Trận phản công cuối cùng của Đức trong Thế chiến 2

Đây cũng được xem là trận phòng thủ lớn cuối cùng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2, chiến thắng này đã chấm dứt hoàn toàn giấc mộng Đế chế Đức của Hitler.

Vào mùa xuân năm 1945, quân đội Liên Xô đã tiêu diệt được các tập đoàn quân Debrecen và Budapest của Đức và bắt đầu tiến vào miền tây Hungary, tạo điều kiện để tiếp tục cuộc tấn công vào lãnh thổ Đức.

Vào mùa xuân năm 1945, quân đội Liên Xô đã tiêu diệt được các tập đoàn quân Debrecen và Budapest của Đức và bắt đầu tiến vào miền tây Hungary, tạo điều kiện để tiếp tục cuộc tấn công vào lãnh thổ Đức.

Lúc này, Sở chỉ huy tối cao Bộ Tư lệnh các phương diện quân Ukraina 2 và 3 nhận nhiệm vụ quan trọng là tấn công vào hướng thủ đô Viên của Áo, tiêu diệt Cụm tập đoàn quân Nam của Đức và chuyển sang bao vây lãnh thổ miền Nam nước Đức.

Trong tình hình đó nhiều chuyên gia quân sự cả phương Tây và Liên Xô đều rất lạc quan, có vẻ như những ngày cuối cùng của Đệ tam Đế chế Đức đã được đánh dấu, nhưng Hồng quân Liên Xô không biết rằng quân Đức đang chuẩn bị giáng một đòn hiểm.

Nếu để mất Hungary, có nghĩa là Đức sẽ mất đi một phần tài nguyên đáng kể phục vụ cho ngành công nghiệp của nước này. Đó chính là các mỏ dầu cuối cùng gần Hồ Balaton, mặc dù cần phải bảo vệ Berlin nhưng Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 6 SS vẫn được cử đến để bảo vệ nơi này.

Với sự hỗ trợ của Tập đoàn quân dã chiến 2 và Tập đoàn quân xe tăng 6, quân đội Đức được cho là sẽ đánh bại sườn phía nam của quân đội Liên Xô và kéo dài cuộc chiến thêm vài tháng.

Ban lãnh đạo Liên Xô tỏ ra ngờ vực với tin tình báo về việc tập trung các thiết bị hạng nặng của Đức bên ngoài Hồ Balaton. Nhưng vẫn chỉ đạo cho Tư lệnh Phương diện quân Ukraina 3, ngừng chuẩn bị cuộc tấn công vào Viên và tổ chức phòng thủ để tiêu diệt cuộc phản công của quân Đức.

Phương diện quân Ukraina 3 có khoảng 200 chiếc T-34 và xe tăng Sherman, nhưng số xe này không đủ để đẩy lùi cuộc tấn công của quân Đức. Bộ chỉ huy của Phương diện quân đặt hy vọng vào các đơn vị pháo và súng trường chống tăng, đã chiếm giữ một số khu vực phòng thủ, có thể làm suy yếu và sau đó đánh bại cuộc tấn công.

Trước cuộc tấn công, hơn 800 xe tăng và pháo của Đức đã tập trung tại Hồ Balaton. Kế hoạch của Đức được gọi là "Đánh thức mùa xuân" được tổ chức thành ba mũi tấn công đồng thời, nhằm gây thất bại nặng nề cho quân của Phương diện quân Ukraine số 3.

Cuộc hành quân bắt đầu vào đêm ngày 6/3 với hai cuộc nghi binh. Tập đoàn quân thiết giáp số 2 của Đức đã xuyên thủng hàng phòng ngự và tiến về thành phố Kaposvar. Đồng thời, lính đồng minh của Đức (Hungary và Bosnia) tấn công từ phía nam và chiếm một cứ điểm chiến lược quan trọng ở tả ngạn sông Drava.

Đây là một bất ngờ khó chịu đối với bộ chỉ huy Liên Xô, bởi vì cuộc tấn công chính của quân Đức được dự đoán là sẽ đến từ phía bắc. Cuộc tấn công bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Sau nửa giờ pháo binh bắn chuẩn bị, các xe tăng hạng nặng của Đức lao thẳng vào trận địa phòng thủ của Hồng quân.

Liên Xô áp dụng chiến thuật "túi lửa", tức là 2-3 khẩu đội pháo sẽ nổ súng vào trực diện của địch để thu hút sự chú ý của quân Đức. Khi xe tăng Đức hướng đến những trận địa pháo mồi nhử thì các khẩu đội pháo và pháo tự hành được ngụy trang ở hai bên sẽ bắn vào sườn xe tăng địch.

Trong khi đó, khoảng không gian hẹp giữa Hồ Balaton và Hồ Velence không đủ để bộ chỉ huy Đức tung toàn bộ Tập đoàn quân thiết giáp số 6 vào trận. Quân đoàn thiết giáp SS thứ hai chỉ bắt đầu cuộc tiến công vào buổi tối, các đơn vị xe tăng, pháo tự hành và xe bọc thép của Đức được trang bị thiết bị nhìn đêm nên chiếm ưu thế trước lính Liên Xô.

Sau 24 giờ chiến đấu, Hồng quân phải rời khu vực phòng thủ quan trọng Sheregeliesh ở phía đông Hồ Velence. Tuy nhiên, quân Đức cũng không thể đột phá được vào chiều sâu của tuyến phòng thủ. Vào ngày thứ hai của chiến dịch, xe tăng Đức di chuyển về phía đông Sheregeliesh, hướng tới vị trí của Quân đoàn thiết giáp số 18 của Liên Xô.

Lúc này, chỉ huy Phương diện quân Ukraine số 3 ra lệnh tổ chức một cuộc phản công với sự tham gia của tất cả lực lượng quân dự bị, bao gồm cả 20 chiếc T-34 mới được sửa chữa với kíp lái chưa qua đào tạo. Nhưng các khẩu pháo tự hành của Đức đã đẩy lùi đòn phản công của Liên Xô trên các hướng.

Trong ngày thứ 3 của cuộc tấn công, quân Đức đã chọc thủng được tuyến phòng thủ chính và áp sát tuyến phòng thủ cuối cùng. Đội tiên phong của Đức vẫn cách thành phố Dunafeldvard và sông Danube khoảng 25 km. Tư lệnh Tolbukhin đã ra lệnh cho quân đoàn 18 đi đầu trong cuộc phản công vào quân Đức.

Đó là một quyết định nguy hiểm vì xe tăng sẽ giao chiến trong phạm vi nhỏ và tính mạng của kíp lái phụ thuộc vào phản ứng và độ chính xác của các phát bắn. T-34 có 2 ưu điểm chính trọng lượng thấp hơn và tốc độ quay tháp pháo tốt. Trong khi xe tăng của Đức dễ bị kẹt trong bùn và chỉ có thể từ từ quay nòng pháo để bắn đối phương.

Chính vì vậy trong trận chiến này xe tăng Liên Xô đã áp đảo trước quân thù, xe tăng Đức đã phải rút lui, để lại 10 xe tăng và 14 pháo tự hành bị phá hủy trên chiến trường. Đây là chiến thắng xe tăng đầu tiên của Hồng quân trong chiến dịch Balaton.

Tuy nhiên, trên các hướng khác quân Đức vẫn tiếp tục tấn công. Nguyên soái Tolbukhin buộc phải xin viện binh từ Phương diện quân Ukraine 2, nhưng bị từ chối. Rạng sáng ngày 9/3, quân Đức tấn công theo hướng Tây Nam. Cuộc tấn công có sự tham gia của 450 xe tăng và pháo tự hành, cũng như hàng trăm xe bọc thép, nhằm vào khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân cận vệ 35.

Tư lệnh Tolbukhin ra lệnh tung vào trận chiến tất cả quân dự bị của hai quân đoàn để giữ bằng được khu vực này và mạo hiểm để các hướng khác chỉ với lực lượng còn rất mỏng. Nhưng nhìn thấy những chiếc xe tăng Liên Xô đang đến, quân Đức ngừng cuộc tấn công và bắt đầu tìm kiếm những điểm yếu khác trong tuyến phòng thủ để đột phá.

Để giảm thiểu tổn thất, các chỉ huy SS quyết định chuyển cuộc tấn công vào ban đêm để tận dụng lợi thế thiết bị nhìn đêm, nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo đúng kế hoạch. Khi trời bắt đầu tối, cuộc tấn công vào Đức bắt đầu, thì bất ngờ đèn rọi phòng không của Liên Xô bật sáng.

Các kíp lái của Đức không những không nhận được lợi thế mà còn bắt đầu thấy mục tiêu kém hơn so với lính tăng và pháo binh Liên Xô và quân Đức không thể đột phá đến được sông Danube theo kế hoạch.

Trận Balaton là chiến dịch phòng thủ lớn cuối cùng của Hồng quân. Các binh sĩ Liên Xô đã đẩy lùi cuộc tấn công của lực lượng thiết giáp mạnh nhất lúc bấy giờ và khiến Đức bị đẩy lùi hoàn toàn khỏi Hungary. Quân đội Đức mất nguồn nhiên liệu, lực lượng xe tăng tinh nhuệ của Đức Quốc xã không còn tồn tại và thực tế không còn đủ sức mạnh để bảo vệ Berlin. Nguồn ảnh: Warhistory.

Sức mạnh của lực lượng Không quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nguồn: ProRus.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tran-phan-cong-cuoi-cung-cua-duc-trong-the-chien-2-1530765.html