Trần Duy Phiên với 'Bắt vạ tri âm'

Ngày 1-8 vừa qua, Liên hiệp các Hội VHNT TT-Huế tổ chức buổi giới thiệu tập thơ "Bắt vạ tri âm" của Trần Duy Phiên. Tập thơ "Bắt vạ tri âm" do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, dày 108 trang với 55 bài thơ, là những chiêm nghiệm về những gì đã trải qua trong cuộc đời của ông. Những "Ký Thác", "Hiện Sinh", "Đêm Địa Đàng", "Tri Âm, "Tâm sự Phù Hoa", "Vạ Thiên Tư", "Phận Bút Nghiên"... vừa là những suy tư, trăn trở, vừa là những hoài niệm về cuộc đời, về con người.

Nhà thơ Trần Duy Phiên (trái) tại buổi giới thiệu tác phẩm "Bắt vạ tri âm".

Nhà thơ Trần Duy Phiên (trái) tại buổi giới thiệu tác phẩm "Bắt vạ tri âm".

Nhà văn, nhà thơ Trần Duy Phiên (sinh năm 1942 tại Huế) là một tên tuổi quen thuộc đối với công chúng yêu Văn học Việt Nam từ trước năm 1975. Những trang văn đầu tiên của Trần Duy Phiên phản ánh cách nghĩ, cách sống và cách chọn lựa của một thanh niên trước thời cuộc và đất nước. Trần Duy Phiên đã tạo ấn tượng với một văn phong sắc cạnh, mạnh mẽ và lôi cuốn. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương có nhận xét: "Trần Duy Phiên là nhà văn có ngòi bút sắc cạnh và bạo liệt khi miêu tả cái ác và thế hiện sự thảm khốc của chiến tranh". Năm 2015, nhà thơ Trần Duy Phiên xuất bản tập thơ "Kinh phù hoa" (NXB Hội nhà văn) - tập thơ đầu gồm 55 bài, trong đó, bài viết cũ nhất là từ năm 1966, bài mới nhất là năm 2011. Cho dù thế mạnh của Trần Duy Phiên là văn xuôi nhưng "Kinh phù hoa" vẫn được người đọc tán thưởng.

Trần Duy Phiên là cây bút xông xáo trên mặt trận văn chương ở đô thị Huế và miền Nam thời "xuống đường" cùng các nhà văn Trần Hữu Lục, Trần Hoài Dạ Vũ, Bửu Ý, Ngô Kha... Anh là người Huế, sống và viết ở miền Tây Kon Tum hơn 40 năm, hiện đang sống và viết ở Sài Gòn. Sau năm 1975, anh vẫn viết và in rất nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Tôi rất thích văn xuôi Trần Duy Phiên. Chỉ đọc mấy truyện ngắn anh in trên Tạp chí Sông Hương cũng đủ thấy anh là cây bút độc đáo, sắc sảo và đầy bản lĩnh.

"Bắt vạ tri âm" là cái tứ thơ hay, lạ xưa nay chưa ai nói tới, lấy làm tít cho một tập thơ rất ấn tượng. Thơ Trần Duy Phiên trong "Bắt vạ tri âm" đa phần là thơ tự sự với bạn bè, người yêu, anh có nhiều câu thơ hay, thi ảnh đẹp và dùng ngôn ngữ cổ đặt trong bố cục thơ chặt chẽ, nên ngôn ngữ cổ tạo cho câu thơ thêm phần cổ kính.

Với Bắt vạ tri âm, Trần Duy Phiên giãi bày: Phần tôi/ Từ buổi ban sơ/ Trần gian lỡ bến cách bờ sông sâu/ Ví như con nước qua cầu/ Đã rời nguồn cội về đâu thì về". Thơ Trần Duy Phiên rất kiệm lời, chữ nghĩa cổ kính, nhưng lại nói về trái tim với những nhịp đập mới mẻ: Nếu được vua ban phẩm tước cao sang/Dư dả bạc vàng uy danh lẫm liệt/Tôi cảm ơn nhưng chỉ xin ngồi viết/Và xin một nơi riêng biệt cùng em (Thích Chí). "Tuyên ngôn" rất khí khái này là bản nguyên của thi sĩ, hiện ra ở Trần Duy Phiên. Vì thế mà hầu hết trong Bắt vạ tri âm là bài tình, hay ký ức tình. Anh lắng nhiều vì tình, vàng võ nhiều vì tình. Quả đào tiên nho nhỏ/ Bông cúc vàng ấu âu/ Nát tan cuộc tình đầu/ Một đời trai vàng võ (Ru Xuân). Những cõi tình ấy đã cho anh nhiều bài thơ hay. Tôi thích nhất trong tập Bắt vạ tri âm là bài Gác Vắng, một bài lục bát hoang mơ cổ truyền rất nền nã và ám ảnh:

Hãy vin vào gió mà sang bến bờ/Khoan rơi ơi hỡi hoang mơ/Hãy vin vào mộng mà chờ trăng lên/... Phố ơi xin chậm lên đèn/Để trăng buông xuống gót sen theo về/Lá vàng đã rải bùa mê/Hoang mơ vào mộng ta kề cận nhau (Gác Vắng). Bài này viết ở Huế năm 2008, nghĩa là nhà thơ 65 tuổi vẫn còn nóng bỏng với hình bóng người đẹp, dẫu là mơ! Nghiệm ra, không yêu là không có thơ! Không yêu càng không có thơ hay!

Tôi đã mạo muội nhặt nhạnh đôi điều mà mình tâm đắc trong tập thơ Bắt vạ tri âm của nhà văn Trần Duy Phiên và nói đôi điều cảm nghĩ của mình về thơ anh. Tự nhận xét về mình, nhà thơ Trần Duy Phiên đã nói rằng: "Thế hệ của tôi sinh ra trong lửa đạn, lớn lên trong lửa đạn nhưng vẫn đậm chất lãng mạn... Trên trời bom dội, bên dưới chúng tôi vẫn cắm cúi viết văn, làm thơ...". Có lẽ chính vì thế, cái chất lãng mạn của người làm văn nghệ, thêm vào đó là khói lửa của chiến tranh thấm đẫm trong từng trang viết của ông, đã tạo nên một Trần Duy Phiên sâu lắng như thế, ưu tư như thế.

Ngô Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_193488_.aspx