Trần Chí Hùng: Cánh chim nửa đời trên đất Bayon

Hiếm có nhà báo, nhà văn người Việt nào gắn bó với đất nước Campuchia dài lâu như Trần Chí Hùng. Cầm bút 40 năm, nhà báo tóc rối Trần Chí Hùng đã mất hơn 30 năm lăn lộn cùng những con đường mù bụi, những cánh rừng trầm thiêng ẩn hiện đền tháp rêu phong, những dòng sông mênh mang trên đất Chùa Tháp.

Nguyên là một học sinh chuyên văn của Trường cấp III Đức Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh, vào đại học Trần Chí Hùng quyết theo đòi nghiệp văn chương. Làm luận văn tốt nghiệp đại học về "Phong cách tùy bút của Nguyễn Tuân", anh bị máu xê dịch, niềm đam mê giang hồ của cụ Nguyễn ngấm vào người khi nào không hay. Thêm một phần phong cách ngông nghênh thấm đẫm nỗi ưu thời nữa.

Trần Chí Hùng bảo, rất nhiều năm, anh không thôi ám ảnh bởi chi tiết, mỗi khi máu giang hồ nổi lên, cụ Nguyễn lại dị mọ ra ga Hàng Cỏ ngó hai thanh đường ray hút dài và nghe tiếng còi tàu cho đỡ nhớ. Trong tâm thức, anh nghĩ đời mình rồi cũng thế, là của những chuyến đi.

Năm 1980, tốt nghiệp đại học, làm việc cho Thông tấn xã Việt Nam, anh được điều sang Campuchia khi đất nước này chỉ vừa mới thoát khỏi một chương địa ngục. Chẳng có nhiệm kỳ nào cả, đến và ở lại. Ngoài khoảng 9 năm cách quãng về nước giữ vài vị trí quản lý ở Thông tấn xã Việt Nam, toàn bộ thời gian còn lại, cũng là toàn bộ nghiệp viết lách, đời anh trải hết trên đất bạn. Kiến thức về văn minh, văn hóa, con người Campuchia của anh thật đáng nể, làng báo khó có người bì kịp. E chừng không một phum, sóc nào của xứ Angkor mà anh chưa từng ruổi chân qua.

Điều tôi khoái nhất ở người anh đồng hương là hiểu biết về con người, cái nhìn thấm đẫm thân phận với xứ sở mà anh gắn bó sự nghiệp. Anh là người con, người anh em, người bạn đúng nghĩa của rất đông đồng bào Khmer đủ mọi tầng lớp, từ đấng Quân vương cho đến lê dân bách tính. Và anh đã viết về họ, rất nhiều, rất hay.

Nhà báo Trần Chí Hùng tác nghiệp tại Phnompenh.

Nhà báo Trần Chí Hùng tác nghiệp tại Phnompenh.

Không chỉ với cái nhìn của một nhà báo, trang viết của anh còn gồm cả tiếng vỡ òa trong khúc hoan ca, cả nỗi thở dài đêm sâu của một dân tộc. Hồi 1997-2000, anh viết rất nhiều bài về Campuchia cho báo An ninh Thế giới, trong đó có những loạt bài tuyệt hay như "Tamok - tên đồ tể thích đùa" (4 kỳ), loạt bài về ông Hoàng Shihanouk (17 kỳ).

Diễm phúc lớn của Trần Chí Hùng là trong hàng chục năm, anh đã gần như một người chép sử tiếng Việt cho cuộc đời của đấng quân vương nước bạn. Quốc Vương Shihanouk rất coi trọng và ưu ái anh. Chỉ có Trần Chí Hùng mới biết và dám viết về cuộc đời của Quốc Vương Shihanouk với những chi tiết rất riêng, rất độc đáo mà nhà văn khác, hoặc không bao giờ có thể tìm được tư liệu qua phỏng vấn để viết, hoặc sẽ không bao giờ dám viết, e phạm tội khi quân mà... rớt mất đầu.

Có những tư liệu, chi tiết rất quý giá, độc đáo và thú vị. Nhờ đọc tác phẩm của Trần Chí Hùng, tôi mới biết Tổng thống Sukarno, thường được gọi trìu mến là Bung Kano, người anh hùng giành độc lập cho Indonesia từ tay người Hà Lan, làm Tổng thống Indonesia từ 1945 đến 1967 rất thích người vợ của Shihanouk, bạn mình - bà hoàng Monique. Bốn lần ông Hoàng Shihanouk sang thăm Indonesia, cả bốn lần Tổng thống Sukarno đều không rời bà Hoàng nửa bước. Vị Tổng thống anh hùng dân tộc Indonesia luôn tìm cớ để bày tỏ sự ngưỡng mộ - bình dân thì gọi là tán tỉnh - bậc mẫu nghi thiên hạ xứ Angkor! Và ông không hề giấu giếm mối si tình đó.

Không thành công, vị Tổng thống đa tình chuyển mục tiêu sang Công chúa Bopha Devi - nhà hoạt động nghệ thuật Khmer nổi tiếng, một nghệ sĩ múa tài năng đồng thời là Giám đốc Nhà hát Hoàng gia Campuchia, con gái ông Hoàng Shihanouk.

Rất thẳng thắn, Tổng thống Sukarno đã bộc bạch điều đó với Hoàng thân Shihanouk. Dù Tổng thống Sukarno lớn hơn ông Hoàng Shihanouk 21 tuổi (Sukarno sinh năm 1901, Shihanouk sinh năm 1922), ông vẫn không ngần ngại bày tỏ nguyện vọng: "Thưa ngài, sẽ là một đặc ân, liệu tôi có cơ hội để trở thành con rể của ngài không? Điệu Apsara mang tên Bopha Devi đã khiến trái tim tôi tan chảy!".

Ông Hoàng xứ Chùa Tháp rõ là một người cha rất hiểu cả đức hạnh của con gái lẫn đam mê cháy bỏng của người bạn lãnh tụ lớn tuổi, đã trả lời: "Thưa Tổng thống, đó sẽ không chỉ là vinh hạnh cho cá nhân con gái tôi mà còn cho cả Hoàng gia Campuchia. Nhưng thưa ngài, thật không may, Bopha Devi con gái tôi hiện chưa có ý định chán hay thay đổi, vẫn đang rất chung thủy với đức lang quân thứ tư (một sĩ quan Hoàng gia) của cô ấy!".

Tất cả các chi tiết này đều được xác nhận bởi chính Ông Hoàng Shihanouk, trong cuốn "Shihanouk Reminisces: Wolrd Leaders I Have Known" (Hồi ký Shihanouk: Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết) do sử gia gốc Đức Bernard Krisher chấp bút. Cuốn sách này cũng được chính Trần Chí Hùng dịch sang tiếng Việt, xuất bản bởi NXB Công an nhân dân -1999.

Sau Shihanouk, tôi có lẽ là người... thứ hai may mắn được đồng nghiệp đàn anh Trần Chí Hùng giúp làm cầu nối để tìm tư liệu, đồng thời giúp dịch bài viết sang tiếng Khmer để đăng trên hai tờ Rasmei Kampuchea (Tia Sáng - nhật báo lớn nhất Campuchia) và Cambodia Daily.

Hai lần, hai nữ ca sĩ Khmer hàng đầu là Pov Panhapic và Soul Kraphiec bị bắn trọng thương, được bí mật và cấp tốc chuyển sang Việt Nam cấp cứu điều trị, Trần Chí Hùng đều thông tin cho tôi biết và chuyển lời nhờ viết bài từ các tòa soạn báo nước bạn. Người duy nhất điều tra, lấy tin viết bài cho báo Campuchia về các vụ này đều là tôi. Bài do Trần Chí Hùng dịch.

Năm 2001, trùm xã hội đen A Lý (Lee Han Sing) gây xung đột với giang hồ Sài Gòn dẫn đến việc tay chơi trẻ tuổi Trần Ngọc Hiền bị ăn đạn súng hỏa hiệu gục ngã trước vũ trường Metropolis, đường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1. Khi vụ án đang trong vòng điều tra, A Lý đã nhanh chân trốn sang Campuchia.

Cũng chính nhớ Trần Chí Hùng, tôi đã có dịp thâm nhập, lần tìm và phanh phui ra đường dây Trúc Liên Bang Đài Loan đang làm mưa làm gió ở quận Mùng 7 Tháng Giêng, Phnompenh. Một nửa tư liệu cho loạt bài "Ba lần thâm nhập Việt Nam bất thành của Trúc Liên Bang" do tôi viết, đăng An ninh Thế giới có sự giúp đỡ lớn của người anh đồng nghiệp. Không có anh, tôi khó có thể tìm ra dấu vết A Lý đang được ông trùm băng Tứ Hải Trần Khởi Lễ (Lễ Vịt - lúc này đã mua được chức nghị sĩ, Huân tước Campuchia) cưu mang và giao cầm đầu nhóm sát thủ "Thất tinh Bắc đẩu" của Đài Loan tại xứ Chùa Tháp.

Chính nhóm này, sau đó không lâu đã tổ chức ám sát thị trưởng Phnompenh Chaxililaupua, sau khi ông này cho cảnh sát phá tan sào huyệt của Lễ Vịt, thu trong biệt thự của y cả một kho súng đủ trang bị cho cả một tiểu đoàn.

Nhiều đồng nghiệp khác trong nước khi có dịp sang Campuchia tác nghiệp đều được Trần Chí Hùng giúp đỡ hết mình. Với chúng tôi, anh là một "thổ địa" trên đất bạn, lại vừa là một kho tư liệu sống. Sự kiện Thủ tướng thứ nhất Norodom Ranarith bị hạ bệ năm 1997, nhà báo Binh Nguyên và nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ được Trần Chí Hùng lo giúp thẻ tác nghiệp trong vùng giao tranh, thu xếp các cuộc gặp phỏng vấn.

Nhóm các nhà báo trẻ nhiều báo sang Campuchia viết về đời sống của kiều bào Việt trên hồ Ton Le Sap, về chương trình cảnh báo nguy cơ và giải cứu sông Mê Kông, Trần Chí Hùng bất đắc dĩ vừa làm phiên dịch, vừa lái xe đưa họ qua lại như con thoi từ Phnompenh lên Kong Pong Cham, Siam Riep rồi ngoặt lại, xuyên rừng lên Bat Tam Bang, xuống thành phố cảng Shihanoukville...Anh làm những điều đó với tất cả nhiệt tình hồn nhiên, vừa đúng trách nhiệm của một Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, lại vừa với sự chí tình của một người anh lớn trong nghề với các đồng nghiệp trẻ.

...Bây giờ, anh đang chờ hưu. Gối mỏi chân chồn, lại mới bị ngã trẹo cột sống, Trần Chí Hùng đã "hạ cánh an toàn" xuống cạnh đường băng Tân Sơn Nhất. Nhà anh ở đó, cửa sổ mở vào sân bay, ngày trôi qua theo cánh máy bay lên xuống, mang theo bao ước vọng hải hồ. Anh vẫn đầu bù tóc rối, vẫn oang oang giọng Nghệ ngang tàng. Mừng "ngài" Trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Vương quốc Campuchia về vui thú điền viên, mấy bằng hữu thâm giao chúng tôi đã ghé nhà, lôi hũ rượu của anh ra say túy lúy. Sau đó thì trà đàm đến nửa đêm.

Trần Chí Hùng có một bộ sưu tập gốm 600 bộ đồ trà tửu. Hôm đến thăm anh, chúng tôi chỉ mới đủ thời gian thử qua một bộ. Để thử hết, chia vui cùng gia chủ, chia đam mê cùng một cuộc đời, hẳn là chúng tôi sẽ còn phải tốn thì giờ với anh nhiều lắm.

Chiết rượu sẵn đi nhé, anh Hùng!

12-8-2019

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tran-chi-hung-canh-chim-nua-doi-tren-dat-bayon-558889/