Trận 'Doolittle' và cục diện Thái Bình Dương

Sau khi mất mát lớn trong trận Trân Châu Cảng, Mỹ đã 'đáp thù' bằng cách tiến hành chiến dịch oanh kích 'Dự án hàng không đặc biệt số 1' với biệt danh mang tên của Trung tá không quân nổi tiếng của Mỹ là Jimmy Doolittle.

Mặc dù lực lượng lính Mỹ tham gia chiến dịch nhỏ cuối cùng cũng hy sinh gần hết nhưng chiến dịch này có ý nghĩa góp phần đánh đòn tâm lý vào đế quốc Nhật, đặt nền tảng tạo nên bước ngoặt trong trận chiến Thái Bình Dương của Thế chiến II.

Ngày 8-12-1941, Mỹ thua trong trận Trân Châu Cảng với 4 tàu chiến bị đánh chìm, 188 chiến đấu cơ bị phá hủy và 2.403 binh sĩ thiệt mạng. Sau cú sốc thua thiệt đó, tinh thần Mỹ suy giảm. Nỗi lo bị kẻ thù đánh bom luôn hiển hiện đến nỗi các thành phố ở Bờ Tây nước Mỹ đều để rèm che kín các cửa sổ.

Ngược lại, Đế quốc Nhật gặt hái hết chiến thắng nọ đến chiến thắng kia, chiếm Philippines, Guam và các vùng lãnh thổ khác một cách dễ dàng.

Sau hàng loạt thất bại, Mỹ đã quyết tâm phục thù. Thượng nghị sĩ Mỹ Arthur Vandenberg đã bình luận về tinh thần đất nước: "Đối với kẻ thù, chúng ta trả lời rằng: Bạn đã tuốt vỏ kiếm, và vì vậy bạn sẽ chết".

Cuộc trả thù này đã được thực hiện dưới dạng một cuộc oanh kính quy mô nhỏ song mạnh mẽ, dưới sự chỉ huy của Trung tá James Harold Doolittle. Vì vậy cuộc trả thù này mang biệt danh là “cuộc oanh kích Doolittle”.

Dự án Hàng Không Đặc biệt Số 1

Nhiều ngày sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt đã hạ lệnh tiến hành một cuộc oanh kích vào Nhật Bản. Một tháng sau, Tướng Henry Arnold đã chọn Trung tá Jimmy Doolittle - một phi công có tiếng đồng thời là kỹ sư hàng không, để lên kế hoạch, chuẩn bị và chỉ đạo cuộc oanh kích đáp thù mà sau này được gọi là Dự án Hàng không Đặc biệt Số 1".

Trung tá James Doolittle (phía trước bên trái) cùng toàn bộ đội bay thực hiện cuộc oanh kích.

Trung tá James Doolittle (phía trước bên trái) cùng toàn bộ đội bay thực hiện cuộc oanh kích.

Các mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là tổ hợp quân sự và công nghiệp chủ yếu đặt tại Tokyo cũng như ở các thành phố Kobe, Nagoya, Osaka, Yokohama và Yokosuka, với nhiều mục tiêu khác nhau. Trong một cuộc phỏng vấn tháng 7-1942, Trung tá Doolittle nói rằng: "Cuộc oanh kích này được kỳ vọng sẽ gây ra tổn thất cả về mặt vật chất và tinh thần. Những tổn thất về mặt vật chất sẽ là sự phá hủy các mục tiêu cụ thể kèm theo mục tiêu tinh thần là gây hoang mang bối rối cũng như làm quá trình sản xuất công nghiệp đình đốn".

Mỹ cũng hy vọng rằng quân Nhật sẽ sợ hãi và phải thu hồi khí tài chiến đấu từ các chiến trường khác để phục vụ công tác bảo vệ đất nước, do đó, mở đường để quân Mỹ đánh chiếm các đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương". Trung tá Doolittle cũng hy vọng cuộc oanh kích này sẽ thúc đẩy "sự phát triển của một tổ hợp sợ hãi ở Nhật Bản, cải thiện mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ và tạo ra sự phản ứng có lợi đối với người dân Mỹ".

Để triển khai nhiệm vụ của mình, Trung tá Doolittle cần phi đội máy bay ném bom có thể cất cánh từ tàu sân bay, do các đường băng Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii quá xa so với Nhật Bản.

Cuối cùng, Doolittle quyết định sử dụng máy bay ném bom B-25 Mitchell, một loại máy bay ném bom gọn nhẹ chỉ cần tổ lái gồm 5 thành viên. B-25 Mitchell là loại chiến đấu cơ lanh lẹ, với tầm bay xa, song Doolittle và đội bay ở căn cứ không quân Wright Field ở bang Ohio, miền Trung Tây nước Mỹ, vẫn phải trang bị thêm thiết bị để B-25 Mitchell có thể mang theo hơn 1.100 gallon (khoảng hơn 4.164 lít) nhiên liệu.

Những tướng lĩnh hoạch định cuộc tấn công đã quyết định để một tàu sân bay vận chuyển phi đội máy bay ném bom B-25 đến một địa điểm ở phía Đông của Tokyo, nơi mà tàu sân bay sẽ phóng một máy bay hoa tiêu dẫn đầu rồi thả bom cháy để tạo thành một vệt sáng để các máy bay ném bom khác theo sau. Sau đó, những máy bay ném bom này sẽ tiến về bờ biển phía Đông của Trung Quốc hoặc đến thành phố cảng Vladivostok của Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô lại do dự khi cho phép Mỹ sử dụng cảng Vladivostok như một bến đỗ cuối cùng của cuộc oanh kích và chế độ Stalin không sẵn lòng chọc giận Nhật Bản.

Trong khi đó, chiến đấu cơ B-25 Mitchell có thể cất cánh từ một tàu sân bay, song lại không thể hạ cánh trên tàu sân bay. Vì vậy, các kế hoạch của Doolittle đã phải thay đổi. Thay vì quay trở lại hạ cánh trên tàu sân bay USS Hornet sau khi thả bom trên lãnh thổ Nhật Bản, các máy bay ném bom B-25 sẽ phải tiếp tục bay hướng về phía Đông đến Trung Quốc, nước cho phép Mỹ sử dụng các bãi đáp ven biển của họ.

Tại một cuộc họp kín ở San Francisco, Trung tá James H. Doolittle, người dẫn đầu cuộc đột kích này, đã gặp Phó Đô đốc William F. Halsey Jr., người chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đưa phi đội của Doolittle đến "cửa ngõ" của Đế quốc Nhật Bản. Họ đã nhất trí đội bay cất cánh ở một vị trí cách Tokyo khoảng 600 dặm (khoảng 966 km) về phía Đông. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện thì Lực lượng đặc trách mang biệt danh TF-16 sẽ để chiến đấu cơ cất cánh ở vị trí đó nhưng không thực hiện nhiệm vụ như đã lên kế hoạch.

Công tác huấn luyện

Có 24 máy bay ném bom được huy động tham gia sứ mệnh. Tuy nhiên, tàu sân bay Hornet chỉ có thể mang theo được tất cả 16 chiếc ngay cả khi đã tháo bỏ các thiết bị không thực sự cần thiết ra khỏi máy bay. Tàu sân bay Hornet đi đến điểm tập kết đã lên kế hoạch để cùng với tàu sân bay Enterprise (CV-6) tạo thành một phân đội đặc nhiệm của Phó Đô đốc Halsey.

80 người không có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu đã tình nguyện tham gia phi hành đoàn 16 chiến đấu cơ của Trung tá Doolittle Raid, bao gồm cả chính Doolittle. Các tân phi công này được đào tạo tại căn cứ không quân Eglin, bang Florida. Một trong những điều quan trọng nhất mà họ học được là cách cất cánh một máy bay ném bom với đường băng chỉ dài 300 feet trên mặt sàn tàu sân bay Hornet.

Họ cũng thực hành bay đêm, bay xuyên quốc gia, và vận hành trên không với tài liệu tham khảo hạn hẹp với phương châm "tiếp cận mục tiêu ném bom ở tầm bay thấp, tấn công nhanh và rút lui gọn". Doolittle huấn luyện các tân phi công của mình tốt nhất có thể để chỉ tấn công các mục tiêu quân sự nhằm tránh những chỉ trích từ Nhật Bản về việc ném bom bừa bãi.

Phi đội 16 máy bay ném bom B-25 trên tàu sân bay Hornet trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Cuộc đột kích Doolittle

Nhằm tối đa hóa phạm vi hoạt động hiệu quả của máy bay ném bom, tàu sân bay Hornet đã "lầm lũi" hướng về phía Tây Thái Bình Dương xa nhất có thể, xuất phát từ cảng Alameda Naval Air Station gần San Francisco, vào ngày 2-4-1942.

Hai tuần sau, vào ngày 18-4-1942, sớm hơn so với dự kiến, do quân Nhật đã phát hiện ra sự hiện diện của tàu Mỹ ở Thái Bình Dương, nên cuộc đột kích đã được triển khai và đúng 9:19 phút sáng, tất cả phi đội máy bay ném bom Mỹ đã hướng về Tokyo. Khoảng 6 tiếng sau, tức vào khoảng trưa giờ địa phương, phi đội đã đến không phận Nhật Bản. "Các lính đột kích" của Doolittle đã bay vào không phận Nhật Bản và triển khai sứ mệnh của mình.

Kháng cự duy nhất là một hỏa lực phòng không yếu ớt và một số máy bay chiến đấu, song không một sự kháng cự nào trong số đó có thể "hạ gục" dù chỉ một máy bay ném bom B-25 của Mỹ.

"Các chiến sĩ đột kích" đã nhắm bắn 10 mục tiêu quân sự ở Tokyo, 2 mục tiêu ở thành phố Yokohama và một mục tiêu ở mỗi thành phố còn lại, thi thoảng có những quả bom lạc vào trường học và nhà cửa. Cuộc đột kích này đã khiến 87 người Nhật Bản thiệt mạng, một số bị chết cháy và 151 người khác bị thương, trong đó có dân thường và trẻ em.

Cuộc đột kích cũng phá hủy 112 tòa nhà và làm hư hại 53 tòa nhà khác. Ngoài ra, cuộc đột kích này cũng phá hủy một trạm biến áp ở Tokyo, vốn đóng vai trò cốt yếu đối với hệ thống liên lạc của Nhật Bản, cũng như hàng chục nhà máy. Bom Mỹ cũng nhắm trúng một bệnh viện quân đội của Nhật.

Quân Nhật đã bàng hoàng và sững sờ trước sự hiện diện của Mỹ tại Trân Châu Cảng. Thế nhưng, mặc dù quân Nhật đã tấn công Mỹ ở Hawaii và gây thiệt hại nặng nề, song cuộc oanh kích của Doolittle đã gần như không làm hủy hoại tổ hợp công nghiệp quân sự của Nhật Bản.

Tàu sân bay USS Hornet mang theo 16 máy bay ném bom trên Thái Bình Dương để thực hiện cuộc oanh kích Doolittle.

Thương vong và tổn thất

Tất cả 16 máy bay ném bom Mỹ và phi đội đã nhanh chóng lái máy bay thoát ra khỏi không phận Nhật Bản, bay ra biển hướng về phía Trung Quốc.

Do cạn kiệt nhiên liệu, một máy bay đã buộc phải hạ cánh ở Liên Xô, nước vốn không muốn tham gia vào cuộc oanh kích này do lập trường trung lập như đã nói ở trên. Liên Xô đã giam giữ phi đội này đến năm 1943 khi họ tìm cách trả tiền cho một kẻ buôn lậu để đưa họ sang Iran.

75 phi công còn lại đã đến được không phận Trung Quốc song một máy bay bị tai nạn khi hạ cánh làm 3 phi công thiệt mạng. Trung Quốc đã giúp đưa lén những người còn lại ra khỏi đất nước để quay trở lại lãnh thổ đồng minh của Mỹ.

8 thành viên khác bị quân Nhật bắt giữ, trong đó 4 người chết trong tù, một người chết vì bệnh tật và 3 người còn lại bị xử tử hình. Sống sót và trở về quê hương, James Doolittle nhận Huân chương Danh dự và được thăng hàm vượt hai cấp, trở thành Chuẩn tướng.

Bước ngoặt của Thế chiến II

Cuộc oanh kích Doolittle, mặc dù thành công song không phải là một chiến thắng to lớn về mặt chiến thuật. Cơ sở hạ tầng và binh sĩ Nhật Bản hầu như không bị hư hại nặng nề. Tuy nhiên, cuộc oanh kích này lại là một chiến thắng chiến lược cho tinh thần binh sĩ Mỹ và là một cú đòn đánh vào niềm tin của Nhật.

Trước đây, quân Nhật đã quá tự tin cho rằng không ai có thể đến được lãnh thổ của họ, song giờ thì sự tin tưởng đó đã bị lung lay và cuộc đột kích Doolittle đã chứng minh niềm tin đó đã sai lầm. Cuộc oanh kích đã buộc quân Nhật phải mở rộng phạm vi chiến lược của họ, với mưu đồ đánh chiếm đảo Midway của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mưu đồ này đã dẫn đến sự thất bại thảm hại của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đồng thời đánh dấu một bước ngoặt trong chiến tranh Thái Bình Dương, một phần của Thế chiến II.

Ai phải trả giá?

Trung Quốc là bên phải trả cái giá nặng nề và đau đớn nhất của cuộc oanh kích Doolittle. Do trả đũa việc Trung Quốc "góp sức" giúp Mỹ, Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Trung Quốc lúc đó bị chiếm đóng, nhắm vào các thị trấn đã "chìa tay" giúp lực lượng tham gia cuộc oanh kích nói trên.

Bắt đầu từ tháng 6, quân Nhật tàn phá khoảng 20.000 dặm vuông (khoảng 51.800 km vuông) ở Trung Quốc, lục soát các thị trấn và làng mạc, đốt cháy hoa màu và tra tấn những người đã giúp lực lượng tham gia cuộc oanh kích Doolittle. Theo miêu tả của một tờ báo ở Trung Quốc, thành phố Nam Thành thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đã biến thành "thổ đen" sau 3 ngày bị quân Nhật tàn phá và đốt cháy. Vì giúp Mỹ trong cuộc oanh kích Doolittle hỏa lực mạnh dù quy mô nhỏ này mà Trung Quốc đã phải gánh chịu hậu quả.

Hà Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/tran-doolittle-va-cuc-dien-thai-binh-duong-568897/