Trâm tích Đông Triều (Tiếp theo)

Nói đến Đông Triều, không thể không nói đến một triều đại oanh liệt nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, triều đại nhà Trần (1225-1400). Và tất nhiên, với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, trên cơ sở hợp lưu một số Thiền phái khác đã có trước đó rồi...

CHÙA QUỲNH LÂM - DẤU ẤN LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Các tài liệu nghiên cứu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung, về chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) nói riêng, đều chép rằng chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ đời vua Lý Thần Tông (1127-1138). Quốc sư Nguyễn Minh Không (1076-1141) chính là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng ngôi chùa nổi tiếng này, tất nhiên là với năng lực có thể ở triều Lý (Hậu Lý). Thiền sư Minh Không cũng đã cho đúc tượng Di Lặc bằng đồng, cao tới 6 trượng (khoảng 20 m). Vậy Thiền sư lấy tiền ở đâu để đúc tượng đồng to lớn kỳ vĩ như thế? Hóa ra, tiền vàng đúc tượng đúc chuông, chẳng phải là do các Phật tử hảo tâm cung tiến vào, nhưng chủ yếu vẫn là những Phật tử hoàng gia và các quan chức lương cao bổng hậu mà sùng đạo hay sao ! Minh Không còn cho dựng bia đá cao 2,5 m, rộng 1,5 m, hoa văn hình rồng rất tinh xảo. Qua bao vật đổi sao dời, nắng mưa dầu dãi, đến nay, thật là may mắn cho người hậu thế, tấm bia đá vô giá được dựng từ đời nhà Lý vẫn còn kia, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như một chứng nhân lịch sử bất tử…

Nhưng phải đến đời Trần, chùa Quỳnh Lâm mới được tu bổ và xây dựng thêm, quy mô cũng được mở rộng thêm, hoành tráng hơn nhiều. Sách TAM TỔ THỰC LỤC có chép rõ về việc này.

Cũng theo các sách của nhà Phật, Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330), vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là người có công lao rất lớn trong việc chỉ đạo tu bổ, mở mang xây dựng chùa Quỳnh Lâm. Công trình hoành tráng này, đến năm 1317 thì hoàn thành cơ bản các hạng mục. Ngài Pháp Loa còn cho thành lập Quỳnh Lâm viện, chuyên đào tạo các tăng ni, do vậy, QUỲNH LÂM VIỆN có ý nghĩa như một trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Ở Thiền viện này, số tăng ni theo học có lúc tới hàng ngàn người. Ở thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ, cùng với các chùa Hoa Yên ở Yên Tử (Quảng Ninh), Báo Ân ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay), Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, chính là những trung tâm lớn của giáo hội Phật giáo ở đời Trần. Đến năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành “đệ nhất danh lam cổ tích”, đồng thời là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo sư sãi lớn nhất cả nước. Tương truyền, tại đây, có thể cùng một lúc thu nhận khoảng 3 ngàn người đến tu tập. Lại còn có am Bích Động để tọa Thiền…Tuy nhiên, am Bích Động mới chính là nơi Trần Quang Triều còn dùng làm địa điểm gặp gỡ, xướng họa và đàm đạo với các danh sĩ đương thời, kể cả các nhà sư học vấn sâu rộng và tài hoa nghệ sĩ…

Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) quê làng Cẩm La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang xưa, nay là huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương. Trời sinh ra ngài, có lẽ là để dành cho Phật giáo. Được Điều Ngự Giác Hoàng Nhân Tông truyền y bát, Pháp Loa thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài việc chỉ đạo mở rộng xây dựng, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, Pháp Loa còn là người cho xây dựng chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai ở Chí Linh, để nơi đây trở thành một quần thể chùa chiền, tạo nên một vùng danh thắng tâm linh rất đặc sắc. Pháp Loa chính là một Thiền sư trí tuệ hiếm thấy. Vua Trần Anh Tông tôn kính ngài, tự nhận làm đệ tử của vị cao tăng và ban tặng ông Pháp danh PHỔ TUỆ TÔN GIẢ. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, mấy ai có được ? Vậy mà tiếc thay, Pháp Loa sớm viên tịch. Ông thanh thản ra đi như ve sầu thoát xác, khi mới 46 tuổi. Tháp mộ của Thiền sư còn đó ở chùa Thanh Mai, do chính ngài tự đặt vị trí. Nếu tính cả tuổi mụ thì mới là 47 tuổi. Tháp mộ Pháp Loa xây dựng bằng gạch đá, có thể mai một theo năm tháng, nhưng bài kệ của Pháp Loa thì còn mãi đến muôn sau:

Lòng trần dứt, tấm thân nhàn,

Bốn mươi năm, giấc mộng tàn đấy thôi.

Nhắn người đừng hỏi thăm tôi,

Bên kia gió mát trăng trời mênh mông !

(THỊ TỊCH-BẢO SỰ CHẾT- VŨ BÌNH LỤC dịch)

Tôi làm sách GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG (dịch thơ&bình giải thơ đời Lý-Trần), khi nghiên cứu về thơ của Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Trần Quang Triều…thấy hiện lên trong thơ của họ hình ảnh ngôi chùa Quỳnh Lâm đẹp đẽ uy nghiêm, có hồ sen thả sen trắng (bạch liên) hình bán nguyệt trước cửa chùa, có am Bích Động, không phải chỉ để tọa Thiền, mà chính là nơi để các vị cao tăng và Nho sĩ tài danh từ bốn phương tới đây cùng nhau xướng họa, cùng với hình ảnh vị chủ soái của Thi xã Bích Động là Cúc Đường Chủ nhân, Văn Huệ Vương Trần Quang Triều. Như vậy, am Bích Động chính là trụ sở của thi đàn đầu tiên ở nước ta, nằm trong khuôn viên chùa Quỳnh Lâm, mang tên BÍCH ĐỘNG THI XÃ.

Đến đời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng lập thi đàn mà chính ông được tôn vinh là Tao đàn Nguyên soái. Đó là tao đàn thứ 2 ở nước ta dưới thời phong kiến. Vậy mà cho đến gần đây, trên báo VĂN NGHỆ CÔNG AN, tôi vẫn đọc thấy một bài viết của một nhà thơ trẻ trong Sài Gòn viết rằng hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ soái, là thi đàn đầu tiên ở nước ta. Điều này cho thấy kiến văn của khá đông người sáng tác, làm văn hóa còn nhiều lỗ hổng đáng tiếc. Mặt khác, cũng phải nói thêm rằng, khiếm khuyết ấy còn là do ngành văn hóa thông tin, trong đó có các cơ quan xuất bản chẳng mấy quan tâm đến việc tài bồi, xiển dương những giá trị văn hóa văn học cổ của cha ông chúng ta. Lợi nhuận kinh tế, phải chăng nó đã góp phần tích cực vào việc làm méo mó hình ảnh cao quý của hồn xưa dấu cũ, làm suy giảm những giá trị văn hóa, văn chương cổ vô cùng đặc sắc của cha ông ?

Tuy nhiên, các thành viên của hai Tao Đàn này (THI XÃ BÍCH ĐỘNG và TAO ĐÀN CỦA VUA LÊ THÁNH TÔNG) thì hoàn toàn khác nhau. Với Bích Động thi xã thì thành viên chủ chốt là các quan chức đã từ bỏ danh lợi và các nhà sư đạo cao đức trọng, tài giỏi văn chương thơ phú. Với tao đàn của vua Lê Thánh Tông thì hầu hết là các vị quan vào hàng thượng phẩm đương triều, công thành danh toại, lại được nhà vua rất yêu thơ, mê thơ cổ súy. Thêm nữa, Bích Động thi xã ra đời khi vương triều Trần đang trên đà suy thoái, còn với tao đàn của vua Lê Thánh Tông thì hoàng triều đang ở thời điểm cực thịnh. Do vậy, nội dung thơ ở hai Đàn Thơ lớn nhất này hoàn toàn khác nhau, giá trị nội dung và nghệ thuật cũng khác nhau khá nhiều ! Khác nhau thế nào ư ? Thì đại khái thế này nhé:

Nội dung thơ của các thành viên THI XÃ BÍCH ĐỘNG ở chùa Quỳnh Lâm Đông Triều thường thể hiện tâm trạng bất đắc chí trước thời cuộc đã đổi thay, nuối tiếc một thời vẻ vang oanh liệt của vương triều Trần đã dần trôi vào dĩ vãng. Cảm hứng chủ đạo của thơ ca Bích Động Thi Xã chính là cảm hứng trữ tình bản thể, rất gần gũi mà cũng rất giàu mỹ cảm nhân văn, nhân bản và thánh thiện. Những thi nhân nổi bật như Trần Quang Triều, Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành v.v… đều học vấn sâu rộng, đã từng làm quan to và sau đó từ quan về quê, như Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành; hoặc tu Thiền như Trần Quang Triều. Những nhân vật đương thời như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, đều là bạn bè thân thiết, tri âm tri kỷ của họ. Thơ của họ là tiếng lòng tha thiết yêu quê hương đất nước, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nỗi u hoài, thăm thẳm đau đáu nỗi niềm của kẻ sĩ không gặp thời…Nghệ thuật thơ của THI XÃ BÍCH ĐỘNG đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ, chân tình mà điêu luyện. Những bài thơ còn sót lại của Trần Quang Triều, của Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Tử Thành v.v… có rất nhiều bài hay, một số bài vào loại đặc sắc.

Thơ của hội Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông, của “Thập nhị bát tú”, tức hai mươi tám vì tinh tú, nội dung hoàn toàn khác với THI XÃ BÍCH ĐỘNG, mặc dù, cả hai Tao Đàn này, các thành viên đều là những nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời, học vấn sâu rộng. Sống ở thời thịnh trị dưới triều vua Lê Thánh Tông, cuộc sống của các quan thi sĩ khoa bảng chót vót, đương nhiên là đầy đủ, nếu không muốn nói có một số người giàu sang. Cuộc sống này đối lập hoàn toàn với cuộc sống ẩn cư của các thi nhân thành viên Bích Động Thi Xã. Vậy nên, nội dung thơ của Tao Đàn Lê Thánh Tông chủ yếu là thơ xướng họa, ca ngợi nhà vua và triều đại thịnh trị, hoàn toàn quan phương, hình thức và sáo rỗng, phần nhiều nhạt nhẽo. Tất nhiên, cũng có một số bài hay, nhưng đó là cái hay cái khéo của thợ thơ, chứ ít thấy cái vi diệu bay bổng hồn nhiên của hồn thơ thi sĩ. Thơ của kẻ no bụng, đương nhiên là khác với thơ của kẻ đói nghèo, cuộc đời đã bị xô đẩy đến bước khốn cùng, cả vật chất lẫn tinh thần. Muôn đời nay vẫn thế. Tôi thầm nghĩ, nếu ai đó có ý định nghiên cứu đề tài be bé này thôi, cũng đủ để làm được một cái luận văn Tiến sĩ. Và tôi, dẫu chả phải là Giáo sư hướng dẫn, nhưng cũng có thể làm được cái việc vui vui của một thành viên phản biện đàng hoàng...

Sử sách chép về Văn Huệ Vương Trần Quang Triều không nhiều, hoặc giả là do đã thất lạc, chủ yếu là do bọn giặc Minh đã phá hủy chùa Quỳnh Lâm năm 1407, với chính sách triệt tiêu nền văn hóa của dân tộc ta, do tên trùm tội phạm diệt chủng, diệt văn hóa Minh Thành Tổ ráo riết chỉ đạo.

.***

Ở chùa Quỳnh Lâm này thời kỳ thịnh vượng nhất, do Thiền sư Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trụ trì, số tăng ni đến tu tập có lúc tới hơn ba ngàn người. Trong sự nghiệp xiển dương Phật pháp, Pháp Loa từng đi thuyết giảng ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất có lẽ là ở chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, Kinh Bắc, nay là Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm trước, tôi đã đến thăm ngôi chùa này. Nhưng thật đáng buồn là ngôi chùa từng là một trong vài ba trung tâm Phật giáo lớn nhất ở đời Trần, giờ tan hoang đến mức thê thảm. Vẻ đẹp hoành tráng chùa Báo Ân trong thơ ca đời Trần, một đi không trở lại. Thiền sư Pháp Loa còn đi giảng kinh Hoa Nghiêm theo yêu cầu của vua Trần Anh Tông và các vương hầu, hoàng hậu, phi tần, các công chúa, ở các cung điện của vương triều, kể cả hành cung Thiên Trường, nơi các Thượng hoàng, Thái Thượng hoàng ngự ở đấy. Và đồng thời là ở phủ đệ riêng của các vương hầu, khanh tướng.

Cũng ở chùa Quỳnh Lâm, sách TAM TỔ THỰC LỤC còn ghi lại một câu chuyện tình rất hấp dẫn. Câu chuyện tình có thật mà cũng có phần bí ẩn này lại dẫn đến sự ra đời của nàng cung nữ Nguyễn Thị Điểm Bích, theo đó là câu chuyện về việc vua Trần Anh Tông muốn thử thách đạo hạnh của Quốc Sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Về cái “sự cố” ra đời của nàng Điểm Bích, cũng có đôi chút ly kỳ mà cũng không kém phần thú vị. Một câu chuyện tình chớp nhoáng của cô gái quê huyện Đường An (nay là huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương) nhà nghèo, lại độc thân. Gặp phải năm ông trời gây ra cái sự hạn hán mất mùa, đói kém nghiêm trọng, nàng buộc lòng phải đi ăn xin khắp chốn cùng quê. Đến Đông Triều, cô gái nhà quê xinh đẹp vào chùa Quỳnh Lâm để hy vọng tìm kiếm nguồn sống bác ái ở nơi cửa Phật từ bi cho qua ngày đoạn tháng. Chỉ một đêm dừng chân tại đó thôi, ấy thế mà câu chuyện tình ngắn ngủi của nàng với một thanh niên không nhìn rõ mặt, lại chửa biết tên, đã diễn ra trong cái khoảng canh ba yên tĩnh và mát mẻ dưới mái hiên chùa, đã đi mãi vào sử sách văn chương. Chàng trai kia, có thể là ai đấy nhỉ? Phải chăng là một tăng ni từ đâu đó đến tu tập ở Thiền viện Quỳnh Lâm? Sau cái đêm ân ái nhanh gọn ấy, cô gái có thai, rồi về quê. Đủ ngày đủ tháng, nàng trở dạ sinh ra một người con gái, đặt tên là Điểm Bích. Không biết họ cha, nên Điểm Bích mang họ mẹ, Nguyễn Thị Điểm Bích.

Nàng Điểm Bích được một phú ông gần đó mua với giá chỉ một quan tiền đem về làm con nuôi. Nàng càng lớn càng biểu hiện sự thông minh xinh đẹp. Được chín tuổi, vừa lúc triều đình có lệnh tuyển cung nữ, Phú ông liền đem dâng nàng vào cung vua Trần Anh Tông.

Một buổi thiết triều, bỗng dưng vua Anh Tông chợt nghĩ về Thiền sư Huyền Quang. Nhà vua nói với quần thần, rằng cái lòng lo ăn mặc, hưởng sự sung sướng ở đời thì ai cũng muốn. Lòng dục tự nhiên điều hòa âm dương thì ai cũng có. “Chỉ riêng có sư Huyền Quang thì không phải vậy. Từ khi sinh đến giờ, vẫn sắc sắc không không, như nước không sóng, như gương không bụi, phải chăng ngài đè nén lòng dục, hay là không có lòng dục ?”

Sau câu hỏi này, có viên quan văn tên Mạc Đĩnh Chi liền bước ra tâu:

“Vẽ cọp, vẽ da, xương khó vẽ,

Biết người, biết mặt, biết đâu lòng” !

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đề nghị vua thử xem thực hư thế nào, mới có thể khẳng định được thực chất đạo hạnh của Huyền Quang. Vua Trần Anh Tông lấy làm phải, liền bí mật chọn một cung nữ trẻ đẹp, “nõn nà chẳng kém gì nàng Phi Yến (ở đời Tấn), khéo léo còn hơn cả Điêu Thuyền”, (vợ Lã Bố ở đời Tam Quốc). Cô gái được vua chọn, chính là cung nữ Điểm Bích.

Nàng Điểm Bích chẳng những nhan sắc chim sa cá lặn, mà còn là một cô gái rất thông minh, “tam giáo cửu lưu, không thứ gì là không thông hiểu”. Rồi thì “Trường thiên, Ngũ ngôn, hễ mở miệng là thành chương”. Nhưng sở trường của nàng vẫn là Quốc ngữ, tức chữ Nôm phát âm tiếng Việt. Vua khen nàng là “thần đồng”, rồi ban cho một cái thẻ bài, dặn: “Vị Tăng ấy (tức Huyền Quang-VBL) vốn không ưa sắc dục, tính tình rất cương trực, giới hạnh lại cao nghiêm. Ngươi có nhan sắc, lại có tài ăn nói, thông hiểu kinh sử, vậy hãy đến thử Thầy ấy. Nếu thấy còn động lòng quyến luyến tình dục, ngươi hãy dụ lấy cho được kim tử làm bằng chứng. Nếu gian trá sẽ có tội. Ngươi phải kính cẩn vâng lời !”…

Nhớ lời vua dặn, nàng cung nữ điểm Bích liền đem theo một nữ tì, đến chùa Vân Yên xin được xuất gia học đạo tu hành, rồi khéo léo tìm cách tiếp cận với vị Quốc Sư khả kính. Nhưng sau một thời gian, Huyền Quang nhận ra Thị Bích không phải là cô gái chuyên tâm học đạo, lại còn lẳng lơ đùa cợt với Sư, nên ngài quyết định cho đuổi về quê lấy chồng, bảo đến khi già mới được vào chùa tiếp tục tu hành. Trước đó, vốn giỏi thơ Nôm, nàng Điểm Bích sáng tác một bài thơ thật hay chủ ý quyến rũ lòng dục của vị cao tăng bậc nhất lúc bấy giờ.

“Vằng vặc trăng mai ánh nước,

Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.

Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,

Mâu Thích ca nào thử hữu tình”

Nhan sắc không lay chuyển được lòng dục của Huyền Quang. Nàng Điểm Bích thông minh lại nghĩ ra một mẹo khác. Thương cảm trước việc gia đình cô gái đáng thương (hoàn cảnh do Điểm Bích bịa ra), Quốc sư Huyền Quang ban cho nàng một lượng kim tử, để mang về giúp đỡ gia đình tai qua nạn khỏi. Mọi tăng ni trong chùa cũng đồng tình hưởng ứng, tùy theo mỗi người, ai cũng mở lòng từ bi giúp đỡ. Điểm Bích trở về trình vua kim tử đã có được. Nghĩa là nàng đã thành công, đã lay chuyển được lòng dục của Huyền Quang. Vua có ý không vui. Ngài than rằng: “Việc này nếu có thực thì đó là cái kế ngang qua cửa mà giăng lưới bắt chim của ta, còn nếu không thì ông ta cũng khó tránh mối ngờ “ngồi xỏ dày trên đám ruộng dưa”…

Ít ngày sau, vua Anh Tông cho mở hội Vô Già ở phía tây kinh thành Thăng Long, bày biện các nghi thức đàn tràng, rồi sai sứ giả thỉnh Huyền Quang về triều. Vị cao tăng Quốc Sư vội vã về ngay, rồi vào đàn tràng, trông thấy những thứ bày biện trên bàn, ngài hiểu ngay việc cung nữ Điểm Bích thử mình dạo trước, liền ngửa mặt than thầm. Sau, Huyền Quang lên đàn 3 lần, lại xuống đàn 3 lần, rồi ngài đứng ngay giữa đàn vọng bái thánh hiền mười phương tám hướng. Tay trái ngài cầm bình bạch ngọc, tay phải ngài cầm cành dương xanh, niệm và tẩy tịnh trên dưới trong ngoài khắp nơi xung quanh đàn tràng. Một chốc, bỗng thấy một đám mây đen cồn lên ở phía Đông Nam, gió cuốn bụi bay tối sầm cả trời đất. Lát sau, cơn nổi giận của thiên nhiên lặng ngắt. Các thứ tạp vật mà nhà vua cho bày biện trước đó bay đâu hết chả còn gì. Chỉ duy nhất còn lại hương đăng lục cúng mà thôi. Mọi người xem hội ai cũng kinh hoàng, thất sắc.

Vua Anh Tông thấy tấm lòng trung thực, đạo hạnh sáng ngời của Thiền sư đã cảm thấu đến cả trời đất, cả quỷ thần. Nhà vua liền rời chỗ ngồi xuống cầm tay Huyền Quang tạ lỗi. Sau đó, ngài quay ra trừng phạt cung nữ Điểm Bích, bắt làm tì nữ chuyên quét dọn một ngôi chùa trong nội điện cung Cảnh Linh. Từ đó, Anh Tông càng thêm tôn kính Huyền Quang.

Huyền Quang chỉ là pháp danh của vị Trạng nguyên Lý Đạo Tái (1251-1334), người làng Vạn Tải, nay là xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Huyền Quang từng đỗ thứ nhất một kỳ thi Đình dưới triều Trần, làm quan ở Hàn Lâm Viện một thời gian ngắn, rồi ngài theo chân vua Phật Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành ở chùa Vân Yên. Chùa Vân Yên ở núi Yên Tử đến đời Hậu Lê (Lê Thánh Tông) thì đổi tên thành chùa Hoa Yên. Nguyễn Trãi có một bài thơ rất hay khi tới đây vãng cảnh chùa.

Huyền Quang được Pháp Loa truyền y bát, trở thành vị tổ thứ ba trong TRÚC LÂM TAM TỔ. Ngài vừa là cao tăng, vừa là một thi sĩ lãng mạn trữ tình đặc sắc. Thơ Huyền Quang rất gần gũi với đời thường. Ngài có biệt tài miêu tả thiên nhiên, thể hiện một tình yêu sâu sắc và phóng khoáng với thiên nhiên đất nước. Cái lãng mạn bay bổng hòa điệu với hiện thực tinh tế, làm nên sự khác biệt với thơ Thiền nghiêm nhặt lúc đương thời. Vậy nên, tôi cho rằng Huyền Quang thi sĩ hơn là một cao tăng chính hiệu ! Thì đây nhé:

Một lá thuyền con, một khách hải hồ,

Chèo ra khỏi rặng lau, nghe tiếng gió xào xạc.

Bốn bể mịt mù, con nước buổi đang lên,

Một chim âu trắng bay lượn giữa khoảng nước trời mênh mang.

(TRONG THUYỀN- Dịch nghĩa)

Tôi dịch ra thơ lục bát bài thơ rất đáng yêu này:

Thuyền con ôm khách hải hồ,

Chèo qua lau lách gió xô xạc xào.

Mịt mù con nước lên cao,

Một chim âu trắng lạc vào hư không.

Huyền Quang viên tịch tại chùa Côn Sơn, huyện Chí Linh (Hải Dương) ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334). Vua Minh Tông cúng 10 lạng vàng để xây mộ tháp cho Huyền Quang phía sau chùa Côn Sơn, ban tên thụy là Trúc Lâm Thiền sư đệ tam đại, lại đặc phong tự pháp là Huyền Quang Tôn giả. Huyền Quang trụ trì mấy năm ở chùa Thanh Mai (Hải Dương), sau lại về trụ trì chùa Côn Sơn và viên tịch ở đó…

Trải biết mấy gió mưa, gạch đá vẫn chưa mòn. Người như ve sầu thoát xác. Nhưng hình bóng vị cao tăng vẫn thấp thoáng trên núi Côn Sơn, trên Ngũ Nhạc Sơn kỳ bí. Thơ Huyền Quang còn lại không nhiều, nhưng đó là những báu vật vô giá, còn mãi đến muôn sau !

***

TRÔNG VỀ NGUYÊN LĂNG

Lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, cũng như lịch sử các triều đại phong kiến trên khắp thế giới, đều có chung một quy luật tất yếu: Hưng thịnh rồi suy tàn. Những cuộc phế hưng như vậy, diễn ra không ngừng không nghỉ. Và cũng vô vàn những kiểu cách khác nhau, nồng độ đậm nhạt cũng khác nhau...

Triều đại nào rồi cũng hết thịnh thì đến suy. Chỉ có thời khắc chuyển giao lịch sử thì muôn hình nhiều vẻ. Có cuộc tranh đoạt diễn ra đẫm máu, vô cùng tang thương, máu chảy thành sông, xương phơi đầy nội, khiến không biết bao nhiêu gia đình, dòng họ phải gánh chịu thảm cảnh ghê gớm. Đầu rơi máu chảy. Nội chiến huynh đệ tương tàn, xiết bao đau đớn, xem ra phần nhiều đều là như vậy đấy !

Nhưng trong thực tế cũng có những chuộc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách ngọt ngào, êm thấm, không hề tốn xương tốn máu vô ích. Ở nước Đại Việt ta, độc đáo nhất, êm đềm nhất, chính là cuộc chuyển giao chính quyền từ nhà Hậu Lý sang nhà Trần, thông qua một cuộc hôn nhân đầy thú vị giữa vua gái Lý Chiêu Hoàng và cậu trai hầu cận Trần Cảnh, khi mà đôi trai tài gái sắc này còn đang ở độ tuổi trẻ con, hoàn toàn vô tư trong sáng…Duy chỉ có “đạo diễn” thiên tài Trần Thủ Độ thì biết rằng đây là cơ hội có một không hai. Hoặc là được thì được tất cả. Hoặc là thua thì sẽ thua đau đớn ê chề. Hoặc không là gì cả ! Một cuộc chơi, đúng hơn là một canh bạc chính trị vô cùng mạo hiểm. Nhưng mà khi cơ hội đã hé ra rồi, thời cơ chiến lược đã đến kia rồi, “Thiên đình” đã bật tín hiệu đèn xanh cho qua rồi, thì không thể không nhanh tay mà giành ngay lấy…

Công bằng mà nói, nhà Hậu Lý tồn tại hơn hai trăm năm (909-1225), dài nhất và thời kỳ thịnh trị cũng rất dài. Đất nước từ ĐẠI CỒ VIỆT, đến ĐẠI VIỆT hùng cường, mạnh mẽ dần lên về nhiều mặt. Những anh hùng dân tộc, tài năng quân sự kiệt xuất như Thái úy Lý Thường Kiệt (1019-1105), Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179) một nhà chính trị tài giỏi v.v…chính là những rường cột, “lương đống” cho xã tắc, cho vương triều nhà Hậu Lý, bảo vệ vững chắc biên cương lãnh thổ nước Đại Việt ta.

Chỉ nói riêng về quân sự, Lý Thường Kiệt biết địch biết ta. Biết kẻ thù âm mưu tập trung binh lực ở khu vực biên giới phía Bắc, ông trực tiếp tung quân đánh chặn chúng ngay từ khi chúng chưa kịp ổn định. Quân đội Đại Việt dũng mãnh xuất quỷ nhập thần, tung hoành khắp châu Ung, châu Liêm, đến tận Trường Sa trên đất giặc. Đội quân voi chiến được chở bằng bè mảng, lợi dụng gió nồm nam, biển đêm nhiều sương mù, bất ngờ đổ bộ lên bờ, xông lên đè nát quân địch. Chúng ngơ ngác như đang ngủ mơ, khiếp đảm kinh hồn, những tưởng quân nhà trời sai xuống để trừng trị chúng. Chính nhà Tống ở phương Bắc lúc bấy giờ còn phải học hỏi rất nhiều ở nghệ thuật quân sự của nước Đại Việt ta. Họ hoàn toàn tâm phục, khẩu phục, nên hai nước mới giữ được hòa hiếu bình đẳng lâu dài như thế.

Thế nên mới hay rằng, khi nào chúng ta mạnh mẽ thì kẻ thù phương Bắc thường e sợ, không dám liều lĩnh sang lấn cướp nước ta. Ngược lại, khi nào chúng ta suy nhược, nội bộ chia rẽ, triều đình để mất lòng dân, thì kẻ thù có ngay cơ hội giương đôi mắt cú diều nhòm ngó xuống phương Nam…

Nhưng mà, như trên đã nói, triều đại nào thì cũng hết thịnh thì sẽ đến suy. Thường thì các vị vua sáng lập vương triều, phần nhiều anh minh tài giỏi, lại tập hợp được xung quanh mình những hiền tài lỗi lạc như sao Khuê sao Đẩu. Ai cũng tự nguyện đem hết sức mình cống hiến cho đất nước, thậm chí hy sinh đến cả hạnh phúc cá nhân. Ví như Lý Thường Kiệt là một điển hình sinh động. Sao vậy ?

Xin nói cho rõ thêm. Người anh hùng dân tộc làm vẻ vang cho nước nhà ấy, tên thật là Ngô Tuấn. Vì muốn giữ được lòng tin với người cầm quyền, Ngô Tuấn đã tự nén chịu nỗi đau cùng cực, tự thiến, tức tự nguyện làm Thái giám, tức cũng tự nguyện hy sinh hạnh phúc của riêng mình, để có được niềm tin tuyệt đối với nhà vua, với vương triều. Mục đích đơn giản chỉ là để có cơ hội tốt nhất, đem hết tài năng cống hiến cho đất nước Đại Việt. Là bởi vì thời đã thế thì đành phải cầm lòng mà hy sinh như thế đấy thôi. Ôi chao ! Thiên hạ có được mấy người như ông ? Được mang quốc tính, tức được cái vinh hạnh mang họ nhà vua, họ Lý, đương nhiên đấy cũng không phải là mục đích tối thượng của người anh hùng chí lớn, vì nước, thương dân. Thật là đáng ngưỡng mộ lắm thay ! Sự nghiệp phá Tống bình Chiêm lúc bấy giờ, không phải do Lý Thường Kiệt nắm vai trò chủ chốt, thì còn ai nữa ? Cái mất không hề là nhỏ bé của cá nhân, đổi lấy cái được to lớn cho đất nước, biết cân đo thế nào cho phải nhẽ ?...

Nhưng mà đến các đời vua sau, kể từ vua Lý Cao Tông (1173-1210) trị vì, thì nhà Hậu Lý bắt đầu suy yếu. Vua Cao Tông chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, đắm chìm trong váy lĩnh quần hồng, bỏ bê việc triều chính. Nạn tham quan cứ nhẩn nha lớn dần lên, béo dần lên, rồi lây lan dần ra như một thứ bệnh dịch truyền nhiễm rất khó ngăn. Phật giáo, được xem là quốc giáo, là chỗ dựa tinh thần của quốc gia thì đã tệ hại đến mức suy đồi nghiêm trọng. Nhân dân khắp các xứ đói khổ lầm than. Hào kiệt ở khắp nơi ầm ầm nổi dậy cát cứ, xưng hùng xưng bá, binh đao không dứt. Đến Lý Huệ Tông (1194-1224) thì vương triều tan rã, không sao cứu vãn được. Triều Hậu Lý đã hết vai trò lịch sử. Sự chuyển giao quyền lực sang nhà Trần, khiến đất nước dần được củng cố và vững mạnh, đủ sức đương đầu với giặc Nguyên Mông kiêu hùng nhất thế giới lúc bấy giờ…Chẳng phải vận nước đã lại lật sang trang mới huy hoàng rực rỡ, theo hướng đi lên tích cực hay sao ?

Vương triều Trần hưng thịnh, bền vững, nhờ những chính sách tiến bộ về nhiều mặt, đặc biệt là chính sách về kinh tế, cấu trúc xã hội bền vững. Triều đình có hai vua (nhị Thánh). Vua cha nhường ngôi cho vua con, lên làm Thượng hoàng. Vua con có cơ hội để tập sự điều hành chính sự quốc gia. Nhưng vua cha tiếng là lui về nghỉ ngơi, mà vẫn ở bên cạnh vua con, theo dõi và chỉ đạo mọi hoạt động điều hành chính sự. Nếu anh vua con kém tài, kém đức, thì sẽ bị “thanh lý” ngay lập tức. Sẽ có ngay một anh Hoàng tử khác lên thế chỗ. Mà thêm ẩn ý thâm sâu nữa, xã tắc có vua rồi thì còn ai dám nhòm ngó tranh chấp nữa cơ chứ.

Đấy ! chả đâu xa,bài học nhãn tiền kia, ngay ở triều Hậu Lý, Khi Thái Tổ Lý Công Uẩn băng hà, đã thấy các Hoàng tử tranh nhau ngồi lên ngai vàng. Một cuộc thanh trừng đẫm máu đã diễn ra. Có anh phải rơi đầu ngay trước cửa cung điện hoàng gia. Có anh được tha thì phải đổi sang họ khác, đẩy ra một vùng xa vùng sâu nào đó, cho tiệt cái nọc thèm muốn ngai vàng đua tranh quyền lực. Đau đớn vô cùng. Nhà Trần “chơi kiểu hai vua”, thật là nhất cử lưỡng tiện. Lại hóa hay !

Ở đời Trần, các vương hầu được phong thái ấp riêng, có quân đội riêng. Hệ thống quản lý xã hội lúc bấy giờ tạo điều kiện cho các vùng miền được tự do phát triển kinh tế theo đặc điểm địa lý và thổ nhưỡng đặc thù, phát huy được thế mạnh của vùng miền. Tuy nhiên, các vương hầu đều phải chịu sự quản lý thống nhất của nhà vua, của triều đình trung ương. Khi đất nước bình yên thì quân đội vẫn tham gia làm kinh tế trong các thái ấp của Vương, Hầu. Nhưng khi có chiến tranh thì triều đình huy động toàn bộ lực lượng của các Vương Hầu, thống nhất dưới sự chỉ huy của Tiết chế toàn quân, ví như Thống soái Tổng tư lệnh quân đội vậy ! Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Thái sư Trần Thủ Độ là thống soái tối cao, chỉ huy quân dân nhà Trần đánh bại giặc Nguyên Mông cường bạo. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288) thì Thống soái tối cao là Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Chính sách “dĩ binh ư nông” hoặc “dĩ nông ư binh” uyển chuyển, tạo ra thế nước vững mạnh cả về kinh tế, chính trị và quân sự, đủ sức đánh bại giặc Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc đất nước Đại Việt. Đánh giá về nguyên nhân thành bại ở đời Trần, lão thần thi sĩ Trương Hán Siêu đã viết trong BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ, một áng “thiên cổ hùng văn” bất hủ:

“Giặc tan, muôn thuở thanh bình,

Phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao” !

Ba yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ở đời nhà Trần chống giặc Nguyên Mông đều có cả. Vậy thì cái mà cụ Trương nói rằng “Đức cao” ở đây là gì nhỉ ?

Chúng ta có đất hiểm thì dễ hiểu rồi. Đấy chính là núi sông đất nước của ta, vô cùng hiểm yếu. Sông ngòi chằng chịt, khí hậu nhiệt đới thuộc về ta. Núi non đan xen như lũy như thành, tạo thế phòng thủ chiến lược hiếm có. Quân giặc thì ngược lại. Chúng từ xa đến, không quen thủy thổ. Chúng rất thiện chiến về kỵ binh. Đối đầu với chúng về kỵ binh và bộ binh trên chiến trường bằng phẳng mênh mông là bất lợi với ta. Trận chiến trên cánh đồng Bình Lệ Nguyên bên sông Cà Lồ do đích thân vua trẻ Trần Thái Tông hăng hái chỉ huy, đã thất bại, chẳng phải đã cho thấy rõ bài học xương máu đó hay sao ! Nhưng quân ta giỏi thủy chiến. Đất hiểm đối với ta là thủy thổ quen thuộc. Kẻ địch từ xa đến, chỉ muốn đánh nhanh thắng nhanh. Trận chiến kéo dài thì việc cung cấp hậu cần cho quân đội sẽ rất khó khăn đối với kẻ địch từ phương xa tới. Ta có mưu lược và chiến thuật hợp lý. Bị động lúc đầu khi giặc hùng hổ tấn công ồ ạt, sau đó thì giằng co cầm cự với chúng, rồi mạnh mẽ tiến công giành thế chủ động trên khắp chiến trường.

Rút lui cũng là một bước lùi chiến lược. Đồng thời đấy cũng là một nghệ thuật quân sự. Chẳng phải thế hay sao, khi giặc tiến như vũ bão, cả triều đình cũng phải sơ tán bí mật, khẩn cấp. Là để bảo toàn lực lượng, tính kế lâu dài. Lúc nguy khốn, giặc cuồng bạo cứ săn đuổi hoài, hai vua Trần (Thánh Tông và Nhân Tông) phải bí mật lui về hành cung Lưu Đồn, có căn cứ thủy quân A Sào ở vùng biển Thái Bình ngày nay, rồi lên thuyền chạy ra biển, xuôi vào Thanh-Nghệ. Vua Trần Nhân Tông cũng đã cho xây dựng một hành cung bí mật nữa trong vùng núi non Ninh Bình, đó chính là hành cung Vũ Lâm. Hình như, hành cung Vũ Lâm chưa bao giờ phải dùng đến.

Trên đường rút lui vào Thanh-Nghệ, vua Trần Nhân Tông đã cảm khái viết hai câu thơ lên mạn thuyền rồng, còn truyền mãi đến mai sau:

“Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Ái do tồn thập vạn binh:” !

(Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ / Ở châu Hoan, châu Ái ta còn hàng chục vạn quân) !

Châu Hoan, tức vùng Nghệ An. Châu Ái, tức Thanh Hóa ngày nay. Cối Kê là nơi Việt Vương Câu Tiễn bị nước Ngô đánh bại. Nhưng cũng từ đây, được Phạm Lãi và Văn Chủng giúp mưu lược, trong đó, đặc biệt nhất là kế dùng người đẹp Tây Thi để mê hoặc Phù Sai, đồng thời dùng bạc vàng mua chuộc bọn quan tham, chia rẽ nội bộ nước Ngô, khiến cho Tể tướng Ngũ Viên rường cột của nước Ngô phải chết uất ức không nhắm mắt. Ngũ Tử Tư (Ngũ Viên) dặn con trước khi tự sát theo lệnh của Phù Sai, rằng ông chết rồi thì phải khoét lấy đôi mắt của ông đem treo lên cửa thành phía Đông, để ông được nhìn thấy quân Việt rầm rập tiến vào tiêu diệt tên vua Phù Sai ngu muội. Căm hận kẻ vong ân bội nghĩa đến thế là cùng. Câu Tiễn cam chịu khổ nhục nếm mật nằm gai, nuôi chí báo thù. Cuối cùng Câu Tiễn diệt được Phù Sai nước Ngô, làm bá chủ một phương. Đây là chuyện của nước Tàu thời Chiến Quốc. Nói chuyện bên Tàu cho chúng nó nghe, đồng thời cũng là tiếng nói cảnh báo và thể hiện ý chí nhất định sẽ chiến thắng kẻ địch hùng mạnh, kiêu ngạo và hung hãn. Rằng, trong một ngày không xa nữa, chúng bay cũng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã mà thôi !…

Binh pháp tuyệt vời nhất là toàn dân tộc đoàn kết một lòng, tiến lui bảo toàn lực lượng chờ cơ hội phản công, tung hết sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng quyết định.

Hội nghị Diên Hồng là một cách trưng cầu dân ý. Hội nghị Bình Than là một cách tập hợp trí tuệ và khẳng định quyết tâm chiến lược.

Nhưng “đất hiểm” cũng chỉ mới là một trong ba yếu tố quan trọng. Ta còn có “nhân hòa”, tức lòng dân muôn người như một. Vua tôi, anh em trong hoàng tộc đoàn kết một lòng. Tất cả đã tạo ra hào khí Đông A (Đông+A=Trần), hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc Đại Việt. Chúng ta cũng có “Thiên thời”, tức thời cơ thuận lợi. Vậy nên, “Đức cao” ở đây, chính là sự tổng hợp hài hòa của cả ba yếu tố trên, của chính nghĩa sáng ngời, của ý chí quyết tâm cao độ, của quân đội thiện chiến và lãnh đạo tài năng, của “tướng sĩ một lòng như cha con”… Khi đã tạo được thế nước vững mạnh như thế, ngay cả lúc nguy cấp nhất, nhà vua lo lắng không yên, Tiết chế thiên tài Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn nói rằng: “Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy chém đầu tôi đi đã” ! Và tới lần thứ ba (1288), vua hỏi liệu có đánh thắng giặc mạnh trong trận chiến này được không ? Hưng Đạo Đại Vương bình tĩnh tự tin trả lời, rằng “Năm nay đánh giặc nhàn” !

Thế đấy ! Biết ta, biết địch, nắm chắc phần thắng trong tay, quyết đánh và quyết thắng, đó chính là bản lĩnh thiên tài của người anh hùng dân tộc, Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vậy !

Nhà Trần có dấu hiệu suy vi từ thời vua Trần Minh Tông. Đặc biệt là từ vụ án oan sai thảm khốc. Ông vua trẻ tuổi Trần Minh Tông mắc mưu bọn gian thần Văn Hiến Hầu và Đỗ Khắc Chung, giết nhầm bố vợ mình là Quốc Phụ Thượng Tể Trần Quốc Chẩn, cũng là chú ruột của nhà vua, dẫn đến thảm họa khôn lường. Tầng lớp quý tộc quan lại cao cấp bắt đầu phân hóa từ đó. Lợi ích nhóm cũng bắt đầu từ đó !

Hóa ra, trong chiến tranh, anh có những thời khắc để có thể làm nên danh tiếng, rồi theo đó là quan cao lộc hậu. Thế nhưng, trước đặc lợi đặc quyền thiết thân, anh vẫn có thể đổ sụp trước danh lợi bạc vàng, quên hết lợi ích quốc gia dân tộc bất cứ lúc nào. Anh tự biến thành kẻ thù của nhân dân. Anh tự tha hóa, tự đánh mất mình, tự biến thành kẻ tội đồ nguy hiểm và hèn hạ. Thời xưa thế và thời nay cũng chả khác gì nhau. Con người là gì nhỉ ? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời…

Tùy bút của Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tram-tich-dong-trieu-tiep-theo-70773