Tràn lan thực phẩm bẩn trước Tết Nguyên đán - Người tiêu dùng 'méo mặt' vì lo tiền mất tật mang

Miến dong phơi trên nền công trình xây dựng dở, ngổn ngang phế liệu, công an liên tiếp bắt giữ các xe hàng chở cả tấn nầm heo, tai, lòng heo thối chuẩn bị tuồn vào quán nhậu phục vụ thực khách dịp Tết Nguyên đán đã khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, sợ hãi.

Kinh hãi công nghệ sản xuất miến dong ở Hà Nội

Vào các dịp lễ, Tết hay bữa cơm sum vầy, người dân miền Bắc thường rất chuộng các món nấu từ miến. Thậm chí, Tết Nguyên đán, món ăn này trở thành 1 phần không thể thiếu. Ngoài các món miến xào, canh miến, người dân còn chế biến rất nhiều món ăn khác dùng miến làm nguyên liệu không thể thiếu.

Chính vì thế, sau khi xem những thông tin xuất hiện trên báo chí gần đây về quy trình sản xuất miến bẩn ở ngay Hà Nội, nhiều người không khỏi rùng mình khiếp hãi.

Bột dong được phơi ngoài bãi cỏ.

Miến làm xong phơi trên nền cát bụi bẩn của công trình đang xây dựng dở.

Ngoài đường bụi bay mù mịt cũng thành nơi phơi khô miến.

Bên cảnh phên tre phơi miến là ống khói thải đen sì, bốc mùi khó chịu.

Cụ thể, ở xã Yên Sở, Dương Liễu (Huyện Hoài Đức, Hà Nội) - nơi nổi tiếng với nghề sản xuất miến dong, người ta sẵn sàng “vứt” miến ra phơi ở mọi nơi, mọi chỗ - từ ngoài đường bụi bay mù mịt cho đến trên bãi cỏ, dưới hiên nhà đang xây dở, phế liệu thi công ngổn ngang chưa kịp dọn.

Ngoài phơi miến không đảm bảo vệ sinh, các hộ sản xuất miến còn xả thải nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm. Những cột khói đen ngòm bốc lên từ các hộ sản xuất miến cứ thế xả thẳng vào bầu không khí của làng nghề. Tiếp đó, miến làm xong lại được phơi ngay trong môi trường ô nhiễm như thế, đầy khói thải và thậm chí còn gần ngay nơi xả nước thải.

Tương tự, bột dong cũng được phơi ngổn ngang như miến, bất cứ khoảng không gian nào tận dụng được là người dân sử dụng. Nếu chẳng may mua phải miến bẩn đó thì chắc chắn cả gia đình sẽ “được” ăn miến ngấm toàn cát, sạn.

Bắt giữ 10 tấn nầm heo thối chuẩn bị tuồn vào quán nướng, lẩu

Mới đây, Đội QLTT quận Thủ Đức, TP.HCM phối hợp cùng Công an phường Bình Chiểu đã bất ngờ tiến hành kiểm tra trong bãi giữ xe ở địa chỉ 229 đường Ngô Chí Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 chiếc xe tải đang kéo 1 container ra khỏi bãi đậu. Lực lượng đã yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra bên trong thùng container.

Qua đó, phát hiện bên trong có hàng trăm trăm bao tải chứa các thùng xốp đựng nhiều vú heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, phía trên thùng có ghi dòng chữ Trung Quốc.

Nầm heo thối chuẩn bị tuồn vào quán nhậu.

Chủ lô hàng cho biết, số hàng trên xe được thu mua gom từ các tỉnh miền Bắc, sau đó, thuê xe vận chuyển vào TP.HCM để tiêu thụ. Sau đó toàn bộ số vú heo sẽ được đem bán cho các nhà hàng, quán nhậu… để phục vụ tết. Thống kê ban đầu cho thấy có tổng cộng đến 300 bao tải chứa vú heo “thối” với tổng trọng lượng hơn 10 tấn.

Liên tiếp phát hiện các vụ thực phẩm bấn chuẩn bị “phục vụ” thực khách dịp Tết Nguyên đán

Tại Hà Nội, ngày 22/1 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 16 (Chi cục QLTT) kiểm tra hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Ngọc Mai ở phố Phạm Ngọc Thạch, Q.Đống Đa (Hà Nội), phát hiện và tạm giữ 312 chai rượu các loại, 2.400 chai nước ngọt Coca Cola 300ml, 50kg đùi gà đông lạnh.

Mới đây, Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa) cũng đã xử phạt vi phạm hành chính, buộc tiêu hủy hơn 500kg nội tạng lợn.

Trước đó, ngày 13.1. 2018, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng PC49 (Công an tỉnh Thanh Hóa) kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Song Tùng (Nghi Phú, TP.Vinh, Nghệ An) và ông Hoàng Việt Thành (Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) về hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc mùi vị, buộc tiêu hủy 535kg nội tạng lợn.

Quang cảnh chế biến lòng heo thối tại một cơ sở chế biến sản phẩm nội tạng động vật ở huyện Bình Chánh, TP. HCM

Trong 2 ngày 31/1 & 1/2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49, CA TP.HCM) cùng Thanh tra Sở TN-MT và Công an thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) kiểm tra cơ sở chế biến ruột heo, tai heo của bà Nguyễn Thị Phượng tại nhà không số, trên khu đất trống thuộc đường Tân Túc, KP4, thị trấn Tân Túc.

Tại đây, chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ pháp lý, giấy phép môi trường cũng như hồ sơ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay tại khu vực chế biến có 3 lao động không được trang bị đồ bảo hộ lao động đang tay trần cắt, rửa khoảng 50kg tai heo bốc mùi hôi. Ngoài số tai heo đang được sơ chế, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 50kg tai heo nguyên liệu khác không rõ nguồn gốc đã biến chất, bốc mùi.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển thực phẩm bẩn.

Tại 1 cơ sở khác tại số nhà 4B đường Trung Mỹ Tây 13, tổ 82, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM do ông Nguyễn Văn Quảng làm đại diện, Đội Quản lý ATTP số 4 đã phát hiện chủ cơ sở sử dụng hóa chất H2O2 để tẩy lòng. Sau đó, ông Quảng đã làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy trên 2.275kg lòng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm ATTP nhiều đến mức, có thể gặp ở bất kỳ chợ dân sinh nào: Măng ngâm trong nước để cả tháng trời không thối; bánh kẹo sản xuất kiểu “thủ công” bày bán tràn lan; thịt gia súc, gia cầm được đóng dấu thú y “cho có”…

Có lẽ dịp Tết năm nay, khi tiêu dùng, mua sắm bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng nên đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả gia đình.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/tran-lan-thuc-pham-ban-truoc-tet-nguyen-dan-nguoi-tieu-dung-meo-mat-vi-lo-tien-mat-tat-mang-2175152.html