Trận 'đại hồng thủy' năm Giáp Thìn qua lời kể của những nhân chứng sống nơi rốn lũ Nông Sơn

Nhắc đến 'lụt năm Thìn', những người thuộc 'thế hệ trước' của mảnh đất Quảng - Đà vẫn chưa hết rùng mình. Bởi đây là trận lũ làm thay đổi số phận của hàng trăm gia đình và trở thành nỗi ám ảnh mãi mãi với những người còn sống

Ký ức kinh hoàng

Nhắc đến trận lũ năm 1964, bà Trương Thị Lục (ngụ thôn Đông An, huyện Quế Phước, tỉnh Quảng Nam), một trong những người may mắn còn sống sót bỗng trở nên thất thần. Bà nghẹn ngào kể: “Làng tôi ngày ấy có khoảng 300 nóc nhà với khoảng hơn 1.500 nhân khẩu. Người làng Đông An sống ở thượng nguồn con sông Thu Bồn nên chủ yếu làm ruộng và trồng đậu, bắp ven những triều cát bên sông. Sông Thu Bồn như người mẹ cho phù sa để nuôi sống những người dân quê tôi, nhưng nó cũng đã nhấn chìm cả làng tôi xuống biển nước...”.

Nhà thờ lụt có một không hai ở Việt Nam tại thôn Đông An

Nhà thờ lụt có một không hai ở Việt Nam tại thôn Đông An

Bỏ lửng câu chuyện còn dang dở, bà Lục lúi húi đi xuống nhà sau í ới gọi ai đó, rồi bà giới thiệu cho chúng tôi người con trai út của bà tên Phạm Nhị (SN 1964). Ông Nhị năm nay tròn 53 tuổi. Tức, năm ông chào đời cũng là năm trận “đại hồng thủy” lịch sử ập đến cho làng Đông An. Bà Lục thở dài, hướng đôi mắt mờ đục về khoảng không trước mặt để nhớ về những kí ức hôm qua: “Khoảng 10h tối ngày 5/10 Âm lịch năm Giáp Thìn (tức ngày 8/11/1964), nước lụt từ sông Thu Bồn đột ngột tràn qua làng. Vì đêm khuya, mọi người đều đã đi ngủ, nên chẳng mấy người chạy đi sơ tán được. Nước lên rất nhanh, trời bắt đầu sáng thì tắc đường chạy vô núi. Lúc đó, tôi mới sinh thằng Nhị được 4 tháng. Cả nhà mười mấy con người trèo lên gác lánh nạn. Nhưng cỡ một tiếng sau là nước đã lên mấp mé, tôi bồng thằng Nhị, còn chồng tôi thì dỡ mái tranh để mọi người trèo lên nóc nhà. Bấy giờ, nước từ sông chảy vào làng nghe ngồn ngộn. Nước bao vây tứ phía, trắng cả đường đi”.

Cả làng Đông An chìm trong biển nước, tiếng kêu la, gọi nhau nghe thảm thiết. Người nhanh chân như gia đình bà Lục còn nhảy lên nóc nhà lánh nạn. Người đang ngủ bị dòng nước dữ cuốn đi, chỉ kịp bám vào bất cứ thứ gì vớ được. Nhưng rồi, chẳng mấy chốc, phần vì kiệt sức, phần vì nước chảy xiết, họ đều bị trôi đi mất dạng.

Tờ mờ sáng ngày 6/10 Âm lịch, con nước đã dâng lên quá nóc nhà. Giữa trời nước mênh mông, bản năng của người mẹ chỉ kịp giúp bà Lục ôm đứa con 4 tháng tuổi, nhảy vào chiếc ghe “cứu hộ” của một gia đình trong làng chạy ngang. 8 - 9 con người trong gia đình bà Lục cũng nhảy xuống ghe, nhưng đều bị dòng nước xoáy hất văng, mỗi người một hướng.

Lênh đênh trên trên ghe một ngày một đêm là khoảng thời gian hãi hùng, ám ảnh nhất với bà Lục. Như có vật gì mắc ở cổ, giọng bà Lục nghẹn hẳn đi: “Tôi cứ ôm đứa con còn khát sữa trong lòng, ngồi co ro, run rẩy trên ghe. Tôi dõi mắt tìm con, tìm chồng, tìm cha chồng trong dòng nước chảy xiết nhưng không có. Tôi thấy rất nhiều người thân quen bu bám trên ngọn cây gạo, cây mít kêu cứu. Ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai thì họ đều buông tay vì quá kiệt sức. Cũng có những người, bu bám được lên ghe tưởng an toàn, nhưng vì chiếc ghe phải chở “quá tải” nên cũng bị dòng nước hung tợn đánh cho lật úp. Nhìn những người dân trong làng chìm dần xuống dòng nước dữ, luôn miệng gọi “Cứu với, cứu với”, nhưng tôi chẳng làm gì được, tôi thấy mình có tội lắm”.

Cả làng chung một ngày giỗ

Ba ngày sau, nước bắt đầu rút dần. Hơn nửa tháng sau, nước rút hẳn. Cả làng hơn 1.500 nhân khẩu, chỉ còn lại đúng sáu con người, trong đó có mẹ con bà Lục. Cả ngôi làng tan hoang như chìm trong địa ngục. Xác người mắc trên ngọn mít, xác người vùi trong bùn, xác người nằm la liệt trên đường đi. Cả làng không còn một ngọn cây, không còn một con trâu, con lợn. Sáu con người may mắn sống sót, ngụp lặn trong đống đổ nát, hôi thối để... tìm người thân của họ. Họ kêu đến khản cả tiếng, lạc cả giọng nhưng đều vô vọng, chẳng ai đáp trả tiếng kêu đó. Chỉ có từng đàn quạ đen sà xuống rồi lại bay đi vì không tìm ra chỗ đậu. Chúng cất tiếng kêu quàng quạc như xé toạc không gian ảm đạm, lạnh tanh ở làng.

Một trong những ngôi nhà còn sót sau trận lụt năm Thìn

Sáu con người lấy thanh tre, miếng gỗ dựng tạm túp lều ở cây mít đầu làng sống qua ngày và tiếp tục tìm người thân. Sau bao ngày ròng rã, mẹ con bà Lục tìm được xác của cha chồng. Còn gia đình cả thảy chín người còn lại đều “bặt vô âm tín”, không tìm được xác. Bà Nguyễn Thị Chín (em gái bà Lục) nhớ lại ký ức kinh hoàng: “Sau khi bị hất văng khỏi ghe, tôi vớ được thân cây to, bu bám vào đó, nhưng rồi cây cũng bật gốc, từ cuối làng trôi ra hướng giữa sông vun vút như tên. Dù vậy tôi vẫn cố sống cố chết bám thật chặt, rồi chẳng nhớ gì nữa. Mãi khi mở mắt ra, tôi mới thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Hội An. Sau khi khỏe lại tôi tìm đường về nhà. Sau bà Chín, lần lượt năm người khác cũng tìm đường về... làng.

Không may mắn như 12 người còn sống, hơn 1.500 người của thôn Đông An đã mãi mãi nằm lại cùng dòng nước dữ. Xác của những người dân xấu số được người thân còn sống nhận về mai táng. Nhưng phần lớn là không có thân nhân, họ được một ngôi chùa nhận về... thiêu. Chính vì vậy, hàng năm, cứ tới ngày 6/10 (Âm lịch), đi từ đầu huyện đến cuối huyện, từ đầu thôn tới cuối thôn, nhà nào cũng có giỗ. Người trong làng gọi đó là “giỗ lụt”.

Xế chiều, ông Nhị, nhân chứng sống nhỏ tuổi nhất của trận lụt năm Thìn, dẫn chúng tôi đến đầu làng, nơi có rất nhiều cây cổ thụ, có cây lớn gấp 2 – 3 lần tuổi ông. Ông Nhị cho biết đây là chòm cây cối duy nhất của làng còn sót lại sau lụt năm 1964, che chở cho 12 người còn sống sót ở Đông An. Phía đầu đường vào “khu rừng cổ thụ” có một căn nhà cấp 4 đã phủ rêu phong, trên đó đề ba chữ: “Nhà thờ lụt”.

Ông Nhị bảo: “Sau trận lụt năm Thìn 1964, những người con sống đã lập miếu thờ những người chết không có thân nhân chung ở đây. Nhưng không lâu sau đó, thôn lại phải gánh chịu một trận lụt khác nên ngôi miếu cũng bị cuốn đi. Mãi tới mấy năm gần đây, người dân trong làng mới quyên góp kẻ ít người nhiều xây lại ngôi miếu này. Tuy người làng còn nghèo, ngôi miếu còn xập xệ nhưng dù sao cũng có chỗ hương khói, tưởng nhớ những linh hồn đã khuất”.

Đổi thay ở vùng rốn lũ

53 cái giỗ lụt đã trôi qua, trong đó, rất nhiều năm, người chết lụt không được giỗ vì người sống phải... chạy lụt. Trải qua bao biến cố, những người dân thôn Đông An bây giờ đã biết cách “sống chung với lũ”, chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất của thiên tai. Ông Nhị kể: “Tuy thuộc miền núi của huyện Nông Sơn nhưng nhà nào cũng trang bị ghe, áo phao để dùng khi cần thiết. Như trận lụt năm ngoái, nước sông Thu Bồn cũng lên nhanh lắm. Nhưng nhờ sự vận động, tuyên truyền sớm của thôn, xã, cộng thêm sự chuẩn bị trang thiết bị “chạy lũ” chu đáo nên trên địa bàn thôn không xảy ra sự cố nào đáng tiếc”.

Mẹ con bà Trương Thị Lục, nhân chứng sống của trận lụt lịch sử 1964

Tròn 53 năm kể từ ngày thảm họa ập xuống làng, trên gương mặt của những người còn sống vẫn y nguyên nỗi kinh hoàng mỗi khi nhắc lại. Dẫu biết nỗi đau sẽ không bao giờ lành, nhưng người Đông An bao năm nay vẫn sống, vẫn cứ chống chọi với thiên nhiên tàn khốc một cách “chủ động” hơn.

Ông Phạm Nhị (Trưởng thôn Đông An) cho biết: “Mỗi buổi chiều, sau thời gian làm đồng, hình ảnh những người cha, người anh ra sông Thu Bồn hướng dẫn cho con nít tập bơi đã trở nên rất quen thuộc. Chẳng một ai trong số họ muốn tập bơi để... bơi trong lũ. Tuy nhiên, sống ở nơi thiên tai luôn “cận kề”, thì việc “phòng” hơn “chống” luôn là việc nên làm”.

Lê Hải

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/tran-dai-hong-thuy-nam-giap-thin-qua-loi-ke-cua-nhung-nhan-chung-song-noi-ron-lu-nong-son-8300.html