Trận mưa vàng Olympic

Nối tiếp thành công của 'trận mưa vàng' kỳ Olympic 2017, năm nay các đội tuyển Olympic Việt Nam lại ghi dấu ấn bằng những thành tích đáng tự hào. Lần đầu tiên trong 29 lần tham dự Olympic Sinh học quốc tế, một học sinh Việt Nam được tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi - em Nguyễn Phương Thảo khi đạt tổng điểm cao nhất trên tổng số 261 thí sinh tham gia.

Lấp lánh trí tuệ Việt Nam

Olympic Sinh học quốc tế năm 2018 lần thứ 29 tổ chức ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với tổng số 261 thí sinh. Đoàn học sinh Việt Nam với 4 thí sinh đã hoàn thành tốt cả phần thi lý thuyết và thi thực hành. Điểm thi của các thí sinh của Việt Nam đoạt Huy chương đều xếp thứ hạng cao trong cuộc thi. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh, là thí sinh được tôn vinh là người chiến thắng cuộc thi (the first winer). Đây cũng là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi. Tiếp theo là em Trần Thị Minh Anh đứng thứ 09/261; em Hoàng Minh Trung, đứng thứ 19/261 và em Hoàng Văn Đông, đứng thứ 64/261. Cột mốc này đã xác lập kỉ lục mới của Việt Nam tại các kỳ thi Olympic Sinh học, nâng cao vị trí trong xếp hạng thế giới.

Kỷ thi Olympic Vật lí châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 6/5 đến ngày 12/5/2018 là một trong những sự kiện quan trọng được chờ đón đối với những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Kỳ thi được tổ chức tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 185 học sinh, 48 lãnh đạo đoàn và 29 quan sát viên đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn Việt Nam có 8 học sinh đều giành huy chương (HC) trong đó có 4 Huy chương vàng (HCV), 2 Huy chương bạc (HCB) và 2 Huy chương đồng (HCĐ). Đây là thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam trong 19 kỳ tham dự Olympic châu Á nội dung này.

5 thí sinh xuất sắc nhất đã được chọn làm thành viên chính thức của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế - IPhO 2018 tổ chức tại Bồ Đào Nha từ ngày 21-29/7/2018. Cả 5 em đã tiếp tục đem lại niềm tự hào cho Việt Nam khi giành được 2 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2018 với 6/6 thí sinh tham dự đều đoạt HC. Trong đó, có 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2018 cũng ghi dấu ấn với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Biến tri thức thành sức mạnh

Kết quả tranh tài ở đấu trường quốc tế của học sinh Việt Nam là những minh chứng rõ ràng nhất, rằng trí tuệ Việt Nam không hề thua kém so với học sinh quốc tế. Các em đã đem vinh quang về cho đất nước. Thành quả của các em học sinh hôm nay là niềm tự hào chung của cả nước. Đồng thời khẳng định những đổi mới đúng hướng mà ngành giáo dục đã và đang triển khai, trong đó có chủ trương phát triển song song giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn nhằm phát huy tài năng của các em học sinh có năng khiếu vượt trội, góp phần chinh phục đỉnh cao tri thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Năm 1974, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham dự một kỳ Olympic quốc tế, đã đoạt HCV môn Toán. Trải qua 42 năm, chưa một năm nào các đoàn Olympic Việt Nam không giành được huy chương. Đặc biệt những năm gần đây, học sinh Việt Nam đã liên tiếp đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, được bạn bè thế giới công nhận. Không phải học sinh nào cũng có điều kiện tốt để học tập, không phải tất cả các em đều đến từ Hà Nội, TP HCM là những thành phố lớn có điều kiện hơn về cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị học tập để thực hành, rèn luyện... Tinh thần hiếu học vô bờ của người Việt Nam được kế thừa từ truyền thống dân tộc - một tinh thần không ngừng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức, của rất nhiều thế hệ Việt Nam, trong đó có nhiều bậc tiền nhân đã làm rạng danh đất nước bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự trung thành tuyệt đối với dân tộc, với cội nguồn Tổ quốc như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn… Nay trải qua nhiều khó khăn, gian khó vẫn không hề phai nhạt mà còn được phát huy, tỏa sáng.

Nhưng vì sao một đất nước luôn đầy ắp tinh thần hiếu học, thành tích của các thế hệ học sinh đoạt được trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế không tồi... lại chưa có được sự phát triển cao về tri thức, về khoa học công nghệ?

Huy chương và hơn thế nữa. Tổ quốc nhân dân đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, phát huy những thành tích trong học tập, biến nó thành những giá trị hiện hữu, những sáng tạo trong khoa học công nghệ đem lại đóng góp thiết thực cho đất nước. Muốn vậy, không thể chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của chính bản thân các em mà hơn cả là yêu cầu đổi mới toàn diện đặt ra bức thiết với ngành giáo dục hôm nay. Làm sao để đào tạo ra một thế hệ đầy đủ kiến thức và phẩm chất sẵn sàng khởi nghiệp để kiến tạo đất nước. Đó là bài toán của không chỉ giáo dục phổ thông mà cả hệ thống giáo dục, trong đó có các trường ĐH phải đổi mới mạnh mẽ, trở thành những mô hình tiên tiến về quản trị và tổ chức, về con người, chất lượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy, môi trường văn hóa và năng lực hội nhập quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng về tương lai có những nhà kỹ nghệ, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân nổi tiếng thế giới là người Việt Nam.

Ra đi và trở về

Câu chuyện về Phạm Kim Hùng, một người từng đoạt HCV Olympic quốc tế môn Toán, sau khi tốt nghiệp ĐH Stanford, đã quyết định không ở lại Mỹ mà về Việt Nam khởi nghiệp vẫn được nhiều người nhắc lại hôm nay, trong bối cảnh rất nhiều học sinh giỏi phổ thông, trong đó có những học sinh đoạt giải cao trong các kỳ Olympic quốc tế lựa chọn đi du học ở nước ngoài.

Tất nhiên, việc mở mang tri thức ở những nước được cho là cường quốc về giáo dục như Mỹ, các nước châu Âu sẽ giúp trí tuệ Việt Nam được phát huy hơn nữa. Các em có nhiều khả năng sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhưng câu hỏi trở về hay không vẫn luôn được đặt ra với các em khi có nhiều cơ hội làm việc tốt, được phát triển đúng chuyên môn và chế độ đãi ngộ hấp dẫn ở nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài được ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng “cơ chế đặc thù” thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc vẫn là câu chuyện dài. Dù điều kiện làm việc, lương thưởng... hiện đã được các cơ sở chú trọng cải thiện hơn rất nhiều song vẫn còn những hạn chế nhất định. Chấp nhận trở về là chấp nhận đối mặt khó khăn, chinh phục thử thách dù làm nghề, làm khoa học nghiên cứu hay thực hành,...

Nhiều ý kiến khác nhau chưa thể thống nhất, trong đó có quan điểm không phải du học sinh cứ trở về làm việc tại quê hương mới được gọi là cống hiến. Ở đâu cũng có thể cống hiến cho Tổ quốc nếu như trái tim và khối óc của các em luôn hướng về quê hương.

Nói như GS Trần Thanh Vân, người đã dành cả cuộc đời cho khoa học và hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ phát triển, một quốc gia muốn phát triển cần có một nền khoa học và giáo dục mạnh mẽ. Hãy tin tưởng giới trẻ, họ sẽ về quê hương - nơi có cha mẹ và người thân - để cống hiến, trở thành người có ích và trách nhiệm với xã hội.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/tran-mua-vang-olympic-tintuc414366