Trận địa pháo Thần công trên đảo Cát Bà

Từ trung tâm thị trấn, du khách lên thăm 'Trận địa pháo Thần công' có thể đi bằng phương tiện xe máy, hoặc ôtô. Con đường chỉ dài khoảng hai cây số nhưng hẹp, dốc, uốn lượn quanh co, ôtô không tránh nhau được, lái xe phải tuân theo sự điều hành bằng máy bộ đàm của nhân viên giao thông, nếu trên đỉnh núi không có xe xuống, dưới dốc, xe mới được lên và ngược lại.

Lên đến "Trận địa pháo Thần công", sau khi đã đi xem khẩu pháo số 1, khẩu pháo số 2, kho chứa đạn, đài quan sát, Phòng truyền thống, Phòng hạnh phúc chiến sĩ, chúng tôi mỗi người tự tản ra tìm cho mình những chỗ đứng để ngắm nhìn, cảm nhận và để hưởng thụ vẻ đẹp, sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đứng đây, quan sát được toàn bộ vùng biển Đông Bắc, một vùng trời nước mênh mông với hàng ngàn hòn đảo đá đội nước nhô lên chắn sóng, chắn bão giông, hiên ngang như những người lính tiền tiêu của Tổ quốc. Từ đây, người hướng mắt nhìn về Đồ Sơn, cảng Hải Phòng, người dõi theo ngọn đèn biển Long Châu, người dán mắt vào khu rừng đảo đá vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ...

Đọc hàng chữ: "Trận địa pháo Thần công", chúng tôi không thể không băn khoăn suy nghĩ về từ "Thần công" và vừa hỏi nhau, vừa như bàn bạc, trao đổi. Tôi chỉ vào biển tên điểm du lịch nói: "Theo tôi, không nên gọi là "pháo Thần công". Ông Vũ Tiến Bảy, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện Cát Hải (Hải Phòng) đi cùng, hưởng ứng ngay ý kiến của tôi và đáp: "Đúng, đây là những khẩu pháo hiện đại do người Pháp chế tạo từ những năm 1910 - 1914, pháo có chiều dài đến 5,7m, nó là loại pháo siêu trường siêu trọng, vậy không thể gọi là "pháo Thần công" được".

Vào khoảng năm 1938, thực dân Pháp đánh chiếm đảo Cát Bà, sau khi khảo sát đảo, quân đội Pháp đã phát hiện trong số 366 hòn đảo của quần đảo Cát Bà, thì ngọn núi có độ cao 177m nằm ở phía Nam và đạt được những yêu cầu chủ yếu cho việc quan sát phòng thủ bờ biển nên đã chọn ngọn núi này đặt tên là "Cao điểm 177". Do vậy, năm 1942, quân đội Pháp đã quyết định bố trí trận địa pháo tại đây. Không phải lúc này người Pháp mới phát hiện ra vị trí chiến lược quan trọng của đảo Cát Bà mà từ xưa, ông cha ta đã nhận ra điều đó nên đã có câu: "Thắng vi đế vi vương, bại Cát Bà vi cứ", ý nói, nếu thua lui về Cát Bà là căn cứ tốt nhất, bởi địa hình núi non hiểm trở, bốn bề là biển cả mênh mông, không dễ gì xâm nhập. Năm 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, chiếm đảo Cát Bà. Quân Pháp rút chạy đã để lại cả pháo lẫn đạn pháo, nhưng pháo đã tháo kim hỏa - bộ phận tác động làm nổ viên đạn, do đó, những khẩu pháo này trở nên vô tác dụng. Khi phát xít Nhật đầu hàng, đảo Cát Bà thuộc về các lực lượng Cách mạng Việt Nam, "Trận địa pháo Thần công" ở Cao điểm 177 được giao cho Đại đội Ký Con - Bộ đội Hải Phòng cùng dân quân đảo Cát Bà quản lý. Khi quân đội Pháp quay lại tấn công đảo, tàu chiến Pháp từ ngoài khơi bắn đại bác vào đảo, Đại đội Ký Con cùng dân quân đảo Cát Bà đã có sáng kiến dùng đạn pháo quân Pháp bỏ lại bắn trả tàu chiến Pháp bằng cách lắp đạn vào pháo, rồi dùng búa đập điểm hỏa thay kim hỏa, không ngờ đạn nổ, cả trận địa vui mừng. Bằng cách này, các chiến sĩ tiếp tục nhả đạn vào tàu chiến Pháp. Các nhà quân sự cho rằng, đây là trận đấu pháo đất đối hải đầu tiên giữa bộ đội ta với pháo binh trên tàu chiến của quân đội Pháp. Sau đó, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Quảng Yên (ngày đó Cát Bà thuộc tỉnh Quảng Yên), một khẩu pháo đã được tháo dỡ chuyển vào đất liền nhưng thuyền mới đi đến cửa Bến Rừng thì gặp quân Pháp nên buộc phải thả khẩu pháo xuống biển.

Vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, việc phòng thủ bờ biển thay đổi, do đó, trận địa pháo Cao điểm 177 lại bỏ hoang phế. Có những người nghĩ đơn giản hoặc do thiếu ý thức đã tháo, cưa trộm một vài bộ phận bán sắt vụn nên những khẩu pháo ngày nay không còn hoàn chỉnh, nguyên vẹn như cũ.

Một góc khu vực pháo đài nhìn ra hướng biển.

Một góc khu vực pháo đài nhìn ra hướng biển.

Cách đây mấy năm, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến thăm trận địa pháo Cao điểm 177. Trước cảnh đẹp kỳ vĩ của một vùng biển Đông Bắc Tổ quốc, ông nói: "Không thể để một nơi đẹp thế này hoang phế vô hồn mãi được" và ông đã đồng ý giao lại cho lãnh đạo huyện đảo Cát Hải tổ chức điểm du lịch, để nhân dân huyện Cát Hải cũng như khách du lịch khắp nơi đến Cát Bà được hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho đất nước ta. Lãnh đạo huyện Cát Hải đã giao cho Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch chỉ đạo cùng với đơn vị đầu tư khai thác mở điểm thăm quan trận địa pháo Cao điểm 177. Thế rồi sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, đơn vị được giao quản lý khai thác Cao điểm 177 đã đặt tên điểm du lịch này là: "Trận địa pháo Thần công", nhằm gây ấn tượng với khách mỗi khi đến du lịch đảo Cát Bà. Mấy năm gần đây, điểm tham quan "Trận địa pháo Thần công" thu hút một lượng khách khá lớn và là một trong những điểm tham quan được nhiều người lựa chọn và ưa thích.

Đào Ngọc Du

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tran-dia-phao-than-cong-tren-dao-cat-ba/