Trận chiến 'đánh giặc nhàn' năm Đinh Hợi thời Trần

Trong ba lần quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta (1258, 1285, 1287) thì lần thứ ba diễn ra vào năm Đinh Hợi, cách đây 7 thế kỷ.

Năm đó, là niên hiệu Trùng Hưng thứ 3, dưới thời Trần Nhân Tông. Quân Nguyên bắt đầu tiến hành xâm lược nước ta lần thứ hai từ tháng 2 (âm lịch).

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Nhà Nguyên phát Quân Mông Cổ, quân Hán Nam, ba hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, lính Vân Nam, lính người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia đường vào cướp. Số quân theo Toàn thư là 50 vạn, còn theo An Nam chí lược, con số đó là 10 vạn.

Cùng với quân bộ, quân Nguyên còn có đoàn quân tải lương do Vạn hộ Trương Văn Hổ chỉ huy đi đường biển, chở 70 vạn thạch lương theo sau.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Theo hai tác giả Hà Văn Tấn và Nguyễn Thị Tâm trong cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII, quân Nguyên đã huy động 500 thuyền đánh Đại Việt. Đây là một cố gắng mới đáng chú ý trong kế hoạch xâm lược của vua Nguyên Hốt Tất Liệt.

Rút kinh nghiệm hai lần chiến tranh trước, hắn thấy được rằng tiến quân vào một xứ sông ngòi chằng chịt mà không có thuyền thì kỵ binh thật khó xoay xở và không thể nào chống nổi đội thủy quân thiện chiến Đại Việt.

Về mặt hành chính, quân Nguyên đặt Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích (Ayuruychi) phụ trách, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi (Omar), Phàn Tiếp thống lĩnh. Tổng chỉ huy quân Nguyên là Trấn Nam Vương Thoát Hoan.

Trước thanh thế của quân Nguyên, quan chấp chính nhà Trần xin vua Nhân Tông lấy tráng đinh sung quân để tăng quân số lên nhiều. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tổng chỉ huy quân đội Đại Việt, nói một câu nói nổi tiếng rằng: "Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm gì được?".

Hưng Đạo Vương muốn nhắc lại điển tích vua Bồ Kiên là vua tiền Tần thời thế kỷ thứ IV ở phía bắc Trung Quốc, đem 100 vạn quân đánh Đông Tấn, bị các tướng Tấn như Tạ Thạch, Tạ Huyền đánh tan tác trong trận Phì Thủy nổi tiếng. Sau trận này, Bồ Kiên chỉ còn mười vạn tàn quân chạy trốn về Lạc Dương.

Tuy được Hưng Đạo Vương trấn an, tháng 3 năm đó, vua Nhân Tông cũng ra lệnh ân xá tất cả những người đang mắc tội, chỉ trừ những người từng hàng quân Nguyên trong cuộc chiến tranh lần trước là không được đại xá mà thôi. Nhiều tù nhân được tha đã tình nguyện tòng quân ra mặt trận để báo đền ơn nước.

Tháng 4, vua Nhân Tông cho duyệt binh, xử các án tồn đọng, rồi duyệt định danh sách quân binh, sẵn sàng cho cuộc chiến phía trước. Tháng 9, Thoát Hoan khởi binh từ đất Ngạc tiến về phía nam, mượn tiếng đưa hoàng tử Trần Ích Tắc, người đã đầu hàng giặc từ lần trước và được chúng phong làm "An Nam quốc vương" về nước.

Quân Nguyên chia làm 3 cánh: Một cánh theo đường Vân Nam tiến xuống sông Thao và sông Lô như hai lần trước do Hữu thừa A Rúc (Aruq) chỉ huy. Cánh quân chủ lực đi đường châu Khâm, châu Liêm do Thoát Hoan cùng Trình Bằng Phi, Áo Lỗ Xích, dẫn theo Trần Ích Tắc tiến vào biên giới đông bắc, hướng Lạng Sơn. Cánh thứ 3 là thủy quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy 500 chiến thuyền cùng đoàn vận lương do Trương Văn Hổ phụ trách kéo theo sau.

Năm nay đánh giặc nhàn

Ngày 14/11, tướng Trịnh Xiển tâu rằng thái tử Nguyên Thoát Hoan (Toàn thư chép nhầm tên là A Thai) đã xâm phạm ải Phú Lương.

Vua hỏi Hưng Đạo Vương: "Giặc tới, liệu tình hình thế nào?". Với những kinh nghiệm thu được sau lần đánh bại quân Nguyên 2 năm về trước, Vương đã đáp một câu mang tính tiên tri: "Năm nay đánh giặc nhàn!".

Ngày 24/11, vua Nhân Tông lệnh cho cấm quân lên giữ ải Lãnh kinh, tức vùng Đáp Cầu, trên sông Cầu (Bắc Ninh ngày nay), để chặn đánh cánh quân Nguyên từ Vĩnh Bình, Chi Lăng đánh xuống.

Hưng Đức hầu Trần Quán đem quân đón đánh giặc, dùng tên tẩm thuốc độc bắn giặc chết và bị thương rất nhiều. Giặc lui về đóng ở ải Cao.

Ngày 28/11, Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Toàn đem thủy quân đánh vào cánh quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy ở vụng Đa Mỗ, tức vùng mũi Ngọc gần Móng Cái bây giờ. Quân giặc chết đuối rất nhiều, ta bắt sống 40 tên và thu được thuyền ngựa, khí giới đem dâng nhà vua.

Ngày 16/12, vua xuống chiếu sai Minh tự Nguyễn Thức đem quân Thánh Dực dũng nghĩa đến chỗ Hưng Đạo Vương để giữ cửa Đại Than, tức cửa sông Đuống.

Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định

Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định

Tại Vân Đồn, Hưng Đạo Vương đã giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Lúc đầu, gặp đội thuyền của Ô Mã Nhi, Trần Khánh Dư đánh bị thua, Thượng hoàng Trần Thánh Tông được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ: "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn". Trung sứ theo lời xin đó.

Tiền đề cho chiến thắng Mậu Tý

Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Ông liền sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói:

"Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?".

Thượng hoàng mới thả những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.

Trận thắng của Trần Khánh Dư đã tạo tiền đề cho việc quét sạch quân Nguyên diễn ra vào đầu năm sau, năm Mậu Tý 1288 như sử sách đã ghi.

Vào ngày cuối năm, Thoát Hoan tiến quân vào đến thành Thăng Long, nhưng gặp cảnh vườn không nhà trống, không có lương thảo, đã sai Ô Mã Nhi đưa thủy quân trở ngược ra biển tìm đón Trương Văn Hổ, còn hắn rút quân về Vạn Kiếp.

Sau khi Ô Mã Nhi đánh vào phủ Long Hưng (Đông Hưng, Thái Bình), là nơi đặt lăng mộ vua Trần Thái Tông, ngày 8 tháng Giêng, quân Trần hội chiến ngoài biển Đại Bàng, nay là cửa Văn Úc ở Hải Phòng, kịch chiến với thủy quân của Ô Mã Nhi. Quân ta bắt được 300 chiếc thuyền giặc, quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều.

Tái hiện chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Ảnh: sovhttdl.haiduong.gov.vn

Tháng 2, ngày 29, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng ở Quảng Ninh, và ngày 8 tháng 3 âm lịch (9/4/1288), trận Bạch Đằng vĩ đại đã diễn ra, quân Trần đại thắng, thu được tới 400 chiến thuyền quân Nguyên đa số bị giết, các tướng như Ô Mã Nhi, Tích Lê Cơ bị bắt. Thoát Hoan nghe tin liền dẫn quân chạy trốn theo đường bộ về Tư Minh.

Ngày 17/3, Thượng hoàng và nhà vua trở về phủ Long Hưng, đem các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoàn, Phàn Tiếp, Nguyên soái Điền, các Vạn hộ, Thiên hộ làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng.

Khi vua cử lễ bái yết, đã làm thơ rằng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Nghĩa là “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, sơn hà thiên cổ vững âu vàng”.

Bằng việc cắt đứt con đường vận lương của quân Nguyên, quân dân Đại Việt đã thực hiện lời tiên tri “đánh giặc nhàn” của Hưng Đạo Vương, giữ gìn đất nước khỏi bị tàn phá dưới gót giày quân xâm lược. Trận thắng này khiến quân Nguyên bỏ hẳn ý đồ xâm lược nước ta.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tran-chien-danh-giac-nhan-nam-dinh-hoi-thoi-tran-post911088.html