Tràn lan dịch vụ đổi tiền lẻ ngày giáp Tết

Chỉ cần lên Google gõ 'đổi tiền', ngay lập tức hiện ra 48 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,32s, với đủ các lời mời chào, thậm chí là có dịch vụ ship đến tận nơi chỉ trong thời gian ngắn.

<br />

Không chỉ diễn ra với tiền đồng mà trước dịp Tết nguyên đán, một loạt lời mời chào đối với tờ giấy bạc 2 USD để mừng tuổi cho năm mới cũng được đăng công khai trên mạng internet, mức phí đổi tiền vài trăm ngàn đồng cộng thêm dịch vụ vận chuyển đến tận nơi.

Đó là chưa kể những dịch vụ đổi tiền ngay tại cổng các đình chùa. Theo các chuyên gia, tất cả các dịch vụ đổi tiền hiện nay khi không có giấy phép đều là phạm luật.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật BASICO, nếu là giao dịch với người dân thì không được phép đổi ăn chênh lệch, nếu đổi ngoại tệ nữa thì còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử phạt tới cả trăm triệu.

Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở góc độ góc nhìn từ phía người dân, có cầu thì ắt có cung. Văn hóa chuộng tiền lẻ khi lễ chùa, tiền mệnh giá thấp để lì xì, lấy may… đã thực sự ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và dẫn đến sự hình thành của các dịch vụ như vậy, thậm chí là những hành động phản cảm trong mùa lễ hội nhiều năm trở lại đây khi tiền lẻ bị coi như một món đồ và bị vứt ở khắp nơi.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết: "Bản thân tôi là người làm trong ngành ngân hàng là cứ vào thời điểm cận Tết là rất nhiều người đến đòi đổi tiền với các mệnh giá mà tưởng như không ai sử dụng, 500 đồng, 1000, 2000 đồng".

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ không cung ứng thêm tiền lẻ dưới 5000 đồng trong dịp Tết, vì việc phát hành thêm tiền mới sẽ rất tốn kém, trong khi những tờ tiền lẻ lại có thể không được sử dụng đúng mục đích để lưu thông.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: "Trong 5, 6 năm qua chúng tôi đã hạn chế in thêm tiền lẻ, giúp tiết kiệm cho ngân sách cả ngàn tỷ, và tôi hy vọng là các cơ quan truyền thông sẽ cùng vào cuộc để thay đổi thói quen của người dân".

Cũng phải nói thêm, các cơ quan quản lý gồm NHNN, Công an, các tổ chức, Chính quyền địa phương cũng cần phải vào cuộc để quản lý hoạt động đổi tiền, cũng như tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã một lần nữa khẳng định và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm các dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, NHNN cũng cho biết thêm, năm nay sau khi Nghị định 96 ra đời thì hành vi này sẽ được xử lý nghiêm khắc và mức phạt 20 – 40 triệu đồng sẽ đủ mạnh để răn đe.

Rõ ràng, tiền chỉ có chức năng chính là để lưu thông, và xã hội nên có một cái nhìn văn minh hơn với tiền mệnh giá thấp.

VNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tran-lan-dich-vu-doi-tien-le-ngay-giap-tet/111891.html