Trầm cảm tấn công học sinh trung học

Trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên là vấn đề phức tạp nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn và giải quyết nếu sức khỏe tâm thần được quan tâm đúng mức.

Chris Buckner vẫn nhớ rõ khoảnh khắc cách đây hơn một năm. Ông đã lái xe như bay đến chỗ con trai, Dylan, trước khi cậu thanh niên 18 tuổi cố gắng tự sát, theo NBC News.

15h ngày 7/1/2021, bạn bè của Dylan gọi điện cảnh báo vợ chồng Buckner rằng con trai của họ có thể gặp nguy hiểm.

Karen Buckner, mẹ của Dylan, kiểm tra dịch vụ định vị trên điện thoại của con. Vị trí được xác định trong một khách sạn, cách nhà họ ở Northbrook (Illinois, Mỹ) vài dặm. Trên đường chạy xe tới khách sạn, Chris liên tục gọi điện, nhắn tin cho Dylan nhưng không nhận được phản hồi.

"Chỉ cần thằng bé vẫn còn sống, làm ơn", Chris nói rằng ông đã lẩm nhẩm điều đó trong suốt quá trình lái xe.

Dylan là học sinh trung học còn cả tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Anh có thành tích học tập tốt và được nhiều câu lạc bộ bóng đá săn đón cho vị trí tiền vệ. Ước mơ lớn nhất của nam sinh là đỗ vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

 Dylan Buckner, thứ hai từ phải sang, chụp ảnh cùng gia đình.

Dylan Buckner, thứ hai từ phải sang, chụp ảnh cùng gia đình.

Nhưng trong những tháng gần đây, căn bệnh trầm cảm đeo bám Dylan vài năm trước đã trở nên tồi tệ hơn. Đại dịch khiến những nơi anh cảm thấy thân thuộc, gắn bó phải đóng cửa: phòng học, sân bóng, các câu lạc bộ ở trường.

Khi Chris đến gần khách sạn vào chiều hôm đó, ông nhìn thấy một đoàn xe cảnh sát. Ngay lập tức, người cha hiểu rằng mình đã đến quá muộn để cứu Dylan.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trong thanh thiếu niên đã và đang bùng phát ở nhiều quốc gia. Đại dịch khiến cuộc sống trong gia đình, nhà trường của học sinh bị đảo lộn hoàn toàn.

Căng thẳng khi học trực tuyến, mất kết nối với bạn bè, bị cô lập trong nhà riêng... đã cấu thành những vấn đề nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm, suy nghĩ cực đoan.

"Tự tử không phải là muốn chết. Đó là mong muốn chấm dứt nỗi đau tâm lý. Phụ huynh cần giúp con cái thấy rằng chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề tưởng chừng như nan giải này", Susan Tellone, Giám đốc của Hiệp hội Phòng chống Tự tử Thanh thiếu niên Mỹ, cho biết.

Trầm cảm gia tăng

Vào một đêm mùa hè, khi Dylan đáng ra sẽ đến trại bóng đá nhưng Covid-19 đã khiến sự kiện bị hủy bỏ, Karen nghe thấy tiếng con trai đập vào túi đấm trong tầng hầm. Khi bà đi xuống cầu thang, Dylan, người hiếm khi khóc, đã rơm rớm nước mắt.

"Rất rất khó để thằng bé mở lời", bà nói. Nhưng cuối cùng, Dylan tâm sự rằng anh cảm thấy rất thất vọng.

Nhận thấy con trai cần sự giúp đỡ, vợ chồng Buckner đã tìm đến bác sĩ tâm thần ngay lập tức. Dylan bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm sau đó.

Dylan đã không nói gì với cha mẹ trong một thời gian dài tự chiến đấu với bệnh trầm cảm. Anh nói rằng tình trạng của mình tồi tệ hơn trong đại dịch. Tháng 9/2020, sau khi cố gắng tự tử lần đầu tiên, nam sinh được đưa đến bệnh viện điều trị nội trú trong một tuần.

Dylan điều trị trầm cảm trong vài năm trước khi qua đời.

Vài tuần trước khi Dylan qua đời, căn bệnh trầm cảm dường như đã thuyên giảm. Điều đó khiến cha mẹ anh càng hoang mang hơn. Giờ đây, họ chỉ có thể tin rằng đại dịch là nguyên nhân.

"Nếu Covid-19 không xảy ra, tôi nghĩ Dylan vẫn ở đây. Đại dịch không chỉ giết người bằng virus. Nó giết người bằng chứng trầm cảm và tự sát", Chris nói.

Một số bậc cha mẹ khác cũng cho rằng đại dịch đã khiến con cái họ tuyệt vọng, bế tắc đến mức tự kết liễu đời mình trong một năm qua.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 44% học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng mỗi ngày trong hai tuần liên tiếp vào năm ngoái.

Khi các trường học đóng cửa, thanh thiếu niên đã phải đối mặt với nhiều loại căng thẳng, bao gồm cả sự lạm dụng từ cha mẹ và bị cô lập.

Hơn một nửa số học sinh được khảo sát cho biết từng bị cha mẹ hoặc người lớn khác trong nhà lạm dụng tình cảm, 11% bị lạm dụng thể chất. Gần 30% báo cáo rằng cha mẹ hoặc người lớn khác trong nhà bị mất việc làm và 24% nói rằng gia đình không có đủ thức ăn trong đại dịch.

"Nghiên cứu mà chúng tôi trình bày nêu bật những vấn đề phức tạp mà trẻ em, phụ huynh và nhà trường không thể giải quyết một mình", CDC cho biết.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần nhận định nguyên nhân trầm cảm ở thanh thiếu niên rất phức tạp, thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố hơn là một lý do duy nhất.

"Những đứa trẻ có thể đã gặp khó khăn trước đại dịch vì bị bắt nạt trong trường học, hoặc lo lắng về FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ)", Jonathan Singer, Chủ tịch tổ chức ngăn chặn tự tử American Association of Suicidology, nói.

John MacPhee, Giám đốc điều hành tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần The Jed Foundation, cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải lo lắng. Đối với thanh thiếu niên, một trong những điều quan trọng đang bị gián đoạn hiện nay là nhu cầu giao lưu, giao tiếp bên ngoài gia đình".

Căng thẳng, trầm cảm gia tăng đối với thanh thiếu niên khi trường học đóng cửa vì đại dịch. Ảnh: Maud Dupuy/Hans Lucas.

Đừng xấu hổ

Dylan thức dậy với tinh thần vui vẻ vào ngày cuối cùng của cuộc đời, cha anh nói.

Buổi sáng, anh xin nghỉ học để đến gặp bác sĩ tâm thần. Kết quả kiểm tra khiến Dylan và cả bố mẹ cảm thấy được khích lệ.

Sau cuộc hẹn, nam sinh học và làm bài kiểm tra vật lý online. Anh trò chuyện với một trong những huấn luyện viên bóng đá của mình qua Zoom vào bữa trưa và đăng ký học các lớp khác cho đến 15h.

Nhưng rồi mọi thứ đột nhiên quay ngoắt 180 độ. Dylan lại cảm thấy "không có gì có thể giúp mình thoát ra khỏi cái hố này", Karen kể.

Các chuyên gia cho biết, tự tử, đặc biệt là ở thanh thiếu niên, thường có thể là kết quả của những cảm xúc bốc đồng.

Imadé, 33 tuổi, chuyên gia truyền thông ở North Carolina, bắt đầu trải qua các cơn hoảng loạn và trầm cảm vào năm lớp 8. Đến năm 30 tuổi, cô đã nhiều lần định tự tử.

Thế nhưng, sau khi học cách đối phó với chứng trầm cảm thông qua liệu pháp hành vi biện chứng (DBT: Dialectical behavior therapy), giờ đây cô có thể giúp đỡ những người khác thông qua tổ chức phi lợi nhuận do chính mình thành lập, Depression While Black.

Sự kiện trưng bày 1.100 chiếc ba lô, đại diện cho số lượng sinh viên chết do tự tử hàng năm tại New Jersey, Mỹ. Ảnh: Bryan Anselm/The New York Times.

Nghe những bản nhạc yêu thích và cử tạ đã cứu mạng Imadé. Cô cũng đề xuất các cách khác bao gồm tập thiền, sử dụng đường dây nóng có tên “Crisis text line” (đường dây nhắn tin khủng hoảng), sử dụng ứng dụng notOK do thanh thiếu niên tạo ra để giúp đỡ người dễ bị tổn thương, liên hệ với bác sĩ tâm lý, gọi đến đường dây nóng phòng chống tự tử.

"Bạn phải tìm cách làm cho 'chuyến tàu' đó chậm lại để có thể nhảy sang được phía bên kia", Imadé đề cập đến phương pháp IMPROVE the moment.

IMPROVE the moment là một kỹ năng trong trị liệu hành vi biện chứng có thể giúp mọi người quản lý cảm xúc căng thẳng trong những tình huống khó khăn. IMPROVE là viết tắt của Imagery (hình ảnh), Meaning (ý nghĩa), Prayer (cầu nguyện), Relaxation (thư giãn), One Thing in the Moment (tập trung vào một suy nghĩ trong một thời điểm), Vacation (kỳ nghỉ) và Encouragement (khuyến khích).

Khi kể về sự ra đi của Dylan, ông bà Buckner hy vọng có thể cứu được những thiếu niên khác và cả gia đình của họ.

"Điều mà tôi đang cố gắng chia sẻ với mọi người là nếu trẻ em hoặc bất kỳ ai khác đang gặp khó khăn, đừng xấu hổ về điều đó. Bạn sẽ không thể khỏi bệnh nếu không nói với cha mẹ, đi khám bác sĩ và uống thuốc", Chris nói.

Khi được hỏi sẽ nhớ nhất điều gì ở con trai, cha của Dylan ngừng lại rồi nói bằng giọng đứt quãng: "Tôi sẽ nhớ tất cả mọi thứ. Thằng bé là điều tốt đẹp nhất trong thế giới của tôi".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tram-cam-tan-cong-hoc-sinh-trung-hoc-post1306809.html