Tràn ngập phim hài: Không hài khó cạnh tranh

Nếu phải lựa chọn giữa phim Việt với phim ngoại cùng thể loại không phải hài, khán giả sẽ chọn phim ngoại

Đứng xếp hàng trước phòng vé của rạp Megastar Hùng Vương, từng có khán giả đắn đo lựa chọn nên xem phim Việt hay phim “bom tấn” ngoại. Cùng thời điểm, thông tin về bộ phim Việt vừa ra rạp ấy được truyền thông ưu ái khi có rất nhiều bài viết phân tích, phỏng vấn đạo diễn và diễn viên chính trong khi phim ngoại chỉ được giới thiệu ngắn gọn bằng mẩu thông tin về nội dung, ngày công chiếu. Có ưu thế hơn hẳn về thông tin tuyên truyền nhưng sự lựa chọn của người xem sau cùng vẫn thuộc về phim ngoại. Chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng cũng cho thấy một khi khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp, họ cũng đòi hỏi phải được nhận về một sản phẩm ít nhất là đủ làm hài lòng họ.

Dưới “cơ” phim ngoại

Nếu những năm trước, màn ảnh rộng liên tục có nhiều thể loại để khán giả lựa chọn thì đến thời điểm này, chỉ còn phim hài “trụ” lại như một kết quả tất yếu mà thị trường đã quyết định. Những đơn vị từng đầu tư “phim nghệ thuật” cũng phải đắn đo, cân nhắc lựa chọn giải pháp an toàn. Trong khi đó, các đơn vị mới lấn sân màn ảnh rộng, ngay từ đầu đã lựa chọn sản xuất phim hài để giải bài toán khả thi về doanh thu.

Trong khi điện ảnh thế giới liên tục thực hiện những dự án sáng tạo và kế hoạch phát hành toàn cầu thì điện ảnh Việt vẫn loay hoay ở thị trường eo hẹp trong nước với nỗi lo doanh thu không đủ vốn đầu tư.

Diễn viên Thái Hòa trong Quả tim máu - bộ phim kinh dị đang được mong đợi của đạo diễn Victor Vũ. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Không có nổi những bộ phim “bom tấn” đúng nghĩa nhưng điện ảnh Việt trong những năm qua không thiếu phim thuộc các thể loại: kinh dị, hành động, giả tưởng, cổ trang… và cũng đã nhanh chóng bắt kịp điện ảnh thế giới với công nghệ 3D. Thế nhưng, rất hiếm phim khiến khán giả hài lòng. Từ sau Dòng máu anh hùng, không có bộ phim hành động nào được đánh giá cao hơn. Bẫy rồng, Lệnh xóa sổ bị so sánh với phim hành động của Hồng Kông ở thập niên... 1990. Ranh giới trắng đen, Hiệp sĩ guốc vông bị công chúng đánh giá chỉ ở mức phim truyền hình còn nhiều sạn. Đường đua được khen về tay nghề nhưng nội dung thì không ổn. Phim giả tưởng vừa được nhen nhóm bằng dự án Lửa Phật đã sớm bị dập tắt bởi kết quả không như nhiều người mong đợi. Phim cổ trang cũng chỉ được vài ba sản phẩm ra rạp trong nghịch lý vốn đầu tư cao, doanh thu phải bù lỗ, còn phim thu được tiền tỉ thì bị chê ở chất lượng; chưa kể “ách tắc” ở khâu phát hành vì nhiều lý do như dự án phim cổ trang 3D Thạch Sanh (đạo diễn: Đỗ Quang Hải Âu), dự kiến ra rạp từ cuối năm trước nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa tìm được đầu ra.

Hollywood có những phim xem chỉ để thỏa mãn thị giác, nhà làm phim phô diễn kỹ xảo, đưa khán giả đến một thế giới siêu thực trong một mô-típ quen thuộc, thậm chí bất hợp lý nhưng vẫn chinh phục được khán giả. Phim Việt không đủ sức mang đến công chúng những trải nghiệm điện ảnh hoành tráng trong khi nội dung, cách thể hiện lại không thuyết phục nên phim nào ra rạp cũng nằm trong vòng “soi mói” của số đông. Đặc sản duy nhất của điện ảnh Việt có lẽ là những bộ phim về đề tài chiến tranh được nhà nước đầu tư, liên tục giành giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc gia, giải Cánh diều các năm. Tuy nhiên, đó không phải là những phim phản ánh đúng diện mạo của điện ảnh Việt cũng như thể hiện được mức tăng trưởng của một thị phần điện ảnh đúng nghĩa.

Tìm hướng kinh dị?

Trong dòng chuyển động của điện ảnh Việt, những bộ phim theo “tư duy cũ” của những đạo diễn tên tuổi một thời chưa chắc đã thu hút khán giả đến rạp bằng luồng gió trẻ trung, sinh động, “làm phim theo phong cách Mỹ” của thế hệ đạo diễn Việt kiều hiện tại.

Đánh giá chung về thị hiếu khán giả, dựa trên thực tế phòng vé, ông Danny Quách, Giám đốc Phát hành của BHD, cho biết: “Ở 2 thị trường lớn như Hà Nội và TP HCM, lượng khán giả tập trung xem phim hành động và giả tưởng kiểu Mỹ. Trong khi đó, phim Hàn Quốc, Thái Lan thu hút khán giả tại các tỉnh, thành khác. Riêng phim kinh dị, ở thị trường nào cũng có đông khán giả. Thực tế này đã khiến các nhà làm phim chuyển dòng đầu tư cho thể loại kinh dị trong nhiều năm qua.

Với các thể loại phim cần kỹ xảo để hấp dẫn khán giả, phim Việt Nam không thể so sánh được với điện ảnh các nước lớn. Vì vậy, ngoài phim hài, thể loại kinh dị cũng là một hướng đi khả quan cho điện ảnh Việt vì kinh phí làm phim không cao. Theo đạo diễn Victor Vũ, phim kinh dị luôn có sức hút vì khơi gợi sự tò mò của khán giả về những gì ly kỳ, bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được.

Điện ảnh Việt từng có những phim thuộc thể loại kinh dị như: Mười (dự án hợp tác với Hàn Quốc năm 2007), Suối oan hồn, Chết lúc nửa đêm, Ngôi nhà bí ẩn (2007); sau này là Giữa hai thế giới (2011), Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm (2012). Mảng kinh dị hài có Bóng ma học đường, Biết chết liền! của đạo diễn Lê Bảo Trung... nhưng vẫn chưa thể hình thành một dòng phim thật sự mang dấu ấn riêng. Hầu hết các phim đều mắc lỗi ở cách xây dựng và chưa tạo được sức hấp dẫn ma mị và những lý giải bất ngờ.

Hiểu được thị trường cần gì, thiếu gì và lối đi đã mở nhưng điện ảnh Việt vẫn phải đợi những cuộc đầu tư chất xám xứng tầm.

Doanh thu cần hơn danh tiếng

Đầu tư ít nhưng thành công ngoài mong đợi, làm phim giải trí bằng câu chuyện không để ai bắt bẻ cũng là đường đi rất khôn khéo của nhà sản xuất. Nhưng đó là về mặt kinh doanh, còn nói kiểu gì thì phim làm dạng này cũng rất khó chinh phục được người trong giới và công chúng am hiểu điện ảnh. Từng có nhà sản xuất phản ứng mạnh khi phim của họ bị báo giới chê về tay nghề nhưng thắng đậm về doanh thu, dù số lượng vé bán ra không thể bảo chứng đó là bộ phim hay đúng nghĩa. Có thể “hốt bạc” nhưng khả năng phát hành phim ra nước ngoài là con số 0, chưa kể người làm ra nó không thể tự hào vì mình đã cho ra đời một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa với doanh thu hàng chục tỉ đồng.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/tran-ngap-phim-hai-khong-hai-kho-canh-tranh-2013111209124722.htm