Trận lụt lịch sử là lời cảnh tỉnh về phát triển bền vững ở Phú Quốc

Sáng 16/8, Sở thông tin truyền thông và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức họp báo về tình hình ngập, lụt vừa qua tại huyện đảo Phú Quốc.

Ngập lụt là lời cảnh tỉnh về phát triển bền vững ở Phú Quốc

Tại buổi họp báo, ông Mai văn Huỳnh, Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Tình hình mưa lũ ở Phú Quốc là bất ngờ, ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Theo thống kê, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm ngập hơn 63km đường với độ sâu từ 0,5m - 2m. Toàn đảo Phú Quốc có khoảng 8.424 căn nhà bị ngập, 24 căn bị sập và tốc mái, nhiều vật dụng, tài sản của người dân bị ngập nước, hư hỏng… Tổng thiệt hại do ngập gây ra hơn 107 tỷ đồng… Vào ngày cao điểm lượng mưa nhiều và tốc độ gió xoáy rất phức tạp nên sân bay Phú Quốc phải đóng cửa, gần 30 chuyến bay bị hoãn.

Cũng theo ông Mai Văn Huỳnh, thành công lớn nhất của chính quyền Phú Quốc là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng ngập lụt, không để người dân nào bị đói, lạnh vất vả trong đêm, đưa dân ra tránh trú an toàn trong mưa bão. Sau trận ngập lịch sử, huyện đã ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; Nhanh chóng rà soát các điểm, các khu vực bị ngập cục bộ để mở các đường thoát nước ra biển.

Ông Huỳnh khẳng định ngập lụt vừa qua Phú Quốc chỉ bị ngập cục bộ ở một số khu vực. Tuy nhiên nhiều hình ảnh, thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội chưa chính xác khiến nhiều người hiểu lầm là cả hòn đảo chìm trong biển nước, tạo cảm giác hoang mang, lo lắng cho du khách trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hình ảnh của đảo ngọc.

Ông Phạm Công Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, việc mưa lớn gây ngập lụt ở Phú Quốc vừa qua là điều không ai mong muốn nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho tỉnh về sự phát triển bền vững của Phú Quốc trong thời gian tới trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường. “Sau sự kiện này, Ban thường vụ chúng tôi đã bàn tới hướng là sẽ có hội nghị chuyên đề chuyên sâu để tính toán các bài toán cho Phú Quốc và cho một số nơi trong tỉnh, ông Khâm cho biết.

Ông Phạm Công Khâm, Trưởng ban Tuyên giáo Kiên Giang phát biểu tại buổi họp báo.

Không gian bờ biển là của nhân dân, không bê tông hóa

Về nguyên nhân gây ngập cục bộ như trong thời gian qua, Ông Mai Văn Huỳnh cho biết có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Bên cạnh nguyên nhân khách quan về biến đổi khí hậu, thiên tai, huyện cũng thừa nhận công tác quản lý quy hoạch, xây dựng cũng còn nhiều hạn chế.

Trước thông tin cho rằng Phú Quốc đang bị một rừng bê tông chắn bờ biển dẫn tới hậu quả ngập lụt, ông Huỳnh cho rằng đây là thông tin thiếu chính xác. Khu vực Bãi Trường bị ngập cục bộ là khu cách xa thị trấn Dương Đông. Khu vực này giống như đại công trường, phần lớn là các dự án đang thi công dang dở, hệ thống thoát nước chưa được đấu nối vớ hệ thống chung nên ngập cục bộ.

Tới đây huyện đề nghị Sở Xây dựng mời các doanh nghiệp đang thi công ở khu vực Bãi Trường họp bàn giải pháp thi công phù hợp, trong lúc thi công phải có giải pháp để thoát nước; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng, trước mắt tuyên truyền, động viên những trường hợp xây cất lấn chiếm sông suối tự tháo dỡ, sau đó huyện cương quyết xử lý nghiêm và buộc khôi phục hiện trạng. “Chúng tôi sẽ phối hợp với BQL khu kinh tế kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt là Bãi Trường. Các doanh nghiệp không tuân thủ theo mật độ xây dựng, quy trình thi công, quy định của địa phương là cương quyết xử lý, thậm chí là đình chỉ và cho ngưng thi công”.

Theo ông Huỳnh, vào ngày 2/9 tới huyện đảo Phú Quốc sẽ tổ chức khởi công đường quanh đảo sát biển dài khoảng 12km dọc nam bắc Bãi Trường và triển khai công viên bờ biển khoảng 100ha ở khu vực này. “Đây là không gian bờ biển mà chúng tôi khẳng định không giao cho doanh nghiệp từ xưa tới nay. Thông tin cho rằng địa phương giao hết cho doanh nghiệp là không có, còn xây dựng là theo quy chuẩn, tỷ lệ xây dựng được phê duyệt theo từng dự án. Không gian này là của nhân dân, của khách du lịch, không bê tông hóa bờ biển để cấp thoát nước”, ông Huỳnh khẳng định.

Về giải pháp lâu dài, Phú Quốc sẽ điều chỉnh, cập nhật quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu đô thị như Dương Đông, An thới và các khu đô thi mới sao cho phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc hiện nay. Đồng thời đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông và An Thới; trình Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị, trong đó kết nối hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ tổng thể để có hệ thống cấp thoát nước, môi trường đồng bộ trên toàn huyện đảo./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tran-lut-lich-su-la-loi-canh-tinh-ve-phat-trien-ben-vung-o-phu-quoc-945398.vov