Trận địa cọc Bạch Đằng đã thi công thế nào

Sau bài viết 'Bạch Đằng 1288 – trận thủy chiến lừng danh của dân tộc' của tác giả Lê Tiên Long đăng tải trên Lao Động Cuối tuần số 38 (từ 21.9 – 23.9.2018), chúng tôi nhận được bài viết của CTV Nguyễn Bắc Sơn trình bày quan điểm riêng về bãi cọc Bạch Đằng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để rộng đường dư luận.

Cọc gỗ đóng trên sông Bạch Đằng, dùng để chống quân Nguyên Mông vào thời nhà Trần tại Việt Nam (nguồn: wikipedia.org).

Đánh bại quân giặc cùng bằng một chiến thuật

1. Hễ là người Việt Nam đều có lòng yêu nước, đều tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời đại Hồ Chí Minh là thắng hai đế quốc to. Trong lịch sử, có nhiều lần thắng ngoại xâm. Nhưng tự hào nhất phải kể đến ba lần thắng quân Nguyên - đế quốc mạnh nhất thế giới lúc đó, từng giày xéo từ Á sang Âu dưới vó ngựa mình. Nhưng không khuất phục nổi người Việt. Cả ba lần vào những năm 938, 981 và 1288 đều thất bại thảm hại.

Lần 3, quân đội nhà Trần đã dồn đoàn thuyến chiến giặc vào trận địa cọc Bạch Đằng để tiêu diệt. Sử sách chỉ nói đại thể tổ tiên ta đã đóng/cắm cọc. Nhưng đóng/cắm thế nào thì không ai hình dung ra được.

Qua 4 lần khai quật vào các năm 1958, 1965, 1969, 1976, đã đào được hơn 200 cọc gỗ lim (hiện vẫn bảo quản một số ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Phần ngập trong bùn đất từ 0,5 - 1m vẫn còn nguyên vỏ, chứng tỏ lúc đóng/ cắm cọc lim (hay tứ thiết) gỗ phải còn tươi. Cọc dài nhất 2,8m, ngắn nhất 1,75m. Đường kính nhỏ nhất 0,23m, lớn nhất 0,31m. Được đóng hơi xiên, ngược chiều với nước chảy. Trong đó có 2 chiếc loại nhỏ dài 1,2 - 1,3m, đường kính 0,2m, một nửa được đẽo vát thành mặt phẳng. 4 chiếc lớn hơn dài 1,5m, đường kính 0,25m.

Những người khai quật đồ rằng đó là vồ đóng cọc (?!) (báo Nhân Dân ngày 8.4.1978). Giờ, muốn đóng chiếc đinh 5cm thì phải dùng chiếc búa nặng gấp nhiều lần trọng lượng chiếc đinh. Thế thì chiếc cọc lim tươi như thế, cái gọi là vồ để đóng/cắm phải nặng gấp bao nhiêu lần cái cọc? Một cái cọc lim (ngắn, dài) như thế một người vác trên vai còn chả nổi làm sao còn cầm bằng hai tay giơ lên cao để nện xuống cọc được.

Tại sao cọc lại hơi nghiêng? Chắc hẳn ông cha ta đã tính toán kỹ. Khi thuyền chiến giặc theo dòng nước rút lui, sẽ bị cọc đâm ngược vào đáy thuyền. Lực xuyên sẽ mạnh hơn, dễ đâm thủng thuyền chiến giặc vốn cũng làm bằng gỗ tốt và giày. Nếu cọc đứng thẳng, khi gặp đáy thuyền giặc chà qua, rất có thể xô cọc nghiêng đi, theo chiều xuôi dùng nước, thậm chí có thể bị trượt trên đáy thuyền, không chọc thủng được đáy thuyền.

Muốn nhấc được một cái đầm gỗ để đầm đất làm đê nặng độ 20kg cũng phải có cán dài ngang thắt lưng người. Lại có hai thanh ngang để hai người cầm bằng hai tay cùng nhấc lên cao vài chục phân cho rơi tự do xuống mới nén được đất.

Giả dụ ta dùng vồ hay búa để đóng/cắm cái cọc lim to như thế, nặng như thế thì cái vồ cái búa bằng gỗ tứ thiết phải to hơn, nặng hơn cái cọc tứ thiết kia rất nhiều lần. Lại phải nâng lên cao hơn cái cọc vốn đã dài 1,75m 2,8m rất nhiều thì khi giáng xuống mới tạo được lực nén tác động vào đầu cọc được.

Như trên đã nói, đến cây cọc một người, hai người còn chưa vác/khiêng nổi thì làm sao mà mang được cái vồ/búa đóng cái cọc ấy.

Ấy là chưa kể, cọc lim phải đẽo nhọn cả hai đầu để đầu nhọn dưới dễ đi sâu xuống đất cát. Đầu trên cũng phải đẽo nhọn trước. Không thể nào đóng/cắm xong mới đẽo nhọn được. Người ta chỉ có thể dùng dao sắc vót một cái bút chì, một cái đũa. Còn để đẽo nhọn một chiếc cọc đường kính như thế được đóng/cắm chắc xuống rồi mới vót thì chịu chết!

Một là gỗ tứ thiết tươi. Người ta không thể dùng dao hay dìu đẽo ngược từ dưới lên, vì nó trái với sức hút trái đất. Dứt khoát phải đẽo trước cả hai đầu cho nhọn rồi mới đóng/cắm.

Có người đồ rằng, tổ tiên ta đã dùng ròng rọc, buộc trên đỉnh một cái như cái cọm gầu sòng 3 chân rồi nhiều người dùng dây luồn qua ròng rọc xuống một quả sắt nặng – dứt khoát phải hơn trọng lượng cây cọc lim/tứ thiết nhiều lần. Kéo lên cao, thả cho rơi tự do xuống đầu cọc.

Nhưng không ai chứng minh được thời ấy ta đã nghĩ ra cái ròng rọc mà nay vẫn còn dùng để đóng cọc những chỗ không cần độ nén cao. Ấy là chưa kể nếu làm thế thì đầu trên cọc tòe hết rồi còn gì. Chưa kể, theo truyền thuyết thì đầu trên cọc còn bọc khớp thêm trên đầu nhọn bằng sắt thì mới đâm thủng được đáy thuyền giặc. Dù không thấy thư tịch cổ nào chép rằng đầu cọc đã bịt sắt nhọn thì vẫn có khả năng có. Bởi lẽ đã rèn được dao, giáo mác, câu liêm, kiếm thì cũng có thể làm được một cái vật nhọn bằng sắt hay bằng đồng để lồng khít vào đầu cọc. Hơn nữa, đầu cọc nhọn bằng gỗ tứ thiết đâm vào đáy thuyền chắc chắn cũng bằng gỗ tứ thiết có vẻ khó thủng hơn. Còn mấy chục năm trước khai quật không thấy là chuyện khác. Nước mặn nhiều thế kỷ ăn mòn không còn gì là chuyện dễ hiểu.

Thế tổ tiên ta đã làm thế nào để đóng/cắm hàng trăm chiếc cọc ấy ở nhiều trận địa khác nhau? Cả chỗ nông lẫn chỗ sâu? Cả dòng chảy chính và dòng chảy phụ?

Nên nhớ là đoàn thuyền chiến giặc khoảng 500 chiếc. Mỗi chiếc, ít ra cũng to, dài cũng như thuyền đinh, nhỏ hơn thì cũng như chiếc thuyền dọc, chứ không thể như chiếc thuyền/đò ngang của ta được. Chèo, lái thuyền không như lái ôtô, muốn đi nhanh hay chậm sang phải hay trái hoặc dừng lại theo ý người được. Thuyền chỉ có thể điều khiển tương đối, không hoàn toàn chủ động theo ý người. Nó còn phụ thuộc vào những nguyên lý của thủy động học. Hơn nữa, dòng nước ở cửa sông Bạch Đằng không phải là nước tĩnh mà là nước chảy. Không phải chỉ chảy như vùng Lục Đầu Giang, dù có chịu ảnh hưởng nhưng rất ít. Còn cửa sông Bạch Đằng thì ảnh hưởng rất lớn của thủy triều.

Chắc chắn các cụ ta phải nắm rất chắc chế độ thủy triều hàng ngày, theo mùa để thi công các trận địa cọc. Và gì thì gì cọc cũng phải ngầm trong nước. Cách mặt nước bao nhiêu, lúc nước ròng (triều thấp) lúc nước rặc (triều cường) phải được tính toán kỹ khi đóng/cắm cọc. Cũng không thể, dù nghi binh, dù có quân bộ, quân thủy phối hợp để lừa giặc vào trận địa cọc của ta thì cũng không thể diệt được hơn 400/500 thuyền chiến địch, nếu bản thân các trận địa cọc không phát huy được hiệu quả tối đa trong việc tiêu diệt chiến thuyền giặc.

Thế nên, như trên đã nói, phải thi công hàng trăm chiếc cọc. Mỗi hàng 2 - 3 chiếc. Mỗi chiếc cách nhau 1m, ở cả những chỗ nước sâu. Ta không thấy những chiếc cọc ở chỗ sâu, vì chắc chắn nó đã được nhổ đi để thanh thải dòng chảy cho tàu thuyền ta qua lại. Dĩ nhiên đóng/cắm được cọc đã khó, nhưng nhổ được cọc đi cũng không dễ.

Thi công như thế nào?

Dùng một đoạn tre đực chừng 50 - 60 phân, buộc ngang thân cọc (theo kiểu buộc giàn giáo của thợ nề) cách đầu sẽ cắm xuống đất khoảng 1/3 thân cọc. Dựng cho cọc đứng thẳng (2 - 3 người giữ là được). Cho 2 thanh niên lực lưỡng đứng hai bên trên đoạn tre, tay giữ chắc cọc, cùng nhau lắc, lay cọc theo cùng một nhịp. Sức nặng 2 người tác động lên cọc, cộng hưởng với trọng lượng cọc và động tác lay, lắc sẽ ấn cọc xuyên xuống đất. Nhưng xuống chưa sâu, chưa đủ chắc. Và vì chưa đủ chắc nên kéo cho cọc nghiêng đi một góc theo chỉ dẫn của các bô lão. Lúc này thanh tre ngang đã ngập hoặc gần chạm vào bùn đất. Tháo nó ra, buộc lên cao một đoạn cỡ 1m. Hai thanh niên lại leo lên. Lại lay lại lắc.

Chưa đủ sâu nên chưa đủ chắc. Buộc đoạn tre đực nữa cũng chỗ đã buộc đoạn tre trước, lấy chỗ cho hai thanh niên lực lưỡng nữa lên để lại lay lại lắc. Nếu cần, có thể buộc nối thêm cho cọc dài ra (ở chỗ nước sâu), và cũng có thể buộc những đoạn tre đực để không phải chỉ 4 mà là 6, là 8 thanh niên cùng lay lắc.

Buộc vào cởi ra, leo lên tụt xuống, lay lắc đều là những thao tác dễ dàng.

Dấu ấn ngôn từ của chiến tranh nhân dân

Thời xưa chưa có rừng thuần chủng nên các cụ phải bảo con cháu lên rừng, nhận biết thế nào là gỗ lim hoặc đinh, sến, táu trong rừng tạp giao. Khi ấy chưa có nạn chặt phá rừng nên đều là rừng nguyên sinh. Chọn chán mới được những cây đủ tiêu chuẩn. Hàng trăm nhóm lên rừng, nhiều ngày mới đốn hạ được một cây. Cũng chỉ cắt được mấy khúc thôi. Được đoạn nào lại phải đẽo cho nhọn hai đầu. Nhóm khác chuyên việc khiêng ra bìa rừng giấu ở đấy.

Nhiều làng, nhiều xã lên rừng làm việc ấy. Thấy đã đủ mới vác xuống thuyền chở về dấu ở một hang kín. Có thể chính là hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long bây giờ. Người Việt hay dùng lẫn chữ d và chữ đ: “dĩnh ngộ” đọc thành “đĩnh ngộ”, “nổi dóa” thành “nổi đóa”, “diệu nghệ” thành “điệu nghệ” nên rất có thể dấu gỗ thành Đầu Gỗ cũng nên.

Đến một thời điểm nào đấy, theo lệnh mới được khuân xuống thuyền đinh, buồm cánh dơi chở về những địa điểm đã được chỉ định.

Giờ là lúc thi công các trận địa cọc. Dĩ nhiên phải bí mật. Phải ngăn sông cấm chợ để nhỡ có tên thám báo nào mò mẫm tới... Thế cho nên bây giờ vẫn có một con sông mang cái tên kỳ lạ sông Cấm, hẳn là vì lẽ ấy.

Khi giặc theo đường bộ, đường biển vào, đường biển tất phải qua cửa Vân Đồn. Tất nhiên ta phải có những trạm tiền tiêu từ xa. Dấu tích các trạm tiền tiêu cảnh giới vẫn còn trong kho từ vựng nước nhà, được lưu lại ở một nơi giờ vẫn gọi là Cửa Ông. Còn phụ nữ chắc hẳn phải lo việc hậu cần cho hàng nghìn bô lão, trai tráng phục vụ việc thi công các trận địa cọc và binh lính triều đình. Chả thế giờ vẫn còn đảo Các Bà. Người viết đồ rằng Cát Bà chỉ là biến âm của Các Bà thôi.

Còn đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ bị ta dùng hỏa công đánh cháy, cũng như ở cửa sông Bạch Đằng, những chiếc thuyền nhẹ chở cỏ khô, củi dễ cháy cùng với tên tẩm nhựa thông phóng vào thuyền giặc còn in dấu của tên Bãi Cháy Quảng Ninh bây giờ.

Năm 1987, khi gửi bài đến ban biên tập tập san Khoa học Kỹ thuật Đời sống của nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật (70 trần Hưng Đạo, Hà Nội) người ta hỏi tác giả, lấy gì chứng minh giả thuyết? Trả lời: Có thể làm thực nghiệm được. Năm 2012, người viết sửa chữa bổ sung đăng trên An ninh Thế giới cuối tháng và mới đây đã gửi đến một cơ quan hữu quan Hải Phòng với hy vọng, nếu dựng lại được một công trường thi công trận địa cọc ấy, quay thành phim tư liệu để chiếu cho khách du lịch xem khi thăm khu di tích lịch sử ấy ở Thủy Nguyên Hải Phòng thì thú vị và thuyết phục bao nhiêu.

Sau đó khách lại về Đồ Sơn xem chọi trâu, giống như đến Tây Ban Nha phải được xem đấu bò tót, khi chọi trâu đã được chuyên nghiệp hóa (chứ không chỉ năm hai lần vào dịp lễ hội như hiện nay) thành trường đấu/ rạp đấu hằng tháng/tuần/ ngày thì Hải Phòng chắc chắn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất. Hải Phòng lại sát với Quảng Ninh có Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới thì... trên cả tuyệt vời.

NGUYỄN BẮC SƠN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/tran-dia-coc-bach-dang-da-thi-cong-the-nao-633449.ldo