Trầm luân với... cây trầm hương: Kỳ 2 - Bao giờ trầm hết trầm luân?

Ông Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần Trầm hương Khánh Hòa - nói, trầm hương là linh khí của trời đất, là phương tiện để con người giao tiếp với thần linh.

Trầm hương tại Bảo tàng Trầm hương Khánh Hòa.

Trầm hương Việt Nam không chỉ tốt nhất thế giới mà kỳ nam là quý vật chỉ duy nhất có ở Việt Nam. “Tuy nhiên, hiện người Việt Nam chúng ta đang quá coi thường trầm hương. Họ đang bán và ứng xử với trầm hương như mớ rau, con cá ngoài chợ”.

Trầm hương bán chung với… giày dép

Bây giờ ở thành phố Nha Trang, nơi cách xa làng trầm Vạn Thắng khoảng 80km, gần như đường phố nào cũng nhan nhản những cửa hàng, shop bán trầm hương với đầy đủ các mặt hàng từ trầm miếng, trầm tấm, bộ xông trầm, chuỗi hạt đeo tay và cổ, tượng phật, nhang trầm, giác trầm… với những mức giá trên trời.

Lấy ví dụ ngoài làng trầm Vạn Thắng, 1 chuỗi đeo tay giá bán từ 800 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng tùy loại trầm. Nhiều nơi gặp chủ vui tính, còn hào phóng mua 2 tặng 1. Nhưng cũng những chuỗi hạt ấy khi được “xuất” về nằm trong 1 cửa hàng nào đó ở Nha Trang, giá sẽ đội lên từ 5 - 7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu 1 chuỗi!

Không chỉ chuỗi hạt mà tất cả những mặt hàng liên quan đến trầm đều được đội giá nhiều lần như vậy sau khi rời xưởng đi 80km. Vì sao lại có sự chênh lệch giá đến khủng khiếp như thế?

Câu trả lời của 1 chủ bán trầm tại Nha Trang là “do liên quan đến việc thuê mặt bằng giá cao và các khâu trung gian. Với lại, trầm là thứ quý giá, tâm lý chung là mình bán rẻ quá, khách hàng người ta lại nghi ngờ, nghĩ mình bán trầm giả”. Thói đời, cứ cái gì tốt thì phải đồng nghĩa với đắt! Và giá trầm có khi cứ mặc nhiên tùy theo mặt khách mà thành.

Trở lại với nhận xét bán trầm như bán rau ngoài chợ của ông Nguyễn Văn Tưởng. Đó là 1 nhận xét không hề quá, bởi hầu hết những cửa hàng buôn bán trầm hương ở Nha Trang hiện nay đều trưng bày kiểu tạp nham: Trầm lộn lẫn với đá, hàng lưu niệm, thậm chí là giày dép, túi xách và nhiều mặt hàng gia dụng khác kiểu như quầy tạp hóa.

Có rất ít nơi bày biện đúng nghĩa là 1 không gian thiêng tương xứng với giá trị, trị giá họ muốn bán và ý nghĩa của mặt hàng trầm - một thứ linh hương cao quý. “Họ đã nhận thức sai lầm từ cả văn hóa kinh doanh lẫn văn hóa tâm linh. Nếu là người yêu và có kiến thức, hiểu biết về trầm, các bạn sẽ thấy hụt hẫng, đau đớn vô cùng nếu chẳng may bước chân vào những cửa hàng như thế” - ông Tưởng nói.

Không chỉ xem thường trầm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trầm ở Khánh Hòa còn bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, lẫn lộn với hàng thật, hàng xịn khiến khách hàng như lạc vào mê cung.

Ông Tưởng bức xúc: “Không ít người buôn bán trầm ở Nha Trang từng thất bại khi làm ăn với Trung Quốc ở Lạng Sơn, nay quay về buôn trầm nên vẫn giữ lối tư duy buôn bán chụp giật. Hàng giả, hàng nhái không chỉ bán ở Khánh Hòa mà còn xuất sang cả bên Trung Quốc và nhiều nước khác, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến thương hiệu trầm hương Khánh Hòa, trầm hương Việt Nam và thương hiệu của những người kinh doanh có tâm, bài bản”.

Còn nhớ mới đây, trên 1 tờ báo, ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, Giám đốc công ty TNHH Trầm Hương - một trong những “lão làng” của ngành trầm hương Khánh Hòa, người nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đau đớn chia sẻ, rằng mình xuất thân từ gia đình làm nghề “đi địu” (đi tìm trầm trên rừng), vì vậy có cơ hội tiếp xúc với trầm hương, kỳ nam từ núi rừng Khánh Hòa đã hơn 35 năm và đã chuyển sang kinh doanh thành phẩm, đầu tư, chế tác sản phẩm trầm gần chục năm nay.

Nhưng “hiện chúng tôi không đủ sức cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, mặc dù đã có Luật Cạnh tranh nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ngay tại thị trường Khánh Hòa, tôi cũng biết nhiều người kinh doanh sản phẩm trầm hương, nhưng họ chưa một lần nhìn thấy trầm, kỳ thật…”.

Ông Nguyễn Văn Tưởng với khát vọng xây dựng trầm hương thành 1 thương hiệu quốc gia.

Trầm hương - một thương hiệu quốc gia

Ông Nguyễn Văn Tưởng là 1 nhân vật rất thú vị. Ông không được lòng lắm những người trong giới mà chúng tôi từng gặp, bởi ông hay nói về những triết lý kinh doanh trầm mà họ cho là “đao to búa lớn”.

Ông bảo, trầm hương là linh hương mà 5 tôn giáo lớn (Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo) trên thế giới dùng khi hành lễ. Ông dẫn kinh Coran nói “hương trầm là tình yêu của Thánh Ala”; dẫn kinh Hoa Đà viết “Đức Phật giáng xuống khi hương trầm bay lên”.

Hay trầm hương là mùi của vị thần Krishna - vị thần hiện thân của tình yêu, đại diện cho tri thức của nhân loại trong Ấn Độ giáo. Chất hương này cũng được đốt lên trong lễ tang của Chúa Jesus. Người Ai Cập cổ đại gọi trầm hương là kyphi - mùi hương linh thiêng nhất để “dụ dỗ” các vị thần đến với mình.

Còn nói theo khía cạnh khoa học, trong trầm có hơn 140 chất chứa dược tính, có tác dụng chữa bệnh. Trong những chất đấy người ta còn tìm thấy chất định hương - 1 chất thơm rất bền vững, vô cùng lôi cuốn được ví là “hương thơm của Chúa trời”.

Ông Tưởng nói, từ ngàn năm nay, cha ông mình đã dùng hương thơm (hương hoa đặt trên bàn thờ) để giao tiếp với thần linh, với tổ tiên, ông bà chứ không phải thịt cá như nhiều người nhầm tưởng. Và trong các loại hương hoa, hương trầm là thứ hương quyến rũ nhất và không phai nhạt theo thời gian.

Ông kêu gọi mọi người thay vì chỉ ngửi thì hãy học cách “nhìn” và “nghe” hương trầm. Mà muốn “nhìn” và “nghe” được hương thì phải có kiến thức và sự thấu hiểu. “Trong nghề trầm người ta hay nói: Trầm đi tìm người chứ không phải người đi tìm trầm. Điều này có nghĩa là, trầm chỉ dành cho người thực sự hiểu giá trị của nó. Vì chúng ta không hiểu, nên dù đang có trong tay 1 sản vật đầy giá trị nhưng lại không biết làm thế nào để giá trị ấy lan tỏa”.

Tự nhận mình là người “phụng sự trầm hương”, ông Nguyễn Văn Tưởng bao năm nay đau đáu với 1 khát vọng, cũng có thể nói là tham vọng xây dựng trầm hương thành 1 thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Ông bảo “chúng tôi có những nghiên cứu bài bản về trầm hương, có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới hiện nay để tạo ra những sản phẩm chất lượng như tinh dầu, đồ trang sức, mỹ nghệ, tới đây còn là rượu trầm, nước hoa trầm, đặc biệt là những loại thuốc có thể chữa bệnh từ trầm...”.

Ngoài việc phát triển về chất lượng, ông Tưởng và Trầm Hương Khánh Hòa còn hợp tác với ông Nguyễn Liên Phương - chuyên gia về kinh tế về hình ảnh và thương hiệu hàng đầu Việt Nam - để thay đổi tư duy “đóng gói” đẹp, sang trọng hơn với mục tiêu sẽ có những sản phẩm được đóng gói đẹp hàng đầu thế giới và không thể nhái được!

Ông Tưởng còn khát vọng hướng đến xây dựng một “nền kinh tế trầm hương”. Một khái niệm còn rất lạ với số đông chúng ta nhưng không hề xa lạ với lịch sử thông thương khi từ nghìn năm trước, trầm hương Việt Nam đã theo con đường tơ lụa đi ra với thế giới trên các lục địa từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, rồi con đường tơ lụa trên biển từ 2 cửa khẩu quan trọng là Hội An ở đàng trong và Phố Hiến ở đàng ngoài. Hiện nay, ở Hoàng cung Nhật Bản đang trưng bày 1 khối kỳ nam có xuất xứ từ Việt Nam chúng ta và được họ coi là quốc bảo.

Ông Tưởng trầm ngâm: “Việt Nam là 1 quốc gia có trầm, đang có trong tay 1 sản vật vô cùng quý giá nhưng lại thiếu chính sách và hiểu biết về nó. Về mặt Nhà nước, chúng ta đã dỡ bỏ lệnh cấm khai thác trầm nhưng lại chưa hề có 1 chính sách cụ thể nào để phát triển trầm hương, đưa trầm hương trở thành 1 ngành kinh tế.

Rồi những người trồng dó bầu, họ không có kiến thức, không được các chuyên gia, các nhà khoa học hướng dẫn một cách bài bản cho nên vẫn làm theo kinh nghiệm tuy có vài điểm độc đáo nhưng đa phần lạc hậu. Đã thế còn mạnh ai nấy làm. Cho nên ngành trầm ở nước ta vẫn yếu ớt so với chính giá trị thực mà mình đang có…”.

Ôi! trầm hương của thời dó bầu nhà trồng được, bao giờ thì hết… trầm luân?

HOÀNG VĂN MINH - PHƯƠNG LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/tram-luan-voi-cay-tram-huong-ky-2-bao-gio-tram-het-tram-luan-609036.ldo