Trần Dần và một cuộc thử nghiệm chữ

Trần Dần là một trong số ít, rất ít, những nhà cách tân lớn của văn chương Việt Nam thế kỷ XX. Phẩm chất nhà cách tân của ông, trước hết và quan trọng nhất, biểu hiện ở ý thức không bằng lòng với các quy phạm nghệ thuật phổ biến trong nền văn chương đương đại.

Kể từ thời hoạt động trong nhóm thơ “Dạ đài” (cùng với Trần Mai Châu, Hoàng Địch), tới giai đoạn kháng chiến chống Pháp, rồi trải qua ba mươi năm bị gạt ra bên lề đời sống văn nghệ, chưa khi nào Trần Dần thể hiện như một người viết chịu nhượng bộ, chịu thỏa hiệp với các chuẩn mực đang có. Bằng sáng tác của mình, ông phủ nhận không thương tiếc những đường biên nghệ thuật tưởng đã rất sâu gốc bền rễ. Để kiến tạo những đường biên nghệ thuật mới. Phẩm chất “kẻ sáng tạo” (mượn chữ của Nietzches) ở Trần Dần dễ nhận thấy nhất trong lãnh địa thi ca. Nhưng với tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” -Trần Dần viết xong năm 1966, đầu năm 2011 mới được Công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn công bố - người đọc lại một lần nữa phải ngạc nhiên bởi năng lực đa dạng của “kẻ sáng tạo” ấy, ít nhất là ở phương diện: Trần Dần cũng không “buông tha” cho văn xuôi, và ông đã đẩy ngôn ngữ văn xuôi hư cấu vào một cuộc thử nghiệm lạ lùng.

Nếu xét về cốt truyện, cách xây dựng nhân vật hay nghệ thuật trần thuật, đọc “Những ngã tư và những cột đèn” ở thời điểm này không khiến ta thấy lạ (mặc dù đó vẫn thực sự là thứ của hiếm trong văn chương Việt Nam những năm 1960, thậm chí 1970). Nhưng nếu xét về nghệ thuật ngôn ngữ, đoan quyết là đến tận bây giờ cũng ít ai làm giống như Trần Dần. Câu văn xuôi của Trần Dần ở tác phẩm tiểu thuyết này là kiểu câu rất hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam từ thời có chữ quốc ngữ tới nay. Không phải kiểu câu biền ngẫu như trong văn của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách hay Nhất Linh (giai đoạn viết Nho phong). Không phải kiểu câu cụt lủn, cộc lốc của Hoàng Tích Chu. Không phải kiểu câu rõ ràng khúc chiết, mềm mại uyển chuyển của Thạch Lam (mô phỏng ngữ pháp Pháp văn, và có lẽ chính là mẫu hình phổ biến nhất của câu văn tiếng Việt hiện nay). Thử lấy vài câu làm ví dụ. 1: “Không biết, tôi đã đọc ở đâu, một í kiến về thời gian, như thế này: hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG” (tr14). 2: “Bởi vì, không có tờ thú, ông Trung trố vẫn nắm được hết, mọi chi tiết tôi làm, từ trước rồi” (tr149). 3: “Khi gặp đầu mối, mọi chỉ thị và tiền thưởng, tôi đều giấu sẵn, trong những đồ vật thích hợp, với từng hoàn cảnh” (tr250). Ví dụ 1 là lời của nhân vật nhà văn, người đọc nhật ký của nhân vật Dưỡng. Ví dụ 2 là lời của chính nhân vật Dưỡng, ngụy binh cũ thời Pháp còn sót lại. Ví dụ 3 là lời của nhân vật Nhọn cằm, kẻ chỉ đạo màng lưới gián điệp hoạt động chống phá chính quyền cách mạng. Ba chủ thể phát ngôn khác nhau, nhưng cấu trúc của các phát ngôn (câu) là như nhau. (Tôi chỉ lấy ba ví dụ, nhưng thực tế là những câu như thế này ken kín, dày đặc trong tác phẩm, chúng xuất hiện ở tất cả các trang). Người đọc không cần tinh ý lắm cũng có thể nhận thấy cái lạ ở ba câu này: đó là những dấu phẩy thừa. Nói “thừa” bởi sự có mặt của những dấu phẩy này hoàn toàn không mang giá trị tạo nghĩa, nếu xóa bỏ chúng thì cũng không vì thế mà nghĩa - thông tin cần chuyển tải của câu sẽ trở nên khác đi. Trong ví dụ 1, có thể bỏ cả bốn dấu phẩy. Trong ví dụ 2, ít nhất là thừa hai dấu phẩy cuối. Trong ví dụ 3, bốn dấy phẩy thì chỉ cần giữ lại dấu phẩy đầu tiên. Nếu xóa bỏ các dấu phẩy đó, câu văn của Trần Dần sẽ có được diện mạo quen thuộc với người đọc. Nhưng hẳn đó là điều tác giả không hề muốn (cũng như ông chưa từng khi nào muốn cái viết của mình được an toàn với việc tuân theo những mẫu số chung quen thuộc). Mặt khác, quan trọng hơn, bằng những dấu phẩy “thừa”, ông đã tạo được nhịp điệu riêng, “không giống ai”, cho câu văn của mình. Một nhịp điệu không bằng phẳng, không cân đối. Nó trúc trắc, gập ghềnh, xô lệch, đầy sự bất ngờ và đầy nỗi bất an, đúng với “tinh thần” của một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Nó khá tương hợp với cảm quan của nhân vật chính - anh ngụy binh có tên Dưỡng “tàu bò” - về sự “láo nháo” của một thực tại mà anh ta bị đẩy vào, bị cuốn theo, bị mất tự chủ, nhiều khi như mê sảng, trong cái mớ nhằng nhịt các sự kiện: “Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn?... Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói. Láo nháo hàng cây bên đường lá rụng” (tr275). Về phương diện này, có thể nói, nhịp điệu của câu văn xuôi chính là yếu tố tạo nên “siêu nghĩa” cho tác phẩm. Và như vậy, với câu văn trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần chừng như đã tạo ra một trường hợp văn xuôi nằm ngoài quan niệm của J.P.Sartre: “Về bản chất văn xuôi là vị lợi; tôi sẵn sàng định nghĩa nhà văn xuôi là người sử dụng các từ”, và: “Nghệ thuật văn xuôi biểu hiện bằng lời, bản chất tự nhiên của nó là mang ý nghĩa: nghĩa là các từ trước hết không phải là những vật, mà là những tên gọi các vật” (J.P.Sartre. Văn học là gì? Nguyên Ngọc dịch. NXB Hội nhà văn, 1999. Tr25, 26).

Không nên quên cái thực tế rằng Trần Dần là một nhà thơ, một người thơ, trong suốt cuộc đời cầm bút đầy sóng gió của ông. Viết văn xuôi hư cấu, dù vô tình hay có chủ ý (tôi nghĩ là có chủ ý nhiều hơn), ông đã mang vào đó cả cái phẩm chất và sự hăm hở của “kẻ sáng tạo” trong thơ, bằng thơ. “Chơi” với nhịp điệu, thực ra đó là công việc của nhà thơ nhiều hơn nhà văn xuôi. Và nhịp điệu, ở Những ngã tư và những cột đèn, là cái không chỉ được tạo ra bằng những dấu phẩy “thừa” trong câu. Nó còn được tạo ra bằng sự lặp lại. Sự lặp lại dễ nhận ra nhất, xét ở cấu trúc tổng thể của tác phẩm, là câu: “Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím”. Câu văn này trở đi trở lại nhiều lần, mỗi lần nó xuất hiện là một lần người đọc được/ bị đặt ở bình diện thứ nhất của tiểu thuyết: đây là câu chuyện của nhà văn, người đang đọc nhật ký của Dưỡng “tàu bò”. Tuy nhiên, ý nghĩa của một “mã” chỉ dẫn như vậy chỉ mang giá trị thứ yếu. Điều đáng nói hơn, theo tôi, sự lặp lại của câu văn tạo ra một vọng âm chạy suốt tác phẩm - tựa như vần trong một bài thơ độc vận - nó kết nối giữa thời gian quá khứ và thời gian hiện tại của tiểu thuyết, đảm bảo tính thống nhất cho cấu trúc đa tuyến. Hình như, ngoài Trần Dần, chưa nhà văn Việt Nam nào tạo ra văn bản tác phẩm của mình theo cách như vậy?

Còn có một kiểu lặp lại khác ở một đôi chỗ trong Những ngã tư và những cột đèn. Không phải lặp lại gián cách, mà lặp lại liên tục giữa các bộ phận của câu và giữa các câu liền kề nhau trong một trường đoạn. Ví dụ: “Lác đác người đi làm sớm. Lác đác xe đạp bộ hành, là xe đạp thu, là bộ hành thu, là lác đác thu. Tôi nghe tiếng người, chào nhau trong phố. Tôi chào những quen đi qua tôi, những người không quen đi qua tôi. Tôi nghe tiếng người, hỏi nhau bây giờ làm gì. Tôi nghe tiếng người, trả lời bây giờ làm gì” (tr192, 193). Và: “Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm” (tr275). Đọc tác phẩm, có nhà nghiên cứu văn học (Lại Nguyên Ân) đã tỏ ý thích thú trước những đoạn văn đầy “chất thơ” của Trần Dần, có lẽ đó chính là những đoạn kiểu như vừa dẫn ở trên. Sự lặp lại liên tục của các từ, các cụm từ, các cấu trúc câu đã tạo nên sự cộng hưởng về âm cho đoạn văn, tạo nên nhịp điệu, tạo nên nhạc tính. Những chỗ như vậy, dường như tác giả đã giảm thiểu chức năng trần thuật của câu văn xuôi - nó không để kể hoặc tả một đối tượng cụ thể - nhưng lại gia tăng sức biểu cảm cho cái điều mà không phải bao giờ và không phải người viết nào cũng dễ dàng thể hiện: tâm trạng của nhân vật trong những bối cảnh khác biệt.

Ngoài một vài khía cạnh thử nghiệm ngôn ngữ văn xuôi, còn có khá nhiều vấn đề khác cũng đáng được bàn đến ở “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần. Nhìn chung, có thể nói rằng những từ “ngạc nhiên” hay “khâm phục” mà rất nhiều người đọc hôm nay phải thốt lên trước tác phẩm đến muộn này của Trần Dần, là không phải không có lý. (Năm 2017, thêm một di cảo khác của Trần Dần, tiểu thuyết “Đêm núm sen”, được công bố. Nhưng so với “Những ngã tư và những cột đèn”, dư chấn mà “Đêm núm sen” tạo ra cho cộng đồng đọc đã sút đi ít nhiều). Ông chứng minh một cách khá thuyết phục rằng người viết văn xuôi hư cấu không chỉ là người kể chuyện mua vui cho độc giả, mà còn cần thiết phải là người biết tự mua vui cho chính mình bằng cách bắt ngôn ngữ phải khiêu vũ theo những điệu chưa từng có. Ai đó đã từng cảm khái trước sự kiện Trần Dần bị gạt ra bên lề đời sống văn chương suốt mấy chục năm. Nhưng biết đâu, đấy lại chẳng là một cơ may cho ông: chính sự tồn tại “bên lề” ấy khiến ông có thể yên tâm đi con đường riêng của mình, viết theo xác tín nghệ thuật của mình, khỏi phải lo đến việc tác phẩm mình viết ra có là món ăn hợp với khẩu vị của người đương thời hay không?

Trân Khanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tran-dan-va-mot-cuoc-thu-nghiem-chu-tintuc423065