Trạm BOT sụt giảm doanh thu: Nguy cơ vỡ phương án tài chính

Dịch bệnh Covid-19 khiến cho doanh thu trên hàng loạt tuyến cao tốc bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này gây ra 'thiệt hại kép' cho cả các DN vận tải cũng như nhà đầu tư BOT.

Báo động đỏ về doanh thu

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh doanh trong quý I/2020 trên 4 tuyến cao tốc mà DN này đang quản lý với những con số giật mình. Cụ thể, VEC phục vụ 11,57 triệu lượt phương tiện, giảm 2,4% về lượng và 3% về doanh thu so cùng kỳ năm 2019.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 là cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khi lượng phương tiện qua tuyến trong quý I chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, với 2,86 triệu lượt phương tiện; doanh thu giảm 14,1%. Phương tiện qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sụt giảm 1,8%, chỉ còn khoảng 4,3 triệu lượt phương tiện.

 Hàng loạt cao tốc giảm doanh thu thu phí vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Hữu Hưng

Hàng loạt cao tốc giảm doanh thu thu phí vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Hữu Hưng

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiếp nhận trên 4 triệu lượt phương tiện, sụt giảm không đáng kể về lượng, nhưng doanh thu lại thấp hơn cùng kỳ 2019 là 1,5%. Trong 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có duy nhất cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có sự tăng trưởng về lưu lượng phương tiện với 527.200 lượt phương tiện lưu thông nếu so với 514.400 lượt phương tiện trong 3 tháng đầu 2019, con số này lại nhỉnh hơn 2,5% về lượng.

Báo cáo của VEC cho thấy, trong tháng 3/2020, lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%. Điều này khiến VEC thiệt hại 58 tỷ đồng doanh thu thu phí.

Hai tuyến cao tốc thiệt hại lớn nhất là Nội Bài – Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình với mức sụt giảm doanh thu tương ứng là cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cũng mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019 là 28,6% và 15,4%. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019.

Không chỉ các tuyến cao tốc của VEC, nhiều cao tốc khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự trước sự tàn phá của dịch Covid-19. Sự sụt giảm nghiêm trọng về lưu lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí tại các tuyến cao tốc này không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa đến phương án tài chính của các dự án nếu như tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài.

Cần điều chỉnh thời gian thu phí

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông phân tích: "Dịch bệnh bùng phát khiến cho người dân có xu hướng tạm dừng kế hoạch các chuyến đi nhằm tránh sự lây lan. Hầu hết các chuyến du lịch hay chuyến đi không cần thiết đều bị hủy bỏ. Khi người dân chọn cách ở nhà thay vì ra đường thì đương nhiên lưu lượng phương tiện trên các tuyến cao tốc sẽ giảm đi".

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, với lệnh cách ly xã hội theo tinh thần trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 1/4 vừa qua, mọi nhu cầu đi lại của người dân đã được hạn chế tối đa để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhiều khả năng lưu lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ tiếp tục sụt giảm hơn nữa trong tháng 4/2020.

Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, việc lưu lượng sụt phương tiện trên các tuyến cao tốc sụt giảm là điều đã được dự báo từ trước khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, không chỉ VEC mà hầu hết các chủ đầu tư dự án cao tốc đều đã được chuẩn bị sẵn về mặt tâm lý.

“Tuy nhiên, đây là lúc dồn tất cả cho công tác phòng chống dịch, sức khỏe của con người là trên hết và mọi lợi ích về mặt kinh tế khác đều phải chấp nhận đánh đổi” – TS Cao Sỹ Kiêm cho biết.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc sụt giảm lưu lượng phương tiện nếu để kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ. Trong đó, rõ ràng nhất là nguy cơ phương án tài chính của dự án bị ảnh hưởng nếu doanh thu thu phí liên tục ở mức thấp.

Nếu doanh thu thu phí ở mức thấp trong thời gian dài đương nhiên sẽ không bảo đảm cho công tác hoàn vốn của dự án, từ đó phương án tài chính của dự án hoàn toàn có thể vỡ. Lúc này sẽ phải tính đến việc điều chỉnh mức giá thu phí hoặc thời gian thu phí để bảo đảm dự án hoàn vốn.

"Nếu tình hình sụt giảm kéo dài từ 1 - 2 tháng nữa, phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án BOT cao tốc chắc chắn sẽ cần phải xem xét lại do các DN hạ tầng giao thông không phải là đối tượng nhận gói ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tín dụng."- Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ Phạm Văn Khôi

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tram-bot-sut-giam-doanh-thu-nguy-co-vo-phuong-an-tai-chinh-380261.html