'Trám' kẽ hở quy trình

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ GD- ĐT về xử lý điểm thi bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra văn bản ghi nhận, biểu dương Bộ GD- ĐT, Bộ Công an đã khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi. Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm về điểm thi ở Hà Giang.

Quang cảnh buổi họp báo thông báo về việc rà soát kết quả thi THPT 2018 của Hà Giang.

Theo các chuyên gia, sự việc diễn ra ở Hà Giang đã cho thấy có những kẽ hở trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Việc xử lý nghiêm những sai phạm - nhìn từ vụ việc này sẽ vừa là một bài học kinh nghiệm, vừa đảm bảo sự công bằng và khách quan cho một kỳ thi.

Ngay tại cuộc họp thông tin chính thức với báo giới về kết quả điểm thi bất thường tại Hà Giang, ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng phòng 4, A83- Bộ Công an đã khẳng định, khi dựng lại các hành vi gian lận trước mặt tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi. Sự việc này đã cho thấy quy trình giám sát của Công an và thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ nên để ông Lương xử lý tất cả mà thành viên ban giám sát đều ngồi đó. Những người giám sát chấm thi về cơ bản không nắm được đầy đủ quy trình, thao tác khiến ông Lương qua mặt. Đây là kẽ hở cần củng cố và tập huấn kỹ càng trong các kỳ thi sau.

Điều ông Khương thẳng thắn chỉ ra, chính là một thực tế vẫn tồn tại lâu nay trong giáo dục nước nhà. Cụ thể, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 chính thức diễn ra, Bộ GDĐT đã có các văn bản 1472 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; văn bản 1499 gửi các Sở GDĐT và các Học viện, các trường ĐH…về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2018. Hai văn bản này yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tỉnh; yêu cầu các Sở GDĐT, các Học viện, các trường ĐH phối hợp thực hiện tốt kỳ thi để đảm bảo kết quả công bằng, khách quan và nghiêm minh…Cùng với đó, cả thí sinh và giám thị, những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi đều được phổ biến, học tập đầy đủ quy chế thi tốt nghiệp THPT 2018 của Bộ GDĐT. Vậy mà sai phạm vẫn xảy ra!

Sai phạm điểm thi tại Hà Giang đã cho thấy, ý thức chấp hành của con người vẫn là quan trọng hơn tất cả. Nếu đã cố tình vi phạm thì người ta bất chấp cả văn bản, quy chế, phần mềm trắc nghiệm hay camera kiểm soát… Chính vì thế họ đã tìm được những “kẽ hở” để lách qua sự kiểm soát. Nếu không được phát giác và xử lý kịp thời, từ những bảng điểm giả ấy, chất lượng tuyển sinh đầu vào năm 2018 của nhiều trường ĐH chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Những “kẽ hở” ấy đã được các chuyên gia chỉ ra như sau. Kẽ hở thứ nhất là ở ngay khâu in sao đề thi. Đây là khâu khá phức tạp để bảo mật vì thời gian in sao ở mỗi tỉnh/thành phải mất khá nhiều thời gian.

Với các đề thi trắc nghiệm, mỗi đề đến 4 - 5 trang, mỗi đề có 24 mã đề thi nên việc kiểm soát chặt chẽ quá trình này khá căng thẳng, kể cả việc in không rõ văn bản và hủy các bản in không chuẩn. Nếu nhóm cán bộ làm việc này chỉ cần sơ hở hoặc có sự thông đồng tiêu cực thì có thể tạo ra kẽ hở.

Kẽ hở thứ 2 chính là ở phiếu trả lời trắc nghiệm. Nếu nhóm cán bộ thực hiện việc Scan phiếu trả lời mà không kiểm soát nhau tốt hoặc thông đồng với nhau thì đây sẽ là một “kẽ hở” lớn. Vì phiếu trả lời trắc nghiệm học sinh dùng bút chì tô đen phương án chọn nên cán bộ có thể thay đổi phương án theo đáp án (được Bộ GDĐT công bố chính thức). Vết tẩy xóa trong phiếu trắc nghiệm hoàn toàn có thể quy cho thí sinh thực hiện; hoặc cũng có những phỏng đoán thí sinh khi làm bài đã cố tình để giấy trắng chờ được “can thiệp” ở khâu sau.

Một kẽ hở khác là các bản file ảnh chuyển qua file text để giảm dung lượng thì trong trường hợp không sửa trên phiếu trả lời gốc, cán bộ có thể sửa dễ dàng trên file tetx này.

Tiếp đó ở khâu coi thi, việc giám sát chỉ cần lơi lỏng một chút thì việc chuyển cho nhau đáp án trắc nghiệm là đơn giản hơn nhiều so với thi tự luận…

Kể từ khi Bộ GDĐT chủ trương tổ chức kỳ thi “2 trong 1” đến nay, vẫn còn nhiều băn khoăn về việc giao cho địa phương tổ chức kỳ thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển ĐH,CĐ. Những lo lắng ấy không phải là không có căn nguyên bởi tâm lý thành tích tỉnh nhà, tâm lý mong muốn cho con em vào đại học bằng mọi giá… đã tạo đất cho tiêu cực phát sinh.

Vậy có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi chung “2 trong 1” nữa hay không? Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, qua vụ việc ở Hà Giang, Bộ GDĐT nhận thấy, việc lựa chọn cán bộ chấm thi, coi thi phải được thẩm định cả về chuyên môn và đạo đức. Trên cơ sở những thành công của kỳ thi được tổ chức, Bộ GDĐT nhận thấy vẫn tiếp tục giữ nguyên kỳ thi này trong những năm tới và sẽ có sự điều chỉnh những bất hợp lý để kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được tổ chức tốt hơn.

Xét cho cùng sau vụ việc này, người đáng thương chính là những học sinh. Người lớn đã đè lên vai chúng những mong muốn và kỳ vọng, khát khao đến độ đốt cháy giai đoạn để mở ra cánh cửa vào đời lập nghiệp cho con em của mình. Chỉ tiếc rằng cánh cửa ấy được mở ra bằng việc gian lận điểm thi, nên sẽ buộc các em phải che giấu sự gian dối này bằng những sự gian dối khác…

Dư luận ủng hộ và đồng tình với sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GDĐT để làm rõ vụ việc điểm thi tại Hà Giang- vốn bắt đầu từ nghi vấn của phụ huynh. Nhưng dù thế nào, trận “lũ điểm” ở Hà Giang ít nhiều cũng cuốn đi niềm tin về chủ trương của Bộ GDĐT, gây hoài nghi về chất lượng giáo dục lâu nay.

Vì lẽ đó, mong muốn lớn nhất lúc này là sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang cần được xử lý thật nghiêm minh. Vụ việc cần được rút kinh nghiệm sâu sắc để gian lận thi cử sẽ không còn tái diễn.

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tram-ke-ho-quy-trinh-tintuc410393