Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi

Tướng giỏi như Trần Khánh Dư thừa hiểu Vân Đồn là nơi sẽ bị quân Nguyên tấn công đầu tiên trong chiến lược dọn đường cho quân tải lương vào. Với số quân và thuyền ít ỏi, Khánh Dư dù có cái dũng đi chăng nữa mà đem toàn bộ vốn liếng dốc sức vào cuộc chiến thì sẽ thất bại mà không đạt được mục tiêu là 'đánh vào dạ dày' quân địch

Trận chiến chống quân Nguyên thời nhà Trần

Trong thời gian gần đây, từ khóa Trần Khánh Dư có vẻ rất "hot" và được nhiều người tìm kiếm. Trong số các bài viết về vị danh tướng này, có một bài rất đáng chú ý của tác giả Dũng Phan được đăng trên Ipick.vn. Trong đó tác giả khẳng định để có được chiến thắng tại Vân Đồn tạo bước ngoặt trong cuộc chiến, Trần Khánh Dư đã “nướng quân” già yếu lần 1 với Ô Mã Nhi và để dồn chủ lực mà tiêu diệt Trương Văn Hổ.

Những phân tích trên có vẻ khác với chính sử được ghi chép nhưng chúng tôi cho rằng phân tích của tác giả là hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với cụm từ "nướng quân" vì nướng quân thường được hiểu là uổng phí quân lính một cách vô ích và vô cảm. Bằng tất cả sự tôn trọng, chúng tôi nghĩ nên hiểu rằng Trần Khánh Dư đã chấp nhận hy sinh một phần lực lượng trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi để giành chiến thắng cả ván cờ.

Theo các tài liệu lịch sử còn ghi lại, vào cuối tháng 11 năm Đinh Hợi, 1287, binh thuyền của tướng Nguyên là Ô Mã Nhi bắt đầu xuất phát, theo đường biển vào nước ta. Và ngày 28.11 âm lịch (tức ngày 2.1.1288), đoàn thuyền binh này đã bị quân ta phục đánh tại cửa Vạn Ninh (Móng Cái). Mặc dù bị tổn thất khá lớn trong trận thủy chiến này, song đạo binh của Ô Mã Nhi vẫn tiếp tục tiến quân, hướng về Vân Đồn để vào An Bang. Tại đây, tướng quân Trần Khánh Dư đã có một trận giao chiến với địch nhưng vẫn không chặn được bước tiến của chúng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khánh Dư đánh thất lợi thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ:
"Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn".
Trung sứ theo lời xin đó.

Kháng Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều”.

Thế nhưng ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư chỉ là sự kiện, chứ khó tả được cái tài tình trong chiến tranh. Dù vậy, qua cách viết đó, ta có thể thấy sự tự tin của Trần Khánh Dư khi ông chủ động điều khiển cuộc chơi chứ không phải là đánh liều thắng may.

Tướng giỏi như Trần Khánh Dư thừa hiểu Vân Đồn là nơi sẽ bị quân Nguyên tấn công đầu tiên trong chiến lược dọn đường cho quân tải lương vào. Với số quân và thuyền ít ỏi, Khánh Dư dù có cái dũng đi chăng nữa mà đem toàn bộ vốn liếng dốc sức vào cuộc chiến thì sẽ thất bại mà không đạt được mục tiêu là đánh vào dạ dày địch. Nhưng nếu án binh bất động thì giặc Nguyên với số lượng áp đảo cũng sẽ chủ động vô hiệu hóa Vân Đồn.

Do vậy, Trần Khánh Dư cần phải cho Ô Mã Nhi tin rằng Vân Đồn bị thua thảm hại, không còn khả năng gượng dậy khi đối đầu với thủy quân Nguyên theo kiểu "khổ nhục kế". Khổ nhục kế không phải kế dễ dùng, dễ diễn mà phải trả cái giá cũng rất đắt. Trong mấy truyện kiểu Tam quốc thì hay nói kiểu vờ thua để dụ địch chủ quan rơi vào mai phục nhưng trên thực địa thì vờ thua rất đau đớn. Trước một tướng nhiều kinh nghiệm như Ô Mã Nhi mà để vờ thua thì Trần Khánh Dư đâu chỉ diễn qua loa thiệt hại vài trăm người cùng mấy chiếc thuyền bị đắm được. Có lẽ Trần Khánh Dư chấp nhận mất một lượng quân khá lớn nhưng không phải tinh binh để lừa Ô Mã Nhi hoàn toàn tin tưởng rằng thủy quân Trần ở Vân Đồn đã bị quét sạch. Chỉ tiếc là sử ta không mô tả trận này bao nhiêu binh sĩ nhà Trần đã chết hay bao nhiêu chiến thuyền bị đắm, sử nước ta nói chung không đề cập nhiều đến thiệt hại của quân mình.

Màn khổ nhục kế phải diễn cỡ như Tôn Tẫn giả điên lừa Bàng Quyên thời Chiến quốc thì mới qua mặt được Ô Mã Nhi lão luyện trên chiến trường. Nó đạt tới độ thật đến mức tin tức chấn động đến nơi khiến vua Trần phải cử sứ giả đến bắt giải Trần Khánh Dư (hoặc cũng có thể vua Trần nắm được mưu này cho sứ giả đến trách tội Trần Khánh Dư để vở kịch càng thêm đạt). Nói tóm lại, khổ nhục kế đầy máu và bi ai của Trần Khánh Dư đã qua mặt được Ô Mã Nhi khiến y chủ quan thúc Trương Văn Hổ đưa thuyền lương đến nhanh mà không biết là đưa thuyền lương nộp cho tinh binh của Trần Khánh Dư.

Thảm bại tại Vân Đồn - Cửa Lục thật ê chề với quân tướng nhà Nguyên. Sử nhà Nguyên khi nhắc đến đạo binh của Ô Mã Nhi trong lần này cũng không thể che giấu, phải chép rằng: “Đến biển Lục Thủy, thuyền giặc thêm nhiều, liệu chừng không địch nổi, mà thuyền lại nặng, không thể đi nhanh được, bèn đổ thóc xuống biển rồi ra Quỳnh Châu...”.

Đến đây có thể tin đúng là Trần Khánh Dư diễn khổ nhục kế trong lần thua đầu tiên. Giả sử Trần Khánh Dư đã thua tan hoang trong lần chạm trán thủy quân Ô Mã Nhi, binh sĩ tháo chạy thì làm sao ông có thể tập hợp lại lực lượng tinh nhuệ trong thời gian ngắn. Hơn nữa, dù có binh sĩ tập trung về mà không có thuyền bè trang bị tốt sẵn thì làm sao đánh được đoàn binh lương của Trương Văn Hổ dễ dàng được. Nên nhớ đánh thủy thì phải có thuyền chứ không phải đánh trên bộ chỉ cần sức người là đủ. Trần Khánh Dư phải chuẩn bị rất kỹ tàu bè cho trận đánh Trương Văn Hổ chứ không thể nào vừa thua mà đã đóng thuyền ngay tắp lự trong thời gian ngắn được.

Thời Chiến quốc, Tôn Tẫn không chỉ dùng khổ nhục kế qua mặt Bàng Quyên mà còn dùng kế này để qua mặt Tề Uy vương trong cuộc đua ngựa: lấy ngựa hạng ba thua ngựa hạng nhất nhưng dùng ngựa hạng nhất thắng ngựa hạng nhì, dùng ngựa hạng nhì thắng ngựa hạng ba*. Ở đây, Trần Khánh Dư trong khổ nhục kế của mình đã chấp nhận dùng quân hạng thường của mình thua tinh binh của Ô Mã Nhi và rồi dùng tinh binh của mình đánh bại quân lương của Trương Văn Hồ. Và khi đánh bại được Trương Văn Hổ thì Trần Khánh Dư coi như đã cắt toàn bộ nguồn lương thảo của quân Nguyên, làm phá sản hoàn toàn chiến lược của quân Nguyên, tạo bước ngoặt trong cả cuộc chiến. Sử chép: Quân Nguyên từ đấy thiếu lương ăn; mỗi ngày một quẫn bách thêm, quân sĩ ai cũng muốn về, không ai có lòng chiến đấu, cho nên năm bấy giờ quân Nguyên lại kéo sang mà dân ta bị hại không đến nỗi thảm khốc như năm trước, Khánh Dư thực đã dự một phần công lao.

Điều đáng nói nữa là khi đón nhận tin Khánh Dư chiến thắng, vua Trần có vẻ điềm nhiên như biết trước kết quả và lên kế hoạch triển khai mưu kế tiếp theo luôn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Khánh Dư cho người phi báo tin về hành tại, thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi nữa và nói "Quân Nguyên chỉ nhờ lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, nếu chúng chưa biết rõ việc ấy, hoặc còn hung hăng quấy nhiễu chăng?". Nói rồi bèn thả những người mà ta đã bắt được đến thẳng dinh quân Nguyên để nói rõ sự thể cho chúng biết.

Trần Khánh Dư là người chịu khổ nhục bán than bao năm dài để chờ được trọng dụng trở lại thì không ai hơn ông trong việc biết cách dùng kế khổ nhục khi cầm quân. Và cũng qua bài phân tích vẫn còn sơ sài này, chúng tôi muốn độc giả hiểu rằng để có được chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, cha ông ta chịu nhiều đau khổ và tốn không ít xương máu chứ không thể có chiến thắng vang dội mà chẳng thiệt hại mấy.

Người đời sau có thơ khen Trần Khánh Dư (cũng có thuyết nói đó là thơ Khánh Dư tự vịnh mình) rằng:

Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng chi đó? Gửi rằng: than
ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác
Nhưng lệ trời kia lắm kẻ hàn.

Anh Tú

* Khổ nhục kế của Tôn Tẫn

Tôn Tẫn sinh ở giữa đất A và đất Quyến. Tẫn là con cháu của Tôn Tử. Tôn Tẫn xưa cùng Bàng Quyên học binh pháp. Sau đó, Bàng Quyên làm quan nước Ngụy, được làm tướng quân của Huệ Vương, nhưng vẫn tự cho rằng mình không tài giỏi bằng Tôn Tẫn, cho nên ngầm sai người mời Tôn Tẫn đến. Khi Tẫn đến, Bàng Quyên sợ và ghét Tẫn hơn mình, bèn mượn pháp luật mà trị tội chặt hai chân và chàm vào mặt để cho ông ta giấu mình không xuất đầu lộ diện. Sứ giả nước Tề đến đất Lương, Tôn Tẫn mang thân đã bị hình phạt lén gặp, thuyết phục sứ giả. Sứ giả nước Tề cho là kỳ lạ mang trộm lên xe cùng về nước Tề. Tướng nước Tề là Điền Kỵ phục tài, đối đãi như là khách.

Kỵ nhiều lần đua ngựa đánh cuộc nhiều tiền với các công tử nước Tề. Tôn Tẫn thấy chân ngựa không hơn nhau lắm, ngựa có ba thứ giỏi, vừa và kém. Do đó, Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ :

- Ngài cứ đặt cọc thật nhiều tiền đi, tôi có thể làm cho ngài thắng.

Điền Kỵ tin theo, đặt cọc với các công tử nghìn vàng. Đến khi ra trường đua, Tôn Tử nói :

- Nay ngài lấy con ngựa kém của ngài thi với ngựa giỏi của họ, lấy con ngựa giỏi của ngài thi với con ngựa vừa của họ, lấy con ngựa vừa của ngài thi với con ngựa kém của họ.

Sau khi đã đua ngựa ba lần, Điền Kỵ thua một, mà thắng hai, cuối cùng được nghìn vàng. Vì vậy, Kỵ tiến Tôn Tử với Uy Vương. Uy Vương hỏi về binh pháp, rồi tôn làm bậc thầy.

(theo Sử ký Tư Mã Thiên)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/tran-khanh-du-dung-kho-nhuc-ke-trong-cuoc-dau-tri-voi-o-ma-nhi-87427.html