Trầm cảm khi mang thai: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Mang thai được xem là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Nhưng với một số khác, chứng trầm cảm khi mang thai đã tước đoạt niềm hạnh phúc của những người sắp làm mẹ.

Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), có khoảng 14 - 23% phụ nữ phải vật lộn với một hoặc một vài triệu chứng trầm cảm khi mang thai.

Vài nét về chứng trầm cảm

Trầm cảm là một rối loạn tâm lý, cứ 4 phụ nữ lại có 1 người tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ xuất hiện biểu hiện trầm cảm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi căn bệnh này cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ đang mang thai.

Tuy nhiên, trầm cảm khi mang thai thường không được chẩn đoán đúng vì mọi người nghĩ rằng nó chỉ là một hiện tượng do sự mất cân bằng nội tiết tố.

Giả định này có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Trầm cảm trong thai kỳ là căn bệnh có thể được điều trị và kiểm soát tốt nếu được chẩn đoán sớm.

Trầm cảm khi mang thai thường không được chẩn đoán đúng - Ảnh minh họa: Internet

Trầm cảm khi mang thai thường không được chẩn đoán đúng - Ảnh minh họa: Internet

Trầm cảm khi mang thai là gì?

Trầm cảm khi mang thai hay còn gọi là trầm cảm trước sinh, là một rối loạn tâm trạng xảy ra đối với thai phụ. Rối loạn tâm trạng là bệnh liên quan đến sự thay đổi các chất hóa học trong não.

Khi mang thai, sự thay đổi hormone có thể ảnh hưởng đến các chất trong não của bà bầu, thường có liên quan trực tiếp đến tâm trạng và sự lo lắng.

Vấn đề này có thể trầm trọng hơn khi thai phụ gặp phải các tình huống khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến bệnh trầm cảm khi mang thai.

Trầm cảm thường trầm trọng hơn khi thai phụ gặp phải các tình huống khó khăn trong cuộc sống - Ảnh minh họa: Internet

Những dấu hiệu trầm cảm khi mang thai

Phụ nữ bị trầm cảm thường trải qua một số triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian từ 2 tuần trở lên:

- Luôn cảm thấy có nỗi buồn dai dẳng

- Khó hoặc không thể tập trung

- Ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều

- Mất hứng thú với các hoạt động mà bình thường thai phụ rất thích

- Suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết, mong muốn tự tử hoặc cảm giác tuyệt vọng

- Sự lo lắng kéo dài

- Cảm giác bản thân tội lỗi hoặc bản thân không còn giá trị

- Thay đổi thói quen ăn uống

Các triệu chứng trầm cảm thường kéo dài từ 2 tuần trở lên và có xu hướng trầm trọng dần - Ảnh minh họa: Internet

Những yếu tố có thể gây ra trầm cảm khi mang thai

- Xảy ra vấn đề về các mối quan hệ

- Tiền sử gia đình hoặc bản thân bị trầm cảm

- Điều trị vô sinh

- Có tiền sử sảy thai

- Cuộc sống căng thẳng

- Biến chứng trong thai kỳ

- Tiền sử bị lạm dụng dẫn đến có thai

Trầm cảm khi mang thai có thể gây hại cho em bé trong bụng mẹ

Trầm cảm không được điều trị có thể dẫn đến những rủi ro, tiềm ẩn nguy hiểm cho mẹ và bé. Trầm cảm có thể dẫn đến dinh dưỡng kém, thai phụ tìm đến rượu, hút thuốc lá và có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử.

Trầm cảm không chỉ là vấn đề của mẹ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Trầm cảm có thể gây sinh non, sơ sinh nhẹ cân và gặp phải các vấn đề phát triển. Một người phụ nữ bị trầm cảm thường không có sức mạnh hoặc không có cảm giác mong muốn chăm sóc cho bản thân hoặc chăm sóc cho đứa con đang phát triển của mình.

Em bé sinh ra từ những bà mẹ bị trầm cảm khi mang thai có thể ít vận động, ít chú ý và thường dễ bị kích động hơn so với những em bé sinh ra từ những bà mẹ không bị trầm cảm.

Điều trị trầm cảm khi mang thai

Nếu thai phụ cảm thấy mình có thể đang phải vật lộn với chứng trầm cảm, điều quan trọng nhất lúc này là tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân và bác sĩ chuyên khoa.

Lựa chọn điều trị trầm cảm cho phụ nữ đang mang thai bao gồm:

- Các nhóm hỗ trợ (gia đình, bạn bè…)

- Tâm lý trị liệu

- Thuốc

- Liệu pháp ánh sáng

Có loại thuốc an toàn nào để điều trị trầm cảm khi mang thai hay không?

Có rất nhiều tranh luận về sự an toàn và tác dụng lâu dài của thuốc chống trầm cảm sử dụng trong thai kỳ.

Một số nghiên cứu hiện nay cho thấy các loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm có thể liên quan đến những vấn đề ở trẻ sơ sinh như: Dị tật thể chất, vấn đề về tim, tăng huyết áp phổi, nhẹ cân…

Một phụ nữ bị trầm cảm nhẹ đến trung bình có thể kiểm soát các triệu chứng của mình bằng các nhóm hỗ trợ, tâm lý trị liệu và liệu pháp ánh sáng.

Nhưng nếu một phụ nữ mang thai đang đối mặt với chứng trầm cảm nặng, sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc thường được khuyên dùng.

Thuốc điều trị trầm cảm đi qua nhau thai, vào cơ thể em bé - Ảnh minh họa: Internet

Phụ nữ cần biết rằng tất cả các loại thuốc trầm cảm đều sẽ đi qua nhau thai và vào cơ thể trẻ. Không có đủ thông tin về loại thuốc nào hoàn toàn an toàn và loại thuốc nào gây rủi ro (vì không có loại thuốc nào được phép thử nghiệm trên cơ thể thai phụ).

Việc sử dụng thuốc để điều trị trầm cảm cần phải được cân nhắc giữa những rủi ro và lợi ích. Thuốc có thể mang lại lợi ích gì, rủi ro nào có thể xảy ra cho mẹ và bé đều được xem xét cẩn thận.

Một số biện pháp tự nhiên, không dùng thuốc để điều trị trầm cảm khi mang thai

Với những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai, nhiều phụ nữ thường quan tâm đến những biện pháp tự nhiên giúp điều trị trầm cảm.

Như đã đề cập ở trên: Các nhóm hỗ trợ, tâm lý trị liệu và liệu pháp ánh sáng là những lựa chọn thay thế cho việc sử dụng thuốc khi điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình.

Ngoài những điều này, thai phụ có thể thử áp dụng một số cách tự nhiên khác để làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Tập thể dục

Tập thể dục có thể làm tăng mức serotonin và giảm mức cortisol, có lợi cho chứng trầm cảm của thai phụ.

Tập thể dục làm tăng mức serotonin và giảm mức cortisol - Ảnh minh họa: Internet

Nghỉ ngơi đầy đủ

Thiếu ngủ ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý những căng thẳng và thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Thai phụ nên thiết lập một lịch đi ngủ thường xuyên và áp dụng nghiêm ngặt.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Nhiều loại thực phẩm có liên quan đến sự thay đổi tâm trạng, khả năng xử lý căng thẳng và tinh thần minh mẫn. Chế độ ăn nhiều caffeine, đường, carbohydrate đã qua chế biến, phụ gia nhân tạo, protein phân tử lượng thấp… đều có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất của thai phụ.

Nên sử dụng các thực phẩm tươi, chế biến một cách lành mạnh nhất và ăn theo sở thích của bà bầu để cảm thấy tốt hơn.

Châm cứu

Các nghiên cứu gần đầy cho thấy châm cứu là một lựa chọn khả thi trong điều trị trầm cảm ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi phải thực hiện với thầy thuốc có tay nghề giỏi, am hiểu về chứng trầm cảm.

Axit béo omega – 3

Trong vài năm gần đầy, người ta biết rằng omega - 3 có thể giúp giải quyết một số vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, các nghiên cứu mới nhất cho thấy bổ sung omega - 3/dầu cá hàng ngày có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Nếu mẹ không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bác sĩ, hãy tìm người khác để nói chuyện. Điều quan trọng là ai đó biết bạn đang làm gì và sẽ cố gắng giúp đỡ bạn.

Đừng bao giờ cố gắng đối mặt với chứng trầm cảm khi mang thai một mình. Bà bầu và cả em bé trong bụng đều cần sự giúp đỡ từ mọi người.

Nguồn: https://americanpregnancy.org/pregnancy-health/depression-during-pregnancy/

Dược sĩ Đỗ Mai Thảo (Theo American Pregnancy)

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/tram-cam-khi-mang-thai-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-c5a314862.html