Trần Phương Bình khai về số tiền trên 2.000 tỷ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt

Được xác định vai trò cầm đầu vụ án, bị cáo Trần Phương Bình thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.

Chiều 28/11, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử đại án gây thiệt hại trên 3.600 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với phần xét hỏi.

Phiên tòa chiều nay không có sự tham gia của Vũ “nhôm” và Nguyễn Thị Ái Lan (SN 1973, nguyên Trưởng phòng Quản lý tài sản nợ thuộc khối kinh doanh nguồn vốn của DongABank) do trước đó HĐXX thông báo cách ly 2 bị cáo này trong phần xét hỏi buổi chiều để đảm bảo tính khách quan.

Là bị cáo đầu tiên được gọi xét hỏi, bị cáo Trần Phương Bình khai trước khi chuyển về công tác tại DongABank, Bình là giảng viên tại trường trung cấp Tài chính TP.HCM. Đến ngày 1/7/1992, Bình chính thức chuyển về làm việc tại nhà băng này với chức danh Phó Tổng giám đốc DongABank.

Bị cáo Trần Phương Bình cho rằng, thực chất số tiền mà mình bị cáo buộc đã chiếm đoạt không mất đi, mà còn ở DongABank.

Bị cáo Trần Phương Bình cho rằng, thực chất số tiền mà mình bị cáo buộc đã chiếm đoạt không mất đi, mà còn ở DongABank.

Theo bị cáo Bình, DongABank thành lập năm 1992, lúc đầu do công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (nơi vợ bị cáo Bình làm Chủ tịch HĐQT) góp 8 tỷ đồng. “Vợ bị cáo làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng thời điểm thành lập, bị cáo là Phó Tổng giám đốc DongABank”, bị cáo Bình nói.

Đến năm 1997, nhiều cổ đông khác tham gia. Các cổ đông chính thức bổ nhiệm Bình làm Tổng giám đốc DongABank. Vốn điều lệ thời điểm này của ngân hàng khoảng 100 – 200 tỷ đồng. Từ đó đến khi vụ án xảy ra (từ năm 1997 – 2015), DongABank đã tăng vốn điều lệ nhiều lần nhưng bị cáo không nhớ.

Việc tăng vốn điều lệ được thực hiện bằng cách phát hành cổ phần, cho các cổ đông hiện hữu mua cổ phần. “Có trường hợp nào những cổ đông không hiện hữu mua không?”, chủ tọa hỏi. Bình đáp: “Nếu cổ đông hiện hữu không mua được thì giao cho HĐQT và TGĐ bán ra ngoài”.

Chủ tọa nhắc, trong thời gian từ 1997 – 2015, DongABank đã tăng vốn điều lệ tổng cộng là 39 lần và hỏi bị cáo Bình: “Căn cứ vào đâu để ngân hàng quyết định tăng vốn điều lệ?". Bình cho biết, căn cứ vào sự phát triển của ngân hàng, vốn tối thiểu của ngân hàng theo quy định của NHNN và tính thanh khoản của ngân hàng.

“Ngân hàng cũng quy định cổ đông không được vay tiền của ngân hàng để mua cổ phần trong những lần tăng vốn điều lệ. Nguồn tiền mua cổ phần trong các lần tăng vốn điều lệ phải là tiền có nguồn gốc rõ ràng. Các cổ đông có quyền vay tại các ngân hàng khác để mua cổ phần", bị cáo Bình trả lời.

Bị cáo này trình bày thêm: "Nếu cổ đông vay ngân hàng khác để mua cổ phần của Đông Á, tức là trong nguồn vốn mà DongABank có, bao gồm cả nguồn vốn của ngân hàng khác, điều này nảy sinh trường hợp sở hữu nguồn vốn chéo giữa các ngân hàng, nhưng pháp luật không cấm".

“Bị cáo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của DongABank để dùng làm việc gì?”, chủ tọa hỏi. Bình cho biết: “Về số liệu truy tố việc bị cáo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng là chính xác, nhưng về bản chất thì số tiền này còn nằm trong số cố phần của bị cáo và các cổ đông bị cáo nhờ đứng tên, hiện vẫn đang ở DongABank chứ không mất đi”.

Cũng theo bị cáo Bình, những người đứng tên cổ phần không hỏi bị cáo lấy tiền đâu để mua cổ phần của DongABank. Bị cáo cũng không kinh doanh gì thêm, chỉ lấy tiền tích lũy từ những khoản tiền kiếm được từ DongABank để mua cổ phần của ngân hàng này.

Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-phuong-binh-khai-ve-so-tien-tren-2000-ty-dong-bi-cao-buoc-chiem-doat-a412625.html