Trạm thu phí lại thành... trạm thu phí!

Bộ Giao thông Vận tải vừa lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ. Trong thông tư này, Bộ Giao thông đã trả lại tên cho trạm thu phí!

Đáng lưu ý, trong thông tư này, Bộ Giao thông Vận tải sau nhiều lần đề xuất sửa đổi, đã hoàn lại tên cho trạm thu phí. Cụ thể, Dự thảo định nghĩa Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.

Dự thảo Thông tư cũng quy định Trạm thu phí phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ Giao thông vận tải.

 Trạm thu phí từng được đồng loạt đổi tên thành trạm thu giá. Ảnh: Nhật Lâm

Trạm thu phí từng được đồng loạt đổi tên thành trạm thu giá. Ảnh: Nhật Lâm

Vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.

Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí.

Đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu phí do cấp quyết định đầu tư chấp thuận sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Dự thảo thông tư mới quy định vị trí đặt trạm thu phí phải được công khai ngay khi công bố dự án, được cấp thẩm quyền phê duyệt; công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí.

Cơ quan nhà nước phải công khai vị trí đặt trạm tại trụ sở UBND quận/huyện, phường/xã nơi dự kiến đặt trạm thu phí.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của đơn vị thu tiền là bảo trì công trình, tổ chức giao thông an toàn, thông suốt. Đơn vị này phải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông.

"Số phận" của tên gọi trạm thu phí khá long đong. Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng tên gọi "trạm thu giá" thay cho "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cụm từ "trạm thu giá" bị phản đối vì không có nghĩa, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.

Tháng 5/2019, Bộ Giao thông Vận tải lại lấy ý kiến dự thảo thông tư hoạt động trạm thu phí với tên gọi được sửa đổi là "trạm thu tiền"; tên gọi mới này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều và dự thảo lần này đã trả lại tên "trạm thu phí".

Hiện nay, trên toàn quốc có 88 thạm thu phí, trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh và thành phố quản lý 15 trạm.

Trong 73 trạm này có đến 17 trạm thu phí BOT có bất cập về vị trí, khoảng cách, mức thu giá dịch vụ...

17 trạm có bất cập về vị trí, như: Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); Nam Cầu Giẽ (Hà Nam); Bến Thủy (Nghệ An); Quán Hàu (Quảng Bình); Trảng Bom (Đồng Nai); Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng); Cai Lậy (Tiền Giang); Quốc lộ 6 Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên...

Nhật Lâm

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201908/tram-thu-phi-lai-thanh-tram-thu-phi-638738/