Trần Lực: 'Nếu vợ tôi có ghen thì kiểu ghen chắc cũng khác'

'Vợ tôi mà 'ghen' với Lê Khanh thì khác gì ghen với 'nghệ thuật' của tôi. Cô ấy không ghen, nhưng nếu cô ấy có ghen, thì kiểu ghen chắc cũng khác, sẽ vui vẻ thôi', đạo diễn Trần Lực chia sẻ.

Đạo diễn, diễn viên Trần Lực - Ảnh NSCC

Bẵng đi một thời gian, chẳng thấy Trần Lực đóng phim hay làm đạo diễn phim. Rồi anh trở lại, làm hẳn một đoàn kịch tư nhân đầu tiên của sân khấu phía Bắc. Trong khi sân khấu phía Bắc lao đao và thiếu vắng khán giả thì Trần Lực tự tin đoàn Lucteam của mình có thể tự nuôi sống mình.

Trong khi ngay cả những nhà hát lớn, nghệ sĩ vẫn còn kêu “khổ” và phải xoay sở đủ kiểu để khán giả đến với sân khấu, vì sao anh tự tin đoàn kịch của mình có thể thu hút, hấp dẫn được khán giả?

Đạo diễn Trần Lực: Nhưng sự thật là kịch của họ rất khó bán vé. Còn kịch của Lucteam, chúng tôi mới bắt đầu, nhưng đã được khán giả quan tâm, và chúng tôi bán được vé. Điều gì ở chúng tôi hấp dẫn được khán giả ư? Thì tôi đã nói ở trên rồi, sự mới mẻ, bất ngờ và khác biệt.

Ngôn ngữ kịch Lucteam là sự khác biệt hoàn toàn với kịch hiện thực của sân khấu Việt Nam hiện nay. Và ngay trong bản thân Lucteam, các vở diễn cũng khác nhau. Khán giả sẽ không bao giờ nhàm chán khi xem Lucteam, thậm chí phải luôn bất ngờ khi Lucteam trình làng tác phẩm mới.

Ở tuổi đã không còn trẻ nữa, nhưng anh vẫn “đu” với một sân khấu trẻ, toàn những gương mặt trẻ. Anh có thấy mình "liều" không?

Tôi không băn khoăn về tuổi tác khi bắt đầu với sân khấu, điều tôi băn khoăn là mình có làm được gì đó mới mẻ hay không. Sân khấu Việt Nam trong thời điểm hiện tại quá cũ kỹ về ngôn ngữ, sự cũ kỹ khiến sân khấu đánh mất khán giả của mình.

Tình hình hiện tại xảy ra với giới sân khấu là làm theo lối cũ thì nhàm chán, không quyến rũ được khán giả nữa, sáng tạo cái mới thì đầy mạo hiểm, bởi cái mới chính là cái chưa ai biết đến, liệu khán giả có tiếp nhận không?

Chữ “liều” ở đây còn có cách nói khác, đó là sự dũng cảm. Tôi cho rằng tôi dũng cảm khi dám tạo ra phương pháp mới, và đầy mạo hiểm. Bạn cũng biết, trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, cái mới khi xuất hiện luôn chịu bao gạch đá, phải có thời gian thử thách rất lâu mới được tiếp nhận. Thơ văn, âm nhạc, hội họa... đều như vậy.

Rất may, ngôn ngữ sân khấu của tôi, tôi gọi là ước lệ - biểu hiện, đã được khán giả đón nhận. Điều này chứng tỏ khán giả không phải không muốn đón nhận cái mới, mà là nghệ sĩ chúng ta có làm ra cái mới hay không thôi!

Sự đón nhận của khán giả thông qua việc họ bỏ tiền mua vé đến rạp xem kịch đã khích lệ tôi hăng hái hơn, quyết tâm hơn trong việc sáng tạo những sản phẩm mới, có chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ khán giả.

NSND Lê Khanh và diễn viên Trương Mạnh Đạt trong vở kịch Quẫn - Ảnh NSCC

"Tôi tin, giá trị đích thực sẽ được đón nhận"

Điều gì khiến anh có quyết tâm để duy trì một đoàn kịch tư nhân như Lucteam, mặc dù ban đầu chấp nhận… lỗ?

Điều chúng tôi quyết tâm xây dựng và duy trì Lucteam trước hết là tâm huyết, lòng yêu nghề. Những nghệ sĩ sân khấu đều biết giá trị của bộ môn nghệ thuật sang trọng này, nhưng thực tế khán giả không quan tâm tới nó nữa, điều đó khiến chúng tôi đau đớn.

Xây dựng một phương pháp mới, một ngôn ngữ kịch hiện đại, đầy bất ngờ đối với khán giả, đó là tâm huyết của tôi. Đó là giá trị mới và tôi tin, giá trị đích thực sẽ được đón nhận. Chúng tôi mạo hiểm nhưng chúng tôi tự tin, nếu quả thực là lỗ theo nghĩa là sẽ chẳng có ai mua vé xem kịch của chúng tôi, chắc chúng tôi giải tán thôi. Nhưng chúng tôi sẽ không lỗ.

Nhiều người sẽ tò mò làm thế nào Trần Lực đủ tiền để “nuôi” đoàn kịch của mình?

Chuyện tiền nong tất nhiên luôn là vấn đề quan trọng. Tôi là người khởi xướng, đồng thời cũng là nhà đầu tư, tuy nhiên, tôi không “nuôi” Lucteam theo cách mà nhà nước nuôi các đoàn kịch khác. Tôi đầu tư vào tác phẩm như một dự án vậy, và dự án sẽ tạo ra lợi nhuận. Thực chất, đội Lucteam tự nuôi sống mình bằng chất lượng vở diễn, bằng tiền mà khán giả bỏ ra mua vé.

Sau một thời gian, Lucteam đưa vở Quẫn - một tác phẩm kinh điển của nhà viết kịch Lộng Chương, trở lại với sân khấu Hà Nội. Sự trở lại này có gì mới, thưa anh?

Một vở diễn sân khấu muốn đứng được trong trí nhớ người xem, nó phải đảm bảo yêu cầu luôn luôn mới mẻ. Đêm nay diễn phải khác đêm trước, diễn viên phải diễn khác đi, đạo diễn cũng phải nghĩ ra cách xử lý khác. Đó là sự sáng tạo liên tục. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi Lucteam có ngừng biểu diễn một thời gian ngắn để tái cấu trúc nhân sự, mục đích tạo ra một sự thay đổi lớn hơn, giống như thao tác làm mới lại tinh thần sáng tạo, tất cả chỉ nhằm mục đích tạo ra bất ngờ, mới mẻ và khác biệt để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Sự quay lại lần này của Quẫn, khán giả sẽ thấy một bản Quẫn hoàn toàn mới, như trên tôi đã nói, bất ngờ và khác biệt. Phương châm tồn tại của Lucteam luôn là như vậy: bất ngờ, mới mẻ và khác biệt.

Vợ anh có ghen khi anh dành nhiều tâm sức cho sân khấu và lại còn mời Lê Khanh tham gia trong Quẫn?

Vợ tôi có ghen không ư? Cả đời tôi đến giờ luôn được chia làm 2 nửa, nửa dành cho nghệ thuật, nửa của gia đình. Nghệ thuật là sự nghiệp, là tình yêu lớn của tôi, nó chiếm phần trong tim tôi không ít hơn phần cho gia đình. Tôi từng làm diễn viên, rồi làm đạo diễn điện ảnh, giờ là sân khấu. Nếu vợ tôi mà ghen, chắc cô ấy sẽ ghen cả đời.

Lê Khanh là bạn diễn ăn ý của tôi từ thời trẻ khi đóng phim, khi làm đạo diễn điện ảnh. Có vai phù hợp tôi đều mời chị ấy. Đến giờ, làm sân khấu, tôi cũng rất muốn có Lê Khanh tham gia, bởi cô ấy là diễn viên xuất sắc, tài năng, thuộc loại hàng đầu của sân khấu Việt. Lê Khanh cũng là một phần của nghệ thuật mà tôi dành tâm huyết.

Vợ tôi mà “ghen” với Lê Khanh thì khác gì ghen với “nghệ thuật” của tôi. Cô ấy không ghen, nhưng nếu cô ấy có ghen, thì kiểu ghen chắc cũng khác, sẽ vui vẻ thôi!

An An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/tran-luc-neu-vo-toi-co-ghen-thi-kieu-ghen-chac-cung-khac-1025356.html