'Trăm năm nguồn cội' khơi dậy tình yêu cải lương

Khác với những hoạt động hội thảo và liên hoan rầm rộ kỷ niệm 100 năm cải lương từng được làm suốt năm 2018, chương trình 'Trăm năm nguồn cội' thực hiện bằng hình thức xã hội hóa lại có sự thu hút đặc biệt đối với khán giả TP.HCM.

 Một cảnh trong chương trình “Trăm năm nguồn cội”.

Một cảnh trong chương trình “Trăm năm nguồn cội”.

Đại diên Green Horizon - đơn vị tài trợ chương trình “Trăm năm nguồn cội” chia sẻ: “Nhìn về kinh nghiệm của những quốc gia đã phát triển, chúng tôi tin rằng trong một xã hội càng hiện đại với nhiều cơ hội tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, nhu cầu tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc là có thật.

Trách nhiệm của chúng ta là khơi dậy, truyền cảm hứng để mọi người tìm về nguồn cội và có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa tốt đẹp đó.

Mục tiêu chương trình đặt ra là mong muốn giúp khán giả, nhất là các bạn trẻ, làm sao có thể hiểu thêm về cải lương, yêu mến và quan tâm đến cải lương. Họ chính là đối tượng gìn giữ cải lương.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để đưa khán giả trẻ đến với sân khấu cải lương nhiều hơn nữa”.

Với hai suất diễn đêm 13 và 14/7 vừa qua tại Nhà hát Bến Thành, công chúng tìm đến “Trăm năm nguồn cội” đã được thưởng thức bản chuẩn “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu, bài vọng cổ “Hàn Mạc Tử” của soạn giả Viễn Châu, trích đoạn cải lương “Đời cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang và trích đoạn vở cải lương “Câu thơ yên ngựa” của soạn giả Hoàng Yến.

Không chỉ nghệ sĩ tham gia, mà người xem cũng xúc động khi chứng kiến những tác phẩm của sân khấu truyền thống được dàn dựng lại một cách công phu và sáng tạo.

Đạo diễn Quang Thảo trực tiếp phụ trách chương trình “Trăm năm nguồn cội” nhấn mạnh: “Thái độ, tình cảm của khán giả là quan trọng nhất, bởi họ bỏ tiền và thời gian đến xem mình đã làm được gì với cải lương”.

Những thành công ban đầu của chương trình “Trăm năm nguồn cội” đang tạo ra nhiều hứng thú cho giới yêu cải lương. Vì vậy, những đêm diễn tiếp theo hứa hẹn sẽ đạt kết quả nhiều hơn mong đợi. Đêm 20/7 tại rạp Công Nhân, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn vở “Tân anh hùng náo” (tác giả, đạo diễn Bạch Mai) với sự tham giatcủa nghệ sĩ Bình Tinh, Hoàng Đăng Khoa, Hoài Nhung, Thái Vinh, Bảo Ngọc, Bạch Lợi…

Tiếp theo, đêm 26/7, tại Nhà hát TP.HCM, Sân khấu cải lương Đại Việt sẽ công diễn vở “Chuyện tình Khau Vai” (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu) với sự tham gia của các nghệ sĩ Phượng Loan, Lê Tứ, Quế Trân, Quang Khải, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Linh Trung. Và đêm 28/7, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu cải lương Chí Linh - Vân Hà sẽ công diễn vở “Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuận Dương” (tác giả Quang Nhã, đạo diễn Chí Linh) với sự tham gia của các nghệ sĩ Vân Hà, Tú Sương, Thúy My, Hoàng Hải…

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tram-nam-nguon-coi-khoi-day-tinh-yeu-cai-luong-post245434.html