Trăm năm di sản kiến trúc phú hộ Kiên Giang

Tòa nhà phú hộ tròn 100 tuổi có kiến trúc Pháp pha trộn với tinh hoa văn hóa bản địa đặc sắc hiện được sử dụng làm Bảo tàng tỉnh Kiên Giang tọa lạc tại một con phố nhỏ trong lòng thành phố Rạch Giá. Khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1920, đến nay, tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn các chi tiết kiến trúc nghệ thuật tinh xảo và trang nhã, xứng đáng là một viên ngọc quý của miền đất văn hóa - du lịch bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Bảo tàng Kiên Giang hiện nay. Ảnh: TTH

Bảo tàng Kiên Giang hiện nay. Ảnh: TTH

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đất Kiên Giang thập cảnh - phú hộ, giàu có cả cảnh đẹp và con người không còn giữ được các nhiều di sản vật thể. Duy nhất có ngôi nhà trong phường Vĩnh Thanh Vân, gần ngay bên bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đoạn con kênh đổ ra biển là còn nguyên vẹn. Có thể thấy một đặc điểm chung là các gia trang của phú hộ xưa đều gần ngay bờ kênh lớn, thuận tiện cho việc đi lại bằng thuyền, phương tiện giao thông chủ yếu thời bấy giờ.

Tòa nhà này vốn của ông Trần Nhuệ, một đại phú hộ lúc đó, sau để lại cho người con thứ 2 của ông là Trần Quang Chiêu (Ba Chiêu) sở hữu. Ngôi nhà bắt đầu khởi công xây dựng năm 1911 và hoàn thành, bắt đầu sử dụng từ năm 1920. Cho đến nay, ngôi nhà đã tồn tại tròn 100 năm và còn nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật cả hình khối và chi tiết. Hiện nay, 2 cây nhãn mà ông Trần Nhuệ đã trồng 2 bên sân ngôi nhà theo địa thế phong thủy vào đúng thời điểm xây nhà đến nay vẫn sống khỏe, ra trái hằng năm đều đặn.

Điều đặc biệt là trải qua nhiều thời kỳ, ngôi nhà được trưng dụng nhiều mục đích khác nhau, nhưng luôn “bén hơi người”. Tại đây, lúc nào cũng có mật độ người tập trung lại đông đúc và cũng có thể vì thế, ngôi nhà được “để mắt” bảo quản nguyên vẹn, không hề có dấu hiệu xuống cấp hoặc hoang lạnh.

Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 2.000 mét vuông, từ bậc tam cấp đi lên chính giữa ngôi nhà là gian từ đường. Hai gian 2 bên là không gian ở, sinh hoạt. Ngoài ra, có bếp, sân nhà. Bên ngoài ngôi nhà xây dựng kiểu kiến trúc Pháp đắp nổi các chi tiết trang trí văn hóa châu Âu, nhưng bên trong ngôi nhà dựng cột, vì kèo và các bình phong, tấm trang trí kiểu nhà phú hộ phong kiến bằng gỗ gõ đỏ, căm xe. Các chi tiết chạm khắc gỗ trong nhà là nghệ thuật điêu khắc mỹ nghệ gỗ của thợ làng nghề miền Bắc do chủ nhà thuê vào đây thi công.

Toàn bộ đá móng và đất san nền được lấy ở biển và dùng sức người chuyên chở bằng xe rùa nên mất 3 năm ròng rã, nhóm thợ từ Sài Gòn - Gia Định được thuê về mới xây xong. Gạch bông (hoa) lát nền gia chủ đặt từ Pháp và đến nay nền gạch bông trong nhà vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp mỹ thuật cổ điển. Ngôi nhà là tinh hoa của nhiều bàn tay tài hoa khéo léo trong giới mỹ nghệ, kiến trúc, xây dựng thời bấy giờ cộng lại, nên đi cùng với năm tháng, vẻ đẹp trang nhã vẫn giữ nguyên, đường nét tinh xảo vẫn có giá trị.

Di tích này đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và không chỉ là một địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng, mà còn là nơi tìm hiểu lịch sử văn hóa Kiên Giang. Thuyết minh viên của Bảo tàng Kiên Giang cho hay, bảo tàng luôn có rất đông khách du lịch viếng thăm. Cuối tuần, có thêm các lớp học sinh, sinh viên đến học ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử và các nhà nghiên cứu vùng đất – con người đồng bằng sông Cửu Long đánh giá rất cao giá trị của ngôi nhà trăm tuổi này.

Ngôi nhà với các nét chạm khắc, cách bài trí không gian nói lên tính cá biệt của gia chủ, xu thế hướng nội, điền viên, trọng tín ngưỡng của tầng lớp phú hộ thời bấy giờ. Từ các hình khắc gỗ trong nhà, người ta đoán chủ nhân của ngôi nhà theo đạo Phật và thờ phụng tổ tiên, ưa thuật phong thủy. Các hình này chủ yếu là hình hoa sala (một loại hoa ưu đàm theo quan niệm đạo Phật), hoa cúc tượng trưng cho sự chính nhân quân tử, hình dơi quạ mang điềm lành, hình hoa mai, chim công, muông thú... Nội thất với các mảng trang trí khắc gỗ là điểm ưu việt nhất của ngôi nhà đến nay vẫn được giữ gìn, lên nước đen bóng.

Thuyết minh viên Bảo tàng Kiên Giang giới thiệu về không gian trưng bày bên trong ngôi nhà cổ trăm tuổi. Ảnh: TTH

Sở dĩ nói rằng ngôi nhà tồn tại qua nhiều thăng trầm lịch sử là vì năm 1946, khi thực dân Pháp đánh chiếm Rạch Giá đã sử dụng ngôi nhà này làm tòa án trong 6 năm. Sau đó, từ 1970 đến năm 1973, đế quốc Mỹ tiếp tục trưng dụng ngôi nhà để làm cơ quan hành chính. Trước năm 1975, một công ty trong vùng thuê ngôi nhà làm văn phòng và sau năm 1975, ngôi nhà được Nhà nước quản lý, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang sử dụng làm cơ quan. Và hợp lý nhất, cuối cùng, ngôi nhà được dùng để làm nơi trưng bày của Bảo tàng Kiên Giang cho đến ngày nay.

Không chỉ là một địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng dành cho du khách yêu thích kiến trúc nghệ thuật và không gian văn hóa, ngôi nhà còn chứa đựng cả một thế kỷ thăng trầm lịch sử của vùng đất Kiên Giang. Khi sử dụng làm không gian trưng bày, Bảo tàng Kiên Giang đã quy hoạch không gian thành các chủ đề lịch sử, các thời kỳ trong đó điểm nhấn là các sự kiện liên quan đến dấu ấn văn hóa Óc Eo, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người hùng mở đất Hà Tiên Mạc Cửu và nhiều chí sĩ cách mạng thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, đất và người Kiên Giang kiên cường qua nhiều thời kỳ giữ đất, giữ biển đảo...

Mô hình “bảo tàng bên trong bảo tàng” sử dụng không gian trưng bày hiện vật lịch sử trong các tòa nhà có giá trị kiến trúc cổ hầu như bắt gặp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, với Kiên Giang, điều đó càng đặc biệt bởi ngôi nhà bản thân nó đã là một tác phẩm nghệ thuật. Từ khi được xây dựng, ngôi nhà lúc nào cũng đông đúc và dày đặc các hoạt động tập thểmà vẫn được giữ gìn, bảo quản chu đáo cho thấy di sản này vốn được ngưỡng mộ và tôn trọng.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tram-nam-di-san-kien-truc-phu-ho-kien-giang-post435814.html