Trầm cảm sau sinh không còn đáng sợ với 3 cách vượt qua dễ dàng từ lời khuyên của bác sĩ sản khoa

Muốn vượt qua trầm cảm sau sinh, hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ sản khoa này.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Theo Qiu Junchao, phó trưởng khoa sản của Bệnh viện số 5 thuộc Đại học Y Quảng Châu, trầm cảm sau sinh là sự xuất hiện của các triệu chứng trầm cảm trong thời kỳ hậu sản, thường xảy ra hai tuần sau khi sinh và có thể kéo dài vài tuần đến một năm hoặc thậm chí hơn một năm. Phụ nữ mắc bệnh này thường có dấu hiệu mệt mỏi, kém chú ý, mất ngủ, không quan tâm đến mọi việc, hành vi, thường mất khả năng tự chăm sóc bản thân và con nhỏ, tự trách bản thân, lo lắng về bản thân hoặc trẻ sơ sinh bị tổn thương, trường hợp nặng có thể có hành động làm tổn thương em bé hoặc tự làm hại bản thân.

Làm thế nào để tránh trầm cảm sau sinh?

Bác sĩ Qiu Junchao đã đưa ra một số cách để tránh trầm cảm sau sinh cho phụ nữ.

1. Tránh mệt mỏi quá độ

Trong quá trình sinh con, dù là sinh thường hay sinh mổ thì sản phụ cũng phải trải qua một giai đoạn đau đớn và mệt mỏi. Sức khỏe của họ chưa thể hồi phục lại nhanh chóng nên cần có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức sau sinh. Lúc này họ rất cần sự chia sẻ của chồng, người thân để san sẻ bớt công việc chăm con và có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Mệt mỏi quá độ chính là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh.

2. Tạo môi trường nghỉ ngơi thoải mái cho sản phụ

Sau sinh, nhiều sản phụ không ổn định về mặt cảm xúc và thường bắt đầu nổi cáu vì những điều nhỏ nhặt. Lúc này chồng và người thân nên cố gắng tạo ra một bầu không khí quan tâm và thoải mái cho chị em, thường xuyên trò chuyện, trao đổi để nắm bắt được cảm xúc và mong muốn của họ. Được chia sẻ và yêu thương thì tâm tính của sản phụ sẽ dịu lại, tránh được trầm cảm.

3. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của trầm cảm sau sinh

Bản thân sản phụ trước khi sinh con nên tìm hiểu về trầm cảm sau sinh để nhận thức được hậu quả nghiêm trọng khi mắc phải bệnh này. Khi mẹ bị trầm cảm sau sinh biểu hiện là không chịu chăm sóc bé, thường dễ gây tai nạn cho bé, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của bé. Những em bé có mẹ bị trầm cảm sau sinh có mức độ phát triển nhận thức và cảm xúc thấp hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi, thể hiện kỹ năng giao tiếp kém, tính cách nhạy cảm và rụt rè, v.v. Nếu tự nhận thấy bản thân đang có dấu hiệu mắc bệnh, bạn nên đến khoa tâm lý của bệnh viện để điều trị, nhờ bác sĩ tâm lý hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.

Moon/Theo Sohu

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/tram-cam-sau-sinh-khong-con-dang-so-voi-3-cach-vuot-qua-de-dang-tu-loi-khuyen-cua-bac-si-san-khoa-20201012071159064.htm