Tràn lan thử thách bệnh hoạn trên Youtube: Khi phông văn hóa… nhảm

'Thử thách tắm với mắm tôm', 'thử thách 24h làm chó', 'thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ',… là những nội dung gây sốc tràn ngập trên YouTube hiện nay. Đáng nói, nhiều bạn trẻ bất chấp các giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa để tạo nên những đoạn video 'rác', những nội dung khiến người xem phải giật mình vì sự nhảm, 'hết khôn dồn đến dại' trong suy nghĩ của một bộ phận.

Những video nhảm tác động xấu tới công chúng, đặc biệt là trẻ em.

Những video nhảm tác động xấu tới công chúng, đặc biệt là trẻ em.

Từ thị hiếu nhảm của người xem…

Vài năm lại đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều video có nội dung chưa phù hợp của các kênh như có những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa. Không chỉ ở Việt Nam, các video nhảm từ lâu đã phổ biến, được một bộ phận khán giả ưa chuộng tại nhiều quốc gia khác.

Có những thời điểm, khi vào trang chủ và trang thịnh hành của YouTube, người xem không khó để bắt gặp các video với tiêu đề, nội dung gây sốc như: “1 triệu chiếc khăn giấy có thể thấm hết nước trong bể bơi”, “Đập 30 chiếc iPhone bằng búa” hay “Liệu 10.000 bao cao su có thể chặn đứng một viên đạn?”…

Sự tràn lan và phổ biến những nội dung nhảm trên các mạng xã hội khiến nhiều Youtuber hoạt động nghiêm túc cảm thấy bối rối. Anthony Padilla – một Youtuber nổi tiếng với các video trò chuyện, phỏng vấn người thuộc nhóm thiểu số, thiệt thòi – cố gắng lý giải về sức hấp dẫn của các video nhảm nhí: “Những con số khổng lồ, sự việc bất thường kích thích mọi người nhấp chuột vào xem. Đa số có thể vì sự hiếu kỳ. Nhìn ai đó lãng phí cả đống tiền chỉ để làm điều gì đó lố bịch, vô nghĩa lại hấp dẫn một cách kỳ lạ”.

Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Mason Sands giải thích con người luôn thích những thứ kỳ quặc. “Nó cũng giống như việc những kỷ lục lạ lùng, không mang nhiều ý nghĩa vẫn có trong sách kỷ lục Guinness. Cơn khát của chúng ta với những thứ kỳ lạ đã biến những hành vi đáng lo ngại như ném hàng triệu chiếc khăn giấy vào bể bơi hay thả hàng nghìn chai nhựa xuống biển trở thành chuẩn mực, thứ có thể kiếm ra tiền trên mạng”.

Đáng lo hơn, thị hiếu người xem đối với những video nội dung gây sốc ngày càng "nặng đô" hơn khi chính họ khuyến khích YouTuber thực hiện những thử thách quái đản. Bởi trong thời gian đầu, những kênh chia sẻ các video vô bổ, nhảm nhí có thể thu về lượt xem, đăng ký cao nhờ yếu tố dị và sốc nhất thời. Nhưng về sau, nếu không thể thỏa mãn được “khẩu vị” ngày càng nặng của người xem, kênh sẽ giảm tương tác và bị ảnh hưởng thu nhập đáng kể.

Chính vì vậy, không ít YouTuber thậm chí bất chấp cả tính mạng của mình thực hiện theo những yêu cầu của người xem. Trong một bài viết trên BuzzFeed, dù không đổ lỗi hoàn toàn cho khán giả, nhà báo Scaachi Koul cho rằng người xem có trách nhiệm không hề nhỏ khi các video nhảm nhí ngày càng phổ biến trên YouTube.

Cần có cơ chế kiểm duyệt linh hoạt và chế tài xử lý mạnh tay đối với những video thể hiện sự xuống cấp về văn hóa.

“Trong thế giới như YouTube, người dùng thực sự có thể xóa sổ ai đó bằng cách từ chối cho họ thời gian và sức lực. Không làm điều đó có nghĩa bạn chọn cách che chở, dung dưỡng họ”, bà cho biết.

Đến sự “thụt lùi” trong văn hóa

Sự hứng thú của một phận người xem đối với những video nhảm đã khiến những kênh vô bổ "mọc lên như nấm". Cho dù theo thời gian, những kênh giải trí này sẽ nhanh chóng "sớm nở, tối tàn", tuy nhiên, hệ lụy từ những sản phẩm rác đối với một thế hệ là điều khó tránh khỏi. Đã có nhiều cái chết của trẻ em trên khắp thế giới liên quan đến việc bắt chước theo YouTube.

Trầm trọng hơn, khi cả người xem và người sáng tạo nội dung chấp nhận những video "rác" này chứng tỏ những giá trị tốt trong xã hội đang bị hạ thấp và sự lên ngôi của những chuẩn mực khác thường. Về bản chất, giải trí không phải là tầm thường hay cùn mòn hóa sức nghĩ, sức cảm mà là sự tái tạo các năng lượng tích cực cho trí tuệ, tâm hồn. Vì thế, nếu tiếp tục mất kiểm soát mà "cắm đầu" vào các video, thậm chí là các show truyền hình nhảm nhí, tự khán giả đã loại bỏ quyền được tiếp cận sản phẩm văn hóa có chất lượng hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị hiếu kỳ lạ của một bộ phận người xem ngày nay đã khiến mạng xã hội như "vỡ chợ", loạn nôi dung sốc và nhảm. Chính trong môi trường học đường, những nội dung "rác" lại càng thu hút nhiều lượt theo dõi của học sinh, lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Không chỉ đối tượng học sinh, nhiều bậc cha mẹ vì thiếu hiểu biết đã chọn cách dỗ con bằng cách cho xem những video nhảm. Điều này đã trực tiếp tác động đến sự học hỏi và bắt chước của trẻ, dẫn đến những trái lệch trong suy nghĩ của trẻ khi phát triển sau này.

TS Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Nhảm nhí lên ngôi ngay trong trường học khi rất nhiều học sinh sùng bái Khá Bảnh, chễm chệ trong nhiều gia đình khi cả nhà cùng xem giang hồ mạng đóng phim, còn những giang hồ trong phim thì lớn tiếng dạy đời, dạy người”. Cũng theo Tiến sĩ, mức độ nhảm nhí, vô nghĩa nhưng lại hút người xem của các video này đang cho thấy tính chất tréo ngoe của văn hóa đại chúng trong thời đại bùng nổ phương tiện truyền thông số.

Trong khi đó, chủ nhân của các video, các kênh YouTube nhảm nhí lại biết cách giữ xung quanh mình một lượng lớn "thiêu thân" không thèm phân biệt hay dở. Lợi nhuận và cả danh tiếng từ việc làm các video giải trí đã khiến nhiều người quay cuồng trong chiêu trò chiếm lĩnh thị phần khán giả, bất chấp điều tiếng.

Cần tạo cho người dùng khả năng miễn nhiễm trước những thông tin rác trên mạng xã hội.

Việc một bộ phận giới trẻ ủng hộ những kênh nhảm nhí là biểu hiện của sự xuống cấp, nếu không nói là sự thụt lùi về đạo đức trong xã hội ngày nay. Nhiều người chỉ đơn giản xem đây là một phần giải trí nhưng những tính tiêu cực của nó đối với cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Anh Phước Quốc – quản trị một số kênh YouTube về công nghệ và giải trí cho biết, trong giới làm YouTube nhảm thường truyền miệng câu clip mà “các cháu không xem chả ai xem” như một thứ định hướng nội dung. Bởi với các loại clip có nội dung nhảm, “bẩn”, phản cảm, những người lớn hoặc người có suy nghĩ chín chắn, chẳng mấy người xem và tán dương. Chính vì thế, trong phần comment phía dưới, ít có các lời bình luận mang tính phản biện, cảnh tỉnh người khác.

Mặt khác, việc kiểm duyệt 100% nội dung video với số lượng khổng lồ và có xu hướng tăng lên mỗi ngày như hiện nay là bất khả thi. Hiện nay, các mạng đều cố gắng xây dựng cơ chế kiểm duyệt ba thành phần: Máy móc (dựa trên trí thông minh nhân tạo - AI); người dùng (báo cáo nội dung xấu) và nhân sự kiểm duyệt (kiểm tra lại kết quả do AI và người dùng đưa ra để đưa ra quyết định cuối cùng).

Như vậy, khi đưa một video lên mạng xã hội, đầu tiên nội dung clip sẽ được máy tính rà quét xem có vi phạm các chính sách về nội dung không. Tiếp theo, khi video được phát online, hệ thống sẽ ghi nhận các phản ánh/báo cáo (report) nội dung xấu. Khi một video bị nhiều report, bộ máy kiểm duyệt của các mạng xã hội sẽ thẩm định trực tiếp bằng con người và đưa ra quyết định cuối cùng.

Vì vậy, người dùng chính là khâu quan trọng đánh giá, kiểm duyệt nội dung của các nội dung trên mạng xã hội hiện nay. Nếu bộ phận người dùng dễ dãi, che chở và chấp nhận cho những loại thông tin "rác", phi đạo đức và trái lệch những chuẩn mực xã hội thì không gian mạng sẽ không chỉ là nơi để học tập, tìm hiểu. Những nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn trên mạng xã hội sẽ tác động đến một bộ phận công chúng, cổ súy những hành vi lệch chuẩn và vi phạm đạo đức, pháp luật.

Để hạn chế những ảnh hưởng xấu của video độc hại tới người xem và định hướng thị hiếu của công chúng, nhiều doanh nghiệp đã liên kết cùng các nhà mạng đề xuất nhiều nội dung tốt với người dùng. Ông Phan Thanh Giản (CEO dịch vụ truyền hình ClipTV) bày tỏ sự đồng tình với suy nghĩ "tạo cho người dùng khả năng "miễn nhiễm" với các nội dung độc hại".

Ông cho biết: "Quan điểm cá nhân tôi cho rằng biện pháp ngăn chặn triệt để thực ra là rất khó. Việc có thể làm là giáo dục và tuyên truyền cho người dùng để từng bước nâng cao nhận thức của họ, tạo cho họ khả năng "miễn nhiễm" với các nội dung độc hại trên mạng".

Cùng với đó, các cơ chế cảnh báo đến những người sản xuất nội dung cũng cần linh động hơn thay vì chờ đợi từ cơ quan báo chí hay cộng đồng mạng phản ánh để đảm bảo môi trường an toàn trên Internet cho người dùng hiện nay.

Hà Trang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tran-lan-thu-thach-benh-hoan-tren-youtube-khi-phong-van-hoa-nham-578820.html