Trạm thu phí bỏ hoang 2 năm giữa quốc lộ 1A, hai Bộ đang xem xét

Ngừng hoạt động hơn hai năm nay, nhưng trạm thu phí Cầu Rác ở Hà Tĩnh vẫn chưa được tháo dỡ, gây mất mỹ quan. Thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Năm 2005, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh do Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư.

Công trình được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng chiều dài hơn 16km. Đến tháng 5/2009, công trình hoàn thành, công ty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm thu phí Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Trạm thu phí Cầu Rác bỏ hoang nhiều năm nay

Trạm thu phí Cầu Rác bỏ hoang nhiều năm nay

Lượng xe lưu thông qua khu vực này rất nhiều

Năm 2016 - 2017, người dân đã nhiều lần phản đối trạm thu phí đặt không đúng chỗ. Họ cho rằng phải bỏ phí mua vé qua trạm mặc dù không đi mét đường BOT nào.

Ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng hoạt động để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án. Từ đó đến nay, hơn 2 năm trôi qua, trạm thu phí vẫn chưa được tháo dỡ đã gây cản trở giao thông, mất mỹ quan.

Theo quan sát của PV, trạm thu phí bỏ hoang nhiều năm, công trình đã nhiều điểm xuống cấp. Các cột xi măng bong tróc, trầy xước do các xe tải va quệt, tiềm ẩn tai nạn...

Ông Bùi Xuân Hoa (60 tuổi, trú xã Cẩm Trung) cho rằng, trạm thu phí không tháo dỡ gây cản trở giao thông

Ông Bùi Xuân Hoa (60 tuổi, trú xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: "Nhà tôi ở gần trạm thu phí Cầu Rác này chứng kiến nhiều vụ tài xế tự tông vào trạm. Cách đây hai năm, tôi đi xe máy cũng bị tai nạn ở khu vực này, nhưng may bị thương nhẹ. Tôi mong muốn sớm tháo dỡ vị trí này để người dân an tâm đi lại”.

Anh Tô Ngọc Quân (trú Ninh Bình), là tài xế thường xuyên điều khiển xe container đi qua khu vực này cho hay, trạm đã ngừng hoạt động thì nên tháo dỡ. Đường qua lại chật hẹp, nhiều tài xế giảm tốc đột ngột rất nguy hiểm.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra ở trạm thu phí

Tài xế tự tông xe vào trạm khiến đầu xe tải nát bét

Không có biển cảnh báo?

Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (Cục quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho biết, cuối tháng 12/2020, đơn vị đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận lại tài sản dự án do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên đến nay trạm thu phí Cầu Rác chưa tháo dỡ do còn phải làm thủ tục chuyển giao tài sản.

“BOT là tài sản của DN. Sau khi thu đủ tiền để làm đường thì họ dừng thu phí, trạm thu phí đó bàn giao lại tài sản cho nhà nước.

Đến nay, Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét xác nhận là tài sản đó thuộc sở hữu toàn dân. Sau đó mới có các quyết định liên quan đến trạm thu phí”, ông Giang nói.

Ô tô va quệt vào dải phân cách ở trạm thu phí bỏ hoang

Cột bê tông trụ trạm bị xe tông trầy xước

Ông Giang cho rằng, từ khi dừng trạm thu phí, công tác đảm bảo an toàn giao thông vẫn được thực hiện, vẫn có đèn cảnh báo, có hệ thống điện chiếu sáng ban đêm.

Còn theo Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đội trưởng Đội CSGT khu vực phía Nam (Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh), từ tháng 12/2019 đến nay đã xảy ra 3 vụ tai nạn do tài xế tự đâm vào trạm thu phí Cầu Rác.

“Chúng tôi đã có 2 công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty Sông Đà đề xuất tháo dỡ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời”, Trung tá Mạnh nói.

Phòng thu vé bị xe tông vỡ kính

Dải phân cách cứng ở giữa trạm bị xe tông xô lệch

Người dân giải cứu hàng hóa sau khi xe gặp nạn

Người dân phơi rơm rạ cạnh trạm thu phí

Theo trung tá Mạnh, khu vực này được coi là điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi mố cầu và trạm xây dựng giữa đường. Lối đi lại hẹp, không có đèn cảnh báo.

"Chúng tôi đề nghị phải tháo dỡ kịp thời, và phải có biện pháp giảm thiểu rủi ro. Nếu chưa tháo dỡ thì phải lắp hai chiếc đèn vàng ở đầu mố cầu để báo hiệu cho tài xế...”, Trung tá Mạnh đề xuất.

Thiện Lương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tram-thu-phi-bo-hoang-2-nam-giua-quoc-lo-1a-hai-bo-dang-xem-xet-731780.html