Trầm luân với... cây trầm hương

'Khánh Hòa là xứ trầm hương. Nhắc đến trầm hương là nhắc đến Khánh Hòa và nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương…'.

Nghề soi trầm ở xã Vạn Thắng. Ảnh: H.V.M

Chúng tôi đang nghe cô bán trầm ở 1 cửa hàng tại Nha Trang thao thao thì chuyên gia có hơn 30 năm trong nghề đi cùng thì thầm ngắt lời rồi kéo chúng tôi ra 1 góc: “Nhưng trầm hương Khánh Hòa thời điểm này - thời trầm hương dó bầu nhà trồng được đang trong cảnh… trầm luân bởi kiểu làm ăn chụp giựt, cùng nạn làm và buôn bán trầm giả, trầm kém chất lượng tràn lan mất kiểm soát…”.

KỲ 1: Đến cả mùi trầm cũng bị tẩm hóa chất

Hóa chất độc hại tẩm trong rau, củ, quả, trái cây, thịt, cá để chín nhanh, chín đều và giữ lâu độ tươi sống. Hóa chất độc hại dẫn đến ung thư trong những bữa ăn của con người... - những điều chúng ta nghe, chứng kiến nhiều đến mức thành “chuyện thường ngày. Nhưng hóa chất lại có cả trong mùi thơm, thậm chí góp phần tạo nên trầm hương thì khó tin, dù đó là sự thật.

“Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”

Xâm nhập vào thế giới trầm hương, bài học đầu tiên của chúng tôi với 1 “điệu trầm” (người đi tìm trầm) ở Khánh Hòa là “Trầm hương do cây dó sinh ra nhưng sinh ra như thế nào thì chưa có công trình khoa học nào giải thích tường tận”.

Và tiếp theo là cách phân biệt khác nhau giữa trầm và kỳ, bắt đầu từ hình chất và khí vị. Đại loại, trầm chất cứng và nặng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, vị lại đủ cay, chua, ngọt, đắng. Trầm mùi ngát, kỳ mùi thanh. Khói trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói kỳ bay thẳng và cao vút. Nhiều sách của tác giả nước ngoài nhận xét trầm hương Việt Nam là tốt nhất thế giới.

Giáo sĩ Ðắc Lộ (Alexandre Rhodes) - người đã chỉnh đốn chữ Quốc ngữ - cũng nhận định rằng “Chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”. Và kỳ cũng như trầm ở Việt Nam tốt nhất là kỳ trầm của Khánh Hòa. Điều này đã được công nhận trong “Ðại Nam Nhất Thống Chí” của Cao Xuân Dục và sách “Phủ biên Tạp Lục” của Lê Quý Ðôn.

Lại nữa, ở Khánh Hòa, nơi nào có rừng già là nơi đó có trầm kỳ, nhưng nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Và nhiều, tốt nhất là trầm hương Vạn Giã của Vạn Ninh. Chả thế mà ca dao Khánh Hòa có câu:“Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/ Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”.

Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm là loại trầm kỳ tự nhiên, được sinh ra từ những cây dó rừng. Nhưng đó đã là chuyện cũ, bởi bây giờ, sản vật gì liên quan đến tự nhiên đều là đồ xa xỉ. Trầm bây giờ là trầm từ cây dó bầu nhà trồng được. Và đội quân “đi địu” (đi tìm trầm trên rừng) hùng hậu nhất nước của xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) sau khi lê chân khai thác đến cạn kiệt trầm kỳ tự nhiên hết đời này sang đời khác, bây giờ chuyển qua làm nghề mua dó bầu về soi trầm kiếm sống và làm giàu.

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại xã Vạn Thắng, gặp lúc người dân đang nhộn nhịp mua những cây dó bầu dài hàng chục mét, đường kính gốc chừng 1 gang tay, xuất xứ từ Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) do tại Khánh Hòa cung không đủ cầu.

Đây là những cây gió bầu hơn 10 năm tuổi, được “tạo trầm” bằng cách đục, khoan, chém… để tạo vết thương trên thân cây. Sau khoảng 2 năm, khi những vết thương tạo được trầm thì cây dó bầu sẽ được cắt bán, giá từ 2-3 triệu đồng/ cây. Với những cây có nhiều trầm thì giá có khi lên đến vài chục triệu đồng tùy thời điểm.

Ông N.V.H - một chủ lò soi trầm ở xã Vạn Thắng - cho biết, ngoài Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), dó bầu được trồng rải rác ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều vùng ở Tây Nguyên với diện tích khoảng 22.000 ha. Nhưng dó bầu ở Phúc Trạch vẫn được chuộng nhất do có nhiều trầm được tạo theo cách tự nhiên chứ không dùng hóa chất.

“Dùng hóa chất?” Chúng tôi há hốc mồm hỏi lại. Ông H gật đầu khẳng định: “Thường 1 cây dó bầu phải trồng khoảng 13 năm và mất 2 năm để tạo trầm mới thu hoạch. Nhưng nếu như dùng hóa chất đổ vào, thì quy trình sinh trưởng và tạo trầm chỉ rút ngắn xuống còn một nửa. Trầm loại này, chúng tôi gọi là “trầm lạ” vì nó có màu đen như dầu nhớt, không giống với trầm thông thường”. Hỏi hóa chất này ảnh hưởng đến mùi vị và sức khỏe con người thế nào? Ông H bảo “mùi thì na ná, nhưng sức khỏe thì…chịu!”.

Trầm thành phẩm từ cây dó bầu ở làng trầm Vạn Thắng.

Hàng giả là một phần của hàng thật

Hiện trên địa bàn huyện Vạn Ninh có hàng chục lò “soi trầm” nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Long… Mỗi lò “soi trầm” có trung bình từ 5 - 20 lao động, mỗi lao động “soi trầm” được trả bình quân 200.000-250.000 đồng/ngày.

Theo ông H, thời điểm này, mỗi ký trầm sau gia công giá từ 500.000 đồng/kg đến khoảng 14 triệu đồng/kg tùy theo lượng trầm và hình dáng. “Bởi vậy, các hộ soi trầm có khi lãi 1 tháng 20 - 30 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nhưng cũng có không ít chủ lò lâm phải cảnh thua lỗ do thiếu kinh nghiệm, chọn nhầm cây dó bầu ít trầm”.

Nghề “soi trầm” ở Vạn Ninh được chia làm 2 loại. Một chuyên làm kiểu truyền thống từ mấy đời nay là soi từng thớ gỗ cho đến khi mạch trầm hiện rõ như vân mây rồi mang bán nguyên tấm hoặc ghép lại thành từng khối - kiểu ghép tinh vi đến mức chỉ có người trong nghề mới nhận ra. Loại thứ 2 là làm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu thị trường như tháp xông trầm, tượng Phật, chuỗi hạt trang sức… Và đây chính là những công đoạn mà trầm kỳ thật giả lẫn lộn.

“Làm thế nào để phân biệt trầm giả”, chúng tôi hỏi ông H, và câu trả lời là: “Tôi chưa bao giờ làm giả nên không biết”. Ông bảo “buôn bán giả dối, kiểu bỏ đá vào giữa lòng những khối trầm ghép để cân cho nặng ký rồi lừa bán sang Trung Quốc, Đài Loan là chuyện chỉ có ở ngoài… Quảng Nam chứ Vạn Thắng không ai làm vậy”.

Lân la hỏi 1 chủ lò khác là phụ nữ sau khi “cắn răng” mua 1 mớ sản phẩm để lấy lòng tin, và câu trả lời sau cái nháy mắt lại thế này: “Hàng giả là một phần của hàng thật. Ở đây chỉ thật giả lẫn lộn, không phải dân trong nghề không phát hiện được đâu”.

Chị này còn mở tủ, mang ra cho chúng tôi xem 1 mớ tràng hạt, bảo loại màu vàng, ít thơm là trầm nguyên; loại màu đen, thơm lừng là gỗ dó bầu tẩm tinh dầu trầm. “Phải tẩm như thế này thì khách họ mới mua vì nghĩ trầm là phải đen và thơm”.

Hỏi “có đúng là tẩm bằng tinh dầu trầm?”. Chị này gãi đầu, cười cười rồi thì thầm: “Nói thiệt, tinh dầu, thật ra là hóa chất có mùi trầm, còn cụ thể hắn như thế nào chị cũng không biết vì chị đặt người ta làm và không phải ai cũng biết làm”.

Có điều lạ là, mặc dù ở “xứ Trầm Hương”, nhưng người dân Khánh Hòa lại rất thờ ơ với trầm và những món hàng mỹ nghệ làm từ trầm. Đúng kiểu từ mấy chục năm trước, Quách Tấn đã viết trong cuốn “Xứ Trầm hương”: “Trầm là bạn của khách phong lưu. Nhưng ở Khánh Hòa, khách phong tao cũng như đồng bào lao động chỉ dùng trầm trong việc lễ bái. Không mấy ai dùng trầm để gây sinh thú, gây thêm hứng vị cho đời sống tinh thần. Như đốt trầm ngồi đọc sách, ngồi gảy đàn... Ðó là do bản tánh người Khánh Hòa vốn ưa thực tế chớ không thích phù ba”.

Một phần, “bởi trong gió Khánh Hòa mùa nào cũng có hương trầm “ẩn hiện”. Người thức khuya thường hay bắt gặp lúc trời trong. (Như) Ðịnh Phong có mấy câu làm chứng: Song khuya thoảng ngọn gió trầm/Bàng hoàng nhớ thuở tri âm đợi chờ...”.

Vậy nên ở Khánh Hòa, trầm hương chủ yếu xuất ra Hà Nội, vào Sài Gòn. Chục năm trở lại đây là xuất qua Dubai, bán cho khách du lịch Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc. “Làng trầm Vạn Thắng sống được như hôm nay là nhờ khách du lịch - anh Phê, 1 chủ lò “soi trầm” ở Vạn Thắng - Có thời sản phẩm chúng tôi làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có khi cung không đủ cầu. Một phần lúc đó có 1 thương lái đến từ Trung Quốc tên là A Long bao tiêu trọn gói đầu ra.

Cách đây 3 năm, ông ấy không may qua đời vì tai nạn giao thông ở Nha Trang, thế là cả làng Vạn Thắng và nhiều nơi khác điêu đứng theo. Giờ thì trầm ở đây chủ yếu làm theo đặt hàng và bao tiêu của các thương lái trong nước nên tiêu thụ chậm. Còn bán trực tiếp thì chỉ ở trong Nha Trang chứ ngoài này lâu lâu mới có người tìm đến hỏi mua lẻ.

Cũng có khi khách đoàn người Trung Quốc tìm đến tận đây để mua hàng. Thậm chí, họ còn đặt hàng sản xuất theo sở thích. Gặp đoàn khách mê trầm, có gia đình bán được cả mấy trăm triệu đồng tiền hàng nhưng hiếm hoi lắm”.

Về việc bán trầm cho Trung Quốc, cũng trong “Xứ Trầm hương”, Quách Tấn kể 1 chi tiết rất thú vị rằng: (Trầm) “thường bán cho người Tàu. Vì một là người Tàu nhiều tiền, hai là khỏi bị tiết lộ. Giá bán cho người Tàu, so với giá thị trường cũng do người Tàu định, in như cám với vàng”. Nhắc để nói rằng, thương lái Trung Quốc “ăn hiếp” dân mình không phải là chuyện mới. (còn tiếp)

HOÀNG VĂN MINH - NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/tram-luan-voi-cay-tram-huong-608784.ldo