Trạm xá của tình quân dân

Đồng bào các dân tộc vùng núi huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) vẫn thường gọi Bệnh xá Kho K380, Binh chủng Pháo binh bằng cái tên trìu mến 'Bệnh xá của tình quân dân'.

Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân

Ra đời năm 1980, gần 40 năm đóng trên địa bàn, bệnh xá luôn là địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây. Mỗi khi ốm đau, tai nạn hay sinh nở… dù nặng hay nhẹ, Bệnh xá Kho K380 luôn là nơi đồng bào gửi gắm niềm tin.

Đến thăm bệnh xá vào buổi sáng thứ bảy, chúng tôi gặp hình ảnh Thiếu tá, bác sĩ Phí Văn Thắng, Bệnh xá trưởng đang nội soi cho cháu Nguyễn Thị Ly, 8 tuổi, con gái chị Nguyễn Thị Hậu, ở Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). Bác sĩ Thắng cho biết, cháu bị mắc chứng đa nang hai bên thận. Sau khi tiến hành kê đơn, chuyển bộ phận chuyên môn cấp thuốc và dặn dò chị Hậu kỹ cách sử dụng từng loại thuốc cho con, bác sĩ Thắng cho biết thêm, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh xá tiếp nhận, khám chữa và cấp thuốc điều trị cho người dân. Với đồng bào thì không có quy định về thời gian hay ngày nghỉ gì cả.

Trung úy, y sĩ Nguyễn Văn Tuyên cho chúng tôi xem những cuốn sổ dày cộp, có nhiều cuốn đã cũ kỹ nhưng vẫn được lưu giữ cẩn thận, lật mở các trang nhật ký khám bệnh, cấp thuốc, nét chữ của nhiều thế hệ ngành y qua các thời kỳ vẫn hết sức rõ ràng từ lý lịch người bệnh, tình trạng bệnh khi vào bệnh xá…

Đã mấy chục năm từ ngày thành lập đến nay, từng ấy cuốn sổ nhật ký khám bệnh đã ghi tên hàng nghìn lượt bệnh nhân. Với riêng Trung úy Nguyễn Văn Tuyên thì Bệnh xá Kho K380 không chỉ là nơi công tác mà nơi đây đã biến anh trở thành “ông đỡ” của nhiều trẻ em. Qua nhiều lần đi khám, chữa bệnh, đi tuyên truyền, nhận thấy đồng bào nơi đây cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu cho nên nhiều bà mẹ phải làm lụng vất vả đến gần ngày sinh nở mới đến cơ sở y tế để sinh; có nhiều ca tự đẻ tại nhà và đã xảy ra những sự cố đáng tiếc đến sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và con…

Băn khoăn, trăn trở với những nhọc nhằn của đồng bào, anh đã đề xuất với chỉ huy đơn vị xin đi học chuyên ngành sản khoa. Từ năm 2012 đến nay, sau khi học xong chuyên ngành sản khoa, với nhiều ca đỡ đẻ cho đồng bào thành công. Cái tên “ông đỡ” ra đời và gắn với anh từ đó. Bác sĩ Thắng chia sẻ: Gần 40 năm đơn vị gắn bó với đồng bào, có biết bao kỷ niệm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa kiên trì tuyên truyền, vận động, vừa bằng những việc làm cụ thể, bằng trách nhiệm và tình cảm của mình, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã góp phần tạo nên cuộc sống mới trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Hằng năm, cùng với các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện chương trình 12 quân dân y kết hợp, bệnh xá tổ chức đi hàng trăm lượt về cơ sở khám, chữa bệnh, cấp thuốc và điều trị cho hàng chục nghìn lượt người dân…

Đại tá Nguyễn Văn Hà, Chủ nhiệm Kho K380 là người gắn bó với đồng bào huyện Chợ Đồn từ những ngày đầu thành lập đơn vị cho biết: “Bệnh viện huyện cách xa hàng chục cây số, Bệnh viện đa khoa tỉnh còn xa hơn nhiều. Giao thông đi lại khó khăn, nên mỗi khi “đổ bệnh” đồng bào tìm đến bệnh xá đơn vị. Tuy nhiên, bao năm qua, bệnh xá là địa chỉ tin cậy của bà con không chỉ vì quãng đường gần mà chính là sự tin cậy vào trình độ và quan trọng hơn là thái độ, lòng nhiệt tình của đội ngũ y sĩ, bác sĩ đối với người bệnh”.

Bệnh xá Kho K380 không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương mà còn là biểu tượng đẹp về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giữa núi rừng Việt Bắc.

ĐỖ KIM TẬP

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/40213602-tram-xa-cua-tinh-quan-dan.html