Trăm năm di sản ảnh Quảng Nam

Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Quảng Nam đã để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ văn hóa phi vật thể đến điêu khắc, kiến trúc, văn chương, nghệ thuật... Qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, sẽ hiểu sâu hơn về vùng đất và con người trong di sản ảnh xứ Quảng.

Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Quảng Nam đã để lại những di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ văn hóa phi vật thể đến điêu khắc, kiến trúc, văn chương, nghệ thuật... Qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, sẽ hiểu sâu hơn về vùng đất và con người trong di sản ảnh xứ Quảng.

Hội An (ảnh), nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia xưa và nay.

Hội An (ảnh), nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia xưa và nay.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh Quảng Nam được ra đời đầu tiên ở Hội An, với sự khai trương hiệu ảnh Thiên Chơn Cát của cụ La Doãn Ninh vào năm 1912. Tiếp theo là các hiệu ảnh Huỳnh Sau, Huỳnh Sỏ, Lệ Ảnh, Vĩnh Tân... Lịch sử cũng đã ghi nhận những người theo nghiệp nhiếp ảnh ở Hội An đã từng đạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá từ rất sớm. Ảnh của cụ Trương Trừng (môn sinh hiệu ảnh Thiên Chơn Cát) đoạt giải nhất tại cuộc thi ảnh toàn Đông Dương vào năm 1940, ảnh của cụ Huỳnh Sỏ đoạt giải lớn tại cuộc thi ảnh tại Paris năm 1953. Nhiều tấm ảnh của các thế hệ tiếp theo là Trương Thiệp, Vĩnh Tân... đều đặn được công chúng thưởng lãm ở Pháp, Nhật, Hồng Kông...

Trải bao dâu bể của thời gian, những phong tục tập quán, các loại hình văn hóa - văn nghệ và sinh động hơn cả là tính cách đặc trưng của người dân xứ Quảng được "tư liệu hóa" bằng hình ảnh. Hành trình hơn 100 năm qua, nhiếp ảnh Quảng Nam cũng đã "ghi" lại muôn mặt của đời sống xã hội, về đề tài đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam; phản ánh sinh động không khí xây dựng quê hương kể từ khi nước nhà thống nhất. Mỗi khoảnh khắc được chộp bắt không chỉ đơn thuần ở khía cạnh hình ảnh, mà qua thời gian đã được nhìn nhận dưới góc độ di sản. Xét ở góc độ này, "di sản ảnh xứ Quảng" có sự đóng góp rất lớn của những thế hệ nhà báo, phóng viên ảnh, những người "thợ ảnh", những nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật và những tay máy nghiệp dư trong và ngoài tỉnh. Tất cả làm nên di sản ảnh Quảng Nam khá đồ sộ và có giá trị về nhiều mặt.

Tọa đàm "Nhiếp ảnh Quảng Nam tiếp nối những mùa vàng".

Bên cạnh những đánh giá cao về di sản ảnh Hội An xưa và nay thì cần phải nói đến mảng ảnh tư liệu, ảnh lưu niệm, ảnh gia đình... Yếu tố làm nên giá trị của ảnh lưu niệm, ảnh gia đình không phải ở tính nghệ thuật mà chính là tính lịch sử. Nhờ những bức ảnh lưu niệm mà chúng ta còn tìm thấy cả một pho tư liệu gắn với lịch sử của quê hương đất nước. Nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông nhận xét: "Nghiên cứu dưới góc độ văn hóa học, ảnh Hội An nói chung, thương hiệu Vĩnh Tân nói riêng là những tư liệu nhân học văn hóa vô cùng quý giá trong công cuộc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong tâm nguyện có một bộ sưu tập ảnh Hội An xưa và nay - để thấy Hội An đã mất đi nhiều bộ phận cấu thành môi cảnh sinh thái giàu giá trị nhân văn như mất hồ nước, hệ thống cây xanh vùng đệm, và những di tích độc đáo như hệ cổng chùa Bà Mụ vẫn chưa được hoàn nguyên"...

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, di sản ảnh xứ Quảng ngày càng được bảo tồn và phát huy với những hội thảo, nghiên cứu chuyên đề, triển lãm, các bộ sưu tập, bài báo... và đặc biệt là những sáng tạo của những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo ở Quảng Nam. Chi hội Nhiếp ảnh Hội VH-NT tỉnh hiện có 28 hội viên (nhiều hội viên Trung ương, tước hiệu cao) và hàng trăm hội viên ở các CLB nhiếp ảnh: Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc... Hầu hết các hội viên tích cực tham gia hoạt động sáng tác, trưng bày và triển lãm ảnh nhân các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước; tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật chuyên đề "Quảng Nam sắc màu quê hương", "Đồng hành cùng Di sản Quảng Nam", "Lễ hội Sâm Ngọc Linh"... Trong 5 năm qua, nhiếp ảnh Quảng Nam đoạt được nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan, triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc và khu vực, giải thưởng ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc, giải thưởng VHNT Đất Quảng lần 2-2019 và nhiều cuộc thi ảnh của tỉnh; các cuộc thi chuyên đề do các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nước tổ chức và các cuộc thi ảnh cấp quốc tế. Với bề dày thành tích đó, các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh đã 4 lần được Bộ VH-TT &DL tặng Bằng khen và 30 Bằng khen của UBND tỉnh.

Di sản ảnh đã giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương của những thế hệ những người con của xứ Quảng mến yêu; định hướng phát triển nhân cách con người, hướng đến chân - thiện - mỹ; đồng thời là nguồn tư liệu nhân học - văn hóa vô cùng quý giá trong công cuộc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ đều thống nhất ý tưởng thành lập bảo tàng nhiếp ảnh Quảng Nam trong hệ thống các bảo tàng chuyên đề để gìn giữ nguồn tư liệu quý cho hôm nay và mai sau.

THẠCH HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_219302_tram-nam-di-san-anh-quang-nam.aspx