quang Khải vốn có tư chất thông minh, ham học, lại có được Bảng nhãn Lê Văn Hưu làm thầy, nên ông sớm trở thành nhân vật văn võ toàn tài. Theo sử sách, do nổi tiếng học rộng biết nhiều, Trần Quang Khải luôn được các vua Trần yêu mến và biệt đãi. Từ nhỏ, ông đã được Trần Thái Tông phong tước Chiêu Minh vương. Năm 1258 ông được gả Phụng Dương công chúa, con gái của Thái sư Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu, ban cho thái ấp ở phủ Thiên Trường (Nam Ðịnh). Cùng năm, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông), rồi lên làm Thái thượng hoàng. Vua Trần Thánh Tông khi lên ngôi, phong ngay cho Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương. Đến năm 1261, Trần Thánh Tông phong Trần Quang Khải làm Thái úy. Năm 1265, nhà vua lại phong ông làm Thượng tướng, vào trấn thủ vùng đất Nghệ An. Sang đầu năm 1271, ông làm Tướng quốc Thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước. Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Trần Quang Khải có tài ngoại giao: “Ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thù tiếp”. Khi nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt, chúng cho sứ thần sang sách nhiễu, vua Trần tin tưởng cử Trần Quang Khải tiếp đón. Trước đám sứ thần nhà Nguyên ngạo mạn, mưu mô và hách dịch, Trần Quang Khải với lời lẽ mềm dẻo, thái độ ứng xử khôn khéo đã từng bước bác bỏ nhiều yêu sách ngang ngược của chúng, không cho chúng bắt bẻ, tìm cớ gây hấn với Đại Việt. Trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Trần Quang Khải giữ vai trò nổi bật trong trận chiến phòng thủ Nghệ An và trận đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương độ. Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang xâm lược Đại Việt với sức tấn công rất mạnh. Nhằm tránh đối đầu với sức mạnh ban đầu của giặc và bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công, quân dân nhà Trần đã thực hiện chiến lược quân sự “Vườn không nhà trống”. Quân đội Đại Việt đã thực hiện các cuộc nghi binh, đưa quân Nguyên vào thế bị động. Năm Ất Dậu (1285), tướng giặc Toa Đô từ Chiêm Thành theo đường bộ kéo ra Nghệ An tấn công phía nam, có tướng Ô Mã Nhi dẫn quân đi đường biển tiếp ứng. Được tin, Trần Hưng Đạo tâu vua Trần Nhân Tông xin cho Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào phòng thủ Nghệ An và cho Trần Bình Trọng trấn giữ đất Thiên Trường, rồi rước vua ra Hải Dương. Trần Quang Khải vào đến Nghệ An, chia quân phòng giữ. Thấy thế giặc quá mạnh, ông chia quân phòng giữ chặt chẽ các nơi hiểm yếu. Quân của Toa Đô đánh mãi không được, cạn lương, bèn cùng Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền trở ra Bắc. Trần Quang Khải hay tin cho người về Thanh Hóa cấp báo. Vua Trần và Trần Hưng Đạo liền hạ lệnh cho quân sĩ phản công. Tháng 5 năm 1285, Trần Nhật Duật cùng một số tướng sĩ được lệnh đem quân đến đón giặc ở cửa Hàm Tử (Khoái Châu - Hưng Yên). Giặc Nguyên đại bại. Thừa thắng, Trần Quang Khải cùng một số tướng sĩ khác lại được lệnh đem quân tập kích quân Nguyên ở Chương Dương (Hà Nội). Trần Quang Khải đem quân từ Thanh Hóa đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên địch không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải đem quân lên bờ đuổi đánh đến chân thành Thăng Long, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long vượt sông Hồng chạy về phía bắc. Trần Quang Khải cho quân vào thành chiếm lại Thăng Long. Sau hai lần đại phá quân Nguyên tại Hàm Tử và Chương Dương, khí thế quân nhà Trần trở nên rất mạnh, đánh thắng nhiều trận liên tiếp, giết các tướng Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc. Cùng với chiến thắng tại cửa Hàm Tử, trận tập kích bến Chương Dương là chiến thắng huy hoàng của quân nhà Trần dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), Thái sư Trần Quang Khải theo hầu cận Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Ông vừa lo công việc bảo vệ Thượng hoàng và nhà vua, vừa tham mưu cho bộ chỉ huy vạch kế hoạch chống giặc. Ông cũng nhiều lần cầm quân giáp trận, góp nhiều công sức trong trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng năm 1288, đưa đến thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ ba. Trần Quang Khải còn được biết đến là một nhà thơ đặc sắc, có vị trí trong tiến trình văn học Việt Nam với Lạc đạo thi tập nhưng nay đã thất truyền, chỉ còn lưu truyền 11 bài thơ. Theo nhận định của sử gia Phan Huy Chú, thơ Trần Quang Khải “Thanh thoát, nhàn nhã”, “Sâu xa, lý thú”. Thơ Trần Quang Khải có những hình ảnh đẹp đẽ, thân thuộc: một bến đò, một cánh đồng, một mảnh vườn, một lũy tre, một bờ liễu, một trận mưa xuân trên đường thôn, một khúc sáo mục đồng trong chiều sương… thấm đượm tình yêu mến quê hương, đất nước.

Trong cái hào khí chói ngời của thời đại nhà Trần, nước Đại Việt đã sản sinh ra Trần Quang Khải - một nhà chính trị quân sự kiệt xuất, một thi nhân có những bài thơ yêu nước bất hủ. Công lao và danh tiếng của Trần Quang Khải trong kháng chiến chống quân Nguyên - Mông luôn được hậu thế người Việt ghi nhớ qua hai câu thơ mà vua Trần Thánh Tông ban tặng ông: Nhất đại công danh thiên hạ hữu / Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô (Công danh trọn một đời, thiên hạ còn có người như ông / Tấm lòng trung hiếu đối với hai triều vua thì thế gian không ai có). Đặc biệt, tầm cao về tư tưởng chính trị quân sự của Trần Quang Khải và cũng là của thời đại nhà Trần qua bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư vẫn còn nguyên giá trị: Đoạt sáo Chương Dương độ, Cầm hồ Hàm Tử quan. Thái bình tu trí lực, Vạn cổ thử giang san (Tạm dịch là: Bến Chương Dương cướp giáo giặc/ Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ/ Buổi thái bình nên dốc toàn sức lực/ Non sông này muôn đời dài lâu). Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc này được viết khi Trần Quang Khải đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm (1285). Đó chính là một khúc khải hoàn thể hiện hào khí từ những chiến công oanh liệt và khát vọng thái bình thịnh trị của con người Đại Việt thời đại hào khí Đông A. Nó nhắc nhở chúng ta biết nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong bảo vệ và xây dựng đất nước thanh bình, đẹp tươi, bền vững muôn đời. Đó cũng là một chân lý của muôn đời, rằng đất nước đã thái bình, kẻ thù đã đại bại, nhưng càng phải cố gắng “tu trí lực” hơn nữa, thì giang sơn đất nước mới có thể vững bền và phát triển. Có thể xem bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư như một bản tổng kết chiến tranh và định hướng chiến lược của Trần Quang Khải và cũng là của triều đại nhà Trần. Nhìn lại lịch sử vương triều Trần, chúng ta thấy rõ tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và đặc biệt là quốc phòng. Sở dĩ như vậy là bởi ngay từ khi ra đời và suốt quá trình trị vì đất nước, nhà Trần luôn phải đương đầu với chiến tranh xâm lược của giặc Nguyên Mông có tiềm lực kinh tế, quân sự rất mạnh. Sau các lần chiến thắng, nhà Trần không bao giờ “ngủ quên” trong chiến thắng, mà luôn tích cực chuẩn bị đất nước về mọi mặt để sẵn sàng và chủ động cho cuộc chiến tiếp theo nếu xảy ra. Để thực hiện “Thái bình tu trí lực”, nhà Trần chú trọng toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tư tưởng giữ nước “Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang san” trong thời Trần nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung còn nguyên giá trị với nước ta hiện nay. Kế thừa, phát triển tư tưởng đó trong điều kiện mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”, “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…”. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm trên của Đảng là cơ sở quan trọng để quân và dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình khu vực và thế giới nhiều biến chuyển hiện nay.

TS. Nguyễn Mạnh Hoàng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2021/14680/tran-quang-khai-nha-chinh-tri-quan-su-nha-tho-tai.aspx