Trầm cổ Đình Vường

Trải qua hàng trăm năm, Đình Vường thôn Hậu (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) được biết đến là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc hoàn hảo, nguyên mẫu ban đầ vẫn đang 'thi gan cùng tuế nguyệt'.

Đình Vường có quy mô lớn và kết cấu khá hoàn hảo, dù đã trên 300 năm tuổi vẫn giữ nét đẹp nguyên sơ.

Đình Vường có quy mô lớn và kết cấu khá hoàn hảo, dù đã trên 300 năm tuổi vẫn giữ nét đẹp nguyên sơ.

Độc đáo ngôi đình hơn 300 tuổi

Về huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nghe kể có ngôi đình cổ đã hơn 300 năm tuổi vẫn còn nguyên sơ, như chưa hề trùng tu sửa chữa, đã thôi thúc tôi tìm đến.

Sau một hồi lần men theo con đường khá vòng vèo đi sâu trong khu vực núi Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, ngôi đình cổ hiện ra trước mắt tôi đúng như những gì nghe kể. Tất cả dường như còn nguyên sơ phủ bụi cùng dấu tích của thời gian.

Toàn bộ khu đình xây dựng khá hoàn hảo gồm các công trình đại đình và tả vu, hữu vu, sân, vườn, tam quan. Tòa đại đình đặt trên đỉnh gò đồi, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ công gồm ba hạng mục: Đại đình, ống muông, hậu cung.

Đại đình có ba gian hai trai, kết cấu vì kèo, chồng giường giá chiêng. Ống muống rộng, ba vì nối tòa đại đình với tòa hậu cung ba gian thành một khối chắc chắn. Trong tòa đại đình hệ thống sàn, ván còn khá nguyên vẹn. Tòa đại đình và tòa hậu cung được ngăn cách bởi hệ thống cửa cấm đóng kín chỉ mở khi làm lễ.

Đình Vường trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân thôn Hậu, xã Liên Chung (Tân Yên - Bắc Giang).

Nét độc đáo của ngôi đình ở đây vượt trội các ngôi đình khác ở chỗ bộ khung gỗ còn khá chắc chắn và nguyên vẹn nét kiến trúc từ thời Lê và Nguyễn. Trên các vì của tòa đại đình, người xưa đã chạm khắc lên các cấu kiện những họa tiết hoa văn mang phong cách thời Lê Trung Hưng khá độc đáo.

Đó là các bức phù điêu ở cửa võng, đầu dư, cốn chồng, kẻ, bẩy... Các bức điêu khắc đó mang chủ đề “ngũ mã đồng quân” “long, phượng, mây, trúc”... Điều độc đáo ở các bức phù điêu này đó là sự không đủ bộ được thể hiện ở chủ đề tứ linh, tứ quý. Mặt khác, tính cách dân gian phóng túng của các mảng điêu khắc cũng rất đậm nét.

Ở một số mảng long - phượng đã được tạc các chú tễu cởi trần tay vuốt râu rồng; hoặc hình chim phượng lại biến thành một cặp nam - nữ đầu người mình chim. Trên khám thờ bưng gỗ đủ cả long ngai, bài vị và những đồ thờ tự khác, ở hai gian bên đại đình có đôi ngựa hồng ngựa bạch và đôi hạc thờ rất lớn đặt trên nền đá xanh ở gian giữa làm theo lối lòng thuyền.

Toàn bộ phần mái đình được lợp bằng ngói mũi cổ dày dặn, sóng đều đẹp đẽ. Hệ thống bờ dải nóc, đao trái được trát đắp và đặt gạch trang trí hoa chanh làm cho mái đình thanh tao trang nhã. Bốn đao đình và hai đầu nóc được kê xếp đắp đặt các đao sành gốm bay vút lên như cánh diều no gió, rất đẹp.

Dọc bờ dải hoa chanh các con nghê, con kìm, con sấu được gắn đặt bên các hình rồng hài hòa, ngộ nghĩnh. Những con giống bằng gốm này đều là sản phẩm chính gốc thời Lê ít ngôi đình còn có. Do đó, chúng cũng như những hình con rồng, con phượng đục khắc ở trong đình đã trở thành các mẫu, các tiêu bản để làm mẫu so sánh và xác định cho các ngôi đình, ngôi chùa khác.

Và những giá trị di tích lịch sử được gìn giữ

Các cụ cao niên trong thôn Hậu, xã Liên Chung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, đây là ngôi đình của thôn Hậu có tên là Đình Thịnh Vượng, hay cũng gọi là Đình Vường, vì đình nằm ở thôn Hậu, Thôn Hậu trước kia có nhiều tên gọi như, Hương Hậu, hay làng Vường, thôn Vường.

Đình thờ Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh, hàng năm hội đình tổ chức vào 16, 17, 18 tháng Giêng và trung tuần tháng 8. Trong ngày hội nhân dân địa phương, khách thập phương cùng nhau thành kính dâng nén hương thơm tế Thánh Cao Sơn - Quý Minh để bày tỏ lòng biết ơn những người đã có công lập làng, giữ nước.

Sở dĩ ngôi đình được giữ gần như vẹn nguyên mẫu ban đầu, như chưa bị sự tu sửa làm biến đổi vì người dân thôn Hậu luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ ngôi đình như “kho báu” thiêng liêng của làng, xóm. Bởi bên cạnh sự tín ngưỡng, tôn thờ công lao đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập làng”, bảo vệ bình yên cho mọi người còn bởi ở chính ngôi đình này đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với nhân dân địa phương.

Cầu thang bằng đá nguyên khối khá độc đáo.

Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là nơi liên lạc, hội họp của dân quân du kích địa phương quanh vùng Yên Thế hạ, liên quan chặt chẽ với căn cứ tiền tiêu núi Dành.

Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đình Vường là nơi cất giữ kho phim dự trữ quốc gia gần 10 năm. Chính vì vậy, không cần một hương ước, không một quy định, thế hệ này truyền lại thế hệ sau người dân nơi đây tự bảo nhau bảo vệ nâng niu, trân trọng gìn giữ ngôi đình.

Cứ như vậy, trải qua bao thăng trầm, Đình Vường không chỉ được bảo vệ vẫn nguyên vẹn kiến trúc cổ mà những giá trị lịch sử còn được người dân nơi đây duy trì thông qua việc sinh hoạt tâm linh, các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống theo đúng nghi thức xưa. Đặc biệt là việc duy trì hoạt động văn hóa tinh thần tại đình làng, trong đó có hoạt động hát ví, hát ống được mọi người yêu thích.

Sau những ngày lao động mệt mỏi, khi ánh mặt trời khuất dần chân núi Dành, dưới mái đình rêu phong đứng “thi gan cùng tuế nguyệt”, bà con trong thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lại tụ họp để cùng nhau sinh hoạt văn hóa, cất lên giai điệu hát ống, hát ví như minh chứng cho sức sống bền bỉ, vững chãi của ngôi đình trầm cổ của miền quê Kinh Bắc.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tram-co-dinh-vuong-R9IOQwXGR.html