Trận chiến rửa hận lịch sử: Người Nhật phải trả nợ Tsushima

Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, buộc người Nhật phải trả món nợ Tsushima.

Những người lính Xô viết đang xem lá cờ Nhật bị bỏ lại trong khi rút lui. Ảnh: RIA Novosti

Mónncũ

Eo biển Tsushima là nơi diễn ra trận hải chiến trong các ngày 27-28 tháng 5 năm 1905 giữa hạm đội của Đế quốc Nga và hạm đội của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật.

Trong trận chiến này, Hải quân Nhật Bản đã chiến thắng vẻ vang, và được xem là đã làm nên một trong những thắng lợi hủy diệt trên biển lớn nhất trong suốt bề dày lịch sử nhân loại.

Đây cũng là trận hải chiến mang tính quyết định bằng hạm đội tàu thép hiện đại trong lịch sử hải quân.

Trong trận hải chiến, Hạm đội Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Togo Heihachiro đã tiêu diệt hai phần ba hạm đội Nga dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky.

Trận chiến kết thúc với thắng lợi to lớn của hạm đội Nhật buộc Nga phải ký Hiệp định Portsmouth, nhượng lại cho Nhật Bản các quyền lợi ở châu Á và khẳng định vai trò bá chủ của Nhật Bản ở Đông Á.

Uy tín của Nga bị tổn thương nặng nề. Gần như toàn bộ hạm đội Nga bị mất trong trận hải chiến eo biển Tsushima, Hạm đội Baltic coi như bị xóa sổ ra khỏi danh sách Hải quân Nga.

Thế lực của Nga ở Viễn Đông sau trận hải chiến này cũng kết thúc, nước Nhật trở thành cường quốc bá chủ Đông Á, Mãn Châu, Triều Tiên.

Do những thảm bại này mà đế quốc Nga gần đứng trên bờ vực sụp đổ với cuộc Cách mạng năm 1905.

Thicơ mi

Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kết thúc vào tháng 5 năm 1945, nhưng Liên Xô chưa thoát ra được khỏi Chiến tranh thế giới II.

Tại vùng Viễn Đông quân đội Nhật Bản – đồng minh của phát xít Đức vẫn tiếp tục kháng cự.

Mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn phức tạp kể từ khi Nga thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Trong cuộc nội chiến, binh lính Nhật đã tiến hành can thiệp nhiều lần và thể hiện sự thèm khát lãnh thổ của Liên Xô nên ngày càng tiến gần tới âm mưu xâm lược trực tiếp.

Mối nguy về một cuộc chiến tranh lớn đã tồn tại từ giữa những năm 1930, khi Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc và cho quân đội trực tiếp tiến đến biên giới của Liên Xô và đồng minh của Liên xô là Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.

Các trận đánh trên hồ Khasan vào năm 1938 và trên sông Khalkhin - Gol năm 1939 là những cuộc thử sức của lực lượng quân sự hai bên.

Kết quả của các cuộc đọ súng khiến các tướng lĩnh Nhật Bản đi đến kết luận là nên hoãn cuộc chiến tranh lớn với Liên Xô thêm một thời gian nữa.

Lính dù của Hồng quân Liên Xô tại sân bay thành phố Cáp Nhĩ Tân năm1945 Ảnh: RIA NOVOSTI

Shòahoãnmongmanh

Ngày 13/4/1941, Liên Xô và Nhật Bản đã ký Hiệp ước trung lập. Nhờ có hiệp ước này mà Nhật Bản mới có thể tiếp tục bành trướng sang Đông Nam Á, tránh một cuộc đối đầu quân sự ở phía bắc.

Về phần mình, Liên Xô cũng nhận được một số đảm bảo rằng sẽ không phải cùng lúc tiến hành chiến tranh trên cả hai mặt trận.

Tháng 6 năm 1941, Nhật Bản là nước đồng minh duy nhất của Đức không tuyên chiến với Liên Xô. Trong khi đó, kế hoạch cho một chiến dịch như vậy đã được thảo luận tích cực tại Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhật Bản vào tháng 7/1941.

Các chính trị gia và các tướng lĩnh trong quân đội Nhật Bản đã có những cân nhắc hoàn toàn thực tế.

Họ dự tính sẽ tiến hành cuộc chiến chống Liên Xô vào thời điểm mà Đức đạt được lợi thế quyết định. Do đó, một mặt vẫn giữ mức độ căng thẳng trên biên giới Liên Xô, mặt khác, Tokyo vẫn muốn chờ thời cơ, bất chấp sự kêu gọi dai dẳng của Hitler.

Sau thất bại của phát xít Đức tại Stalingrad và Vòng cung Kursk, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Rõ ràng là không thể tính đến chuyện chiến thắng của Đức và bây giờ thì chính Nhật Bản cũng bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh tiêu hao với Hoa Kỳ và Anh, nên phải tìm cách tránh xung đột quân sự với Liên Xô.

Tuy nhiên, ngay từ Hội nghị Teheran năm 1943, Liên Xô đã cam kết với các nước Đồng minh sẽ tiến hành cuộc chiến chống Nhật Bản không muộn quá ba tháng, sau khi kết thúc cuộc chiến ở châu Âu.

Lời hứa này đã được Stalin xác nhận tại các hội nghị ở Yalta và Potsdam.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/tran-chien-rua-han-lich-su-nguoi-nhat-phai-tra-no-tsushima-3363401/