Trăm năm nhà cổ

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện còn 46 nhà với kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống có niên đại xây dựng trước năm 1900, được các thế hệ con cháu nối tiếp nhau gìn giữ. Nhà cổ ở BR-VT được xem như một phần quan trọng của kho tàng văn hóa kiến trúc quý giá mà cư dân địa phương tạo dựng được trong quá trình mưu sinh và khai khẩn vùng đất phương Nam.

Ông Phan Văn Phên (giữa) tiếp khách trên bộ phản giữa ngôi nhà 113 năm tuổi.

Ông Phan Văn Phên (giữa) tiếp khách trên bộ phản giữa ngôi nhà 113 năm tuổi.

“LẤY VỢ HIỀN HÒA, XÂY NHÀ HƯỚNG NAM”

Hơn 100 năm nhưng ngôi nhà cổ ở tổ 17, ấp An Trung, xã An Nhứt, huyện Long Điền vẫn còn nguyên vẹn từ kiến trúc đến vật dụng trong nhà. Đó là nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Phên (73 tuổi, còn gọi là Tư Phên) là đời thứ 4 sống trong căn nhà cổ 3 gian, 2 chái này.

Ngôi nhà có niên đại 113 năm đã ngả màu thời gian ấy nằm yên bình trên diện tích hơn 3.000m2 trong một con hẻm nhỏ. Phía trước sân nhà, ông Tư Phên đặt cái lu nước và trồng rất nhiều hoa mười giờ. Buổi sáng khi chúng tôi đến, ông Tư Phên đang mải mê chăm những chậu hoa, cây cảnh. Nét đẹp thanh bình này tưởng chừng chỉ còn lại trong những thước phim tư liệu xưa cũ nhưng đó lại là hình ảnh vẫn hiện diện mỗi ngày ở gia đình ông Tư Phên.

Dừng việc trong chốc lát, ông Phên khệ nệ bê chiếc ấm tích đựng nước chè xanh được ủ ấm trong giỏ đặt lên bộ phản nhẵn lì. Ly nước chè xanh rót ra thơm phức mùi lá dứa và gừng tươi. Vừa nhâm nhi ly nước, ông Phên từ tốn kể: “Tổng thể căn nhà theo hình chữ Đinh với lối kiến trúc thuần Việt cổ 3 gian, 2 chái. Mặt tiền nhà quay về hướng Nam theo thuật phong thủy - Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam”. Ông Phên kể tiếp, năm 1896, ông cố Tư Phên tên là Phan Văn Thông đã đích thân đi khắp nơi chọn mua các loại gỗ căm se, gõ đỏ, gỗ sao, gỗ dầu… rồi chọn một đội “thợ Thủ” (ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với tay nghề giỏi nức tiếng đảm trách vai trò chính yếu trong xây cất nhà và trang trí nội thất. Điều đặc biệt nhất của ngôi nhà này là ngôi nhà được nhóm thợ lành nghề xây dựng trong vòng 10 năm ròng rã. Theo lời kể của ông Tư Phên thì thời đó, ông cố đã mời nhóm “thợ Thủ” hơn 20 người về ăn ở trong nhà để đục đẽo, chạm khắc. Không thua gì thợ mộc xứ Ngũ Quảng (ám chỉ 5 tỉnh gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế) những nghệ nhân “thợ Thủ” khéo léo tài hoa đã chạm trổ kỳ công trên những thân cột, rường, kèo, mái nhà để cho ra hình long lân quy phụng, song long chầu nguyệt hay những câu chuyện về nhân - lễ - nghĩa- trí - tín… mang những ý tưởng về một cuộc sống thanh bình, nhàn hạ, đậm đà tình quê hương, nghĩa đồng bào.

LƯU GIỮ QUA CÁC THẾ HỆ

Theo ông Tư Phên, dù ngôi nhà đã hơn 100 năm tuổi nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi, một phần nhờ kỹ thuật ráp nối của người xưa, phần nữa nhờ ý thức bảo quản của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở bộ kèo, vách cửa và ô trám. Nhà có 3 cửa chính, trong đó các cánh cửa cái ngôi nhà đều sử dụng cửa bản nguyên tấm, có then gỗ gài bên trong theo kiểu “then cài cửa đóng” của những ngôi nhà giàu có thời xưa. Vào bên trong ngôi nhà, có cảm giác yên bình và thân thuộc, bởi lối kiến trúc đậm chất Việt, thể hiện sự mềm mại với đường nét chạm khắc tinh xảo. Liên kết các cột giữa những gian nhà là hệ thống bao lam được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, mô tả các loại hình sinh hoạt dân gian và văn hóa tín ngưỡng con người phương Nam, với hình ảnh núi, sông, cây cối, chim thú... Hệ thống cột kèo toàn bằng danh mộc quý hiếm. Trên các đầu kèo, đầu đòn, kể cả những chi tiết nhỏ trong các ngóc ngách đều chạm khắc kỳ công theo kiểu tứ linh, mai - điểu, liễu - phụng. Hai bên cột cái và cột quân treo hai cặp câu đối.

Nội thất trong nhà được trang trí theo mô thức thống nhất, gồm bộ trường kỷ gỗ đen ở gian giữa phía trước bàn thờ, hai gian nhà hai bên bày hai bộ ván ngựa. Các vật dụng khác như: thành vọng, bàn, ghế, phản, tủ thờ làm từ các loại gỗ quý được các thế hệ trong gia đình ông Tư Phên giữ gần như nguyên vẹn cho đến hôm nay. Hiện nay ngôi nhà vẫn còn giữ được mái ngói âm dương và nền gạch tàu cũ. Ngoài ra, trong nhà còn có 14 bức liễn được chạm xà cừ tinh tế. Phía trước hiên nhà bố trí hòn non bộ và vài chậu cây cảnh tạo nên không gian tươi xanh. “Phải là khách quý, tin cậy tui mới mở cửa mời vào. Tui không đón khách lạ vì muốn những gì trong ngôi nhà này được gìn giữ để những người có tâm, thật sự yêu mến kiến trúc nhà cổ tìm hiểu và chiêm nghiệm”, ông Tư Phên nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201908/tram-nam-nha-co-867564/