Trạm BOT Long Thành - Dầu Giây: VEC có 'qua mặt' Bộ GTVT về thu chi?

Sáng mùng 2 tết Kỷ Hợi – ngày 7/2/2019 vụ cướp táo tợn tại trạm thu phí đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây (Đồng Nai) khiến cho dư luận phải 'giật mình'. Vậy số tiền 2,2 tỉ đồng trong vụ cướp đã khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có tự biên tự diễn về vấn đề thu chi.

Trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây

Số tiền thu được từ vụ cướp đã khiến dư luận hoài nghi bởi minh chứng cho những nghi ngờ đó rõ nét nhất chính là những phát ngôn trước và sau khi vụ cướp xảy ra không có sự đồng nhất. Đặc biệt, là xuất phát từ chính những người đang nắm giữ những cương vị chủ chốt từ bộ máy hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Điều đầu tiên cần nhắc lại chính là phát ngôn với báo chí về những ồn ào doanh thu mỗi ngày ở trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây của ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E): “Một ngày trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây thu được 3,3 - 3,4 tỷ đồng”. Đây là căn cứ cơ sở khiến cho dư luận bàn tán xôn xao về những khuất tất trong vấn đề thu chi của đơn vị quản lý trạm BOT này.

Sau khi phát ngôn của VEC đang còn chưa chưa hết “nóng” đang là đề tài khiến cho cộng đồng xôn xao trong dịp tết nguyên đán thì một lần nữa VEC lại phát đi thông cáo thanh minh về số tiền tại trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây: “Do dịp Tết, nên ngân hàng không thực hiện dịch vụ thu tiền thu phí tại các trạm thu phí , do đó tại thời điểm xảy ra vụ cướp, tổng số tiền trong két sắt tại Phòng Kế toán vé thẻ trạm Dầu Giây là 3.230.660.000 đồng (ba tỉ hai trăm ba mươi triệu sáu tram sáu mươi nghìn đồng).

Trong đó nguồn tiền tại phòng kế toán thời điểm vụ cướp xảy ra bao gồm: Tiền doanh thu của 2 ca ngày 4.2.2019; 3 ca ngày 5.2.2019 và 3 ca ngày 6.2.2019 (1 ca/8h), tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ đơn vị vận hành khai thác tuyến (Công ty VECE) chuẩn bị để kịp thời phục vụ khách hàng dịp tết (dịp Tết, ngân hàng cũng không thực hiện dịch vụ thu tiền thu phí đổi tiền lẻ). Khi xảy ra vụ cướp, bọn cướp đã lấy đi số tiền thu phí là 2.220.000.000 đồng(hai tỉ hai tram hai mươi triệu), số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm ngay sau vụ cướp là 1.010.660.000 đồng (một tỉ không tram mười triệu sáu tram sáu mươi nghìn đồng).

Nếu dựa vào thông tin phát ra từ thông cáo của VEC như vậy: mỗi ngày trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây chỉ thu được khoảng 1 tỷ đồng, liệu những phát ngôn ở trên có phải là những lời nói chưa chính xác về doanh thu?

Trong khi đó, tại báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2018 của VEC tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành-Dầu Giây đã tiếp nhận 11 triệu lượt phương tiện với lưu lượng trung bình 35.000 - 40.000 lượt/ngày đêm. Nếu lấy mức phí thấp nhất là 100.000 đồng và cao nhất là 380.000 đồng để chia ra lấy mức phí trung bình 240.000 đồng/lượt thì số tiền từ trạm thu phí này, thu về sẽ không dưới 9,5 tỷ đồng/ngày.

Chính từ những phát ngôn không đồng nhất về doanh thu của VEC từ trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây đang cho thấy có dấu hiệu không có bất cứ đơn vị nào quản lý hoạt động thu chi của VEC dẫn đến việc một mình VEC tự biên tự diễn thu chi, muốn báo cáo thế nào thì báo cáo?

Chưa hết, cần phải nói thêm về mức thu phí ban hành của VEC tại trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây lại không tuân theo Thông tư 35 của Bộ GTVT. Cụ thể, mức phí tại trạm BOT TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây do VEC ban hành cao hơn nhiều so với Thông tư Bộ này.

Biểu phí được niêm yết tại trạm thu phí BOT Long Thành - Dầu Giây

Để triển khai hệ thống thu phí kín, VEC đã thu phí dịch vụ sử dụng đối với các phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi; xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức phí lần lượt theo các lộ trình Long Phước- Quốc lộ 51, Long Phước- Dầu Giây, Quốc lộ 51 - Dầu Giây là 40.000đ - 100.000đ - 60.000đ. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí lần lượt là 160.000đ - 380.000đ - 220.000đ...

Đối chiếu với biểu gia thu phí tại thông tư 35 của Bộ GTVT, biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt cụ thể: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 52.000đ; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 70.000đ; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 87.000đ; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet là 140.000đ; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet là 200.000đ.

Biểu phí được đối chiếu theo thông tư 35 của Bộ GTVT

Đây chính là mấu chốt khiến dư luận còn bức xúc hơn cả việc các trạm BOT khác đang bị phản đối trong thời gian vừa, bởi vì các trạm BOT phải thu theo biểu giá quy định của Bộ GTVT và công khai thời gian thu. Trong khi đó, trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây là một đơn vị của nhà nước lại thu phí cao hơn quy định và không biết thu đến khi nào mới dừng lại? Như vậy, việc quản lý doanh thu và tiến độ hoàn vốn của dự án có phải hoàn toàn nằm trong tay của VEC hay không?

Phú Quốc – Tuấn Anh (tổng hợp)

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/tram-bot-long-thanh---dau-giay-vec-co-qua-mat-bo-gtvt-ve-thu-chi_n45965.html