Trạm BOT Cai Lậy: Chưa chốt thời điểm thu phí

Sau họp báo, nếu còn những vấn đề cần tiếp tục xử lý thì sẽ tập hợp trình lãnh đạo Bộ GTVT, sau đó mới quyết định thu phí lại ngày nào…

Tại cuộc họp báo về trạm thu phí Cai Lậy (quốc lộ 1, Tiền Giang) chiều 25-2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết cuộc họp báo nhằm lấy ý kiến của giới báo chí, truyền thông về phương án thu phí trở lại đối với BOT Cai Lậy, sau đó hoàn thiện phương án trình Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện. “Còn bây giờ nói thu phí lại ngày nào thì chưa kết luận được” - Thứ trưởng Nhật nói.

Minh bạch vị trí đặt trạm

Sau khi đại diện Bộ GTVT báo cáo về phương án thu phí trở lại của trạm BOT Cai Lậy, các nhà báo bắt đầu đặt câu hỏi.

PV báo Pháp Luật TP.HCM nêu vấn đề Quốc hội đã có Nghị quyết 437 về việc đặt trạm BOT có mâu thuẫn gì với việc Bộ GTVT giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy như hiện nay, căn cứ pháp lý nào?

Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT), cho rằng Nghị quyết 437 của Quốc hội có hiệu lực từ năm 2017, trong khi dự án nâng cấp đoạn quốc lộ 1 và xây tuyến tránh Cai Lậy được quyết định đầu tư vào năm 2013, khởi công năm 2014 trước khi nghị quyết ban hành nên không hồi tố lại. “Để thực hiện nghị quyết này, Bộ đã dừng ba dự án, chỉ đầu tư trên tuyến đường mới. Riêng đối với dự án BOT Cai Lậy và một số dự án trước đó vẫn giữ nguyên, không hồi tố” - ông Huy nói.

Đồng thời, theo ông Huy, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan, phân tích ưu, nhược điểm của năm phương án và chọn phương án 1 là phương án cuối cùng. Phương án này đến nay là phù hợp và hợp lý.

Nói về thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GTVT và cơ sở pháp lý đặt trạm, ông Huy cho rằng tại Điều 2 Thông tư 159 của Bộ Tài chính có quy định đối với quốc lộ, thẩm quyền đặt trạm là Bộ GTVT. Đối với trạm không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa hai trạm không đảm bảo cây số theo quy định (khoảng cách hai trạm phải 70 km trở lên - PV) thì Bộ GTVT thống nhất với địa phương trước khi đặt trạm. “Trạm Cai Lậy cách trạm An Sương - An Lạc là 92 km, trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp là 80 km, đảm bảo hơn 70 km. Tuy nhiên, để đảm bảo công khai, minh bạch thì quá trình lập trạm Bộ cũng có lấy ý kiến của Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang, hai cơ quan này đều chấp thuận đặt vị trí này” - ông Huy cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT (đứng) chủ trì buổi họp báo về trạm BOT Cai Lậy chiều 25-1. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Thứ trưởng Bộ GTVT (đứng) chủ trì buổi họp báo về trạm BOT Cai Lậy chiều 25-1. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tỉnh có trách nhiệm giữ trật tự

Trả lời câu hỏi về việc kéo dài thời gian thu phí, theo ông Huy, vấn đề này Bộ GTVT và nhà đầu tư đã xem xét nhưng để chặt chẽ thì cần ký lại phụ lục hợp đồng và khi đó mới biết chính xác thời gian kéo dài là bao nhiêu, có thể là 19 năm chín tháng nhưng cũng có thể là 18 năm.

Sau hơn một năm dừng thu phí thì nhà đầu tư đã lỗ hơn 130 tỉ đồng, đi vào ngõ cụt. Chọn giải pháp thu phí lại, hiện chúng tôi đã giảm 63% giá vé. Với giá này, chi phí vận hành vẫn chừng đó, đó là gánh nặng của nhà đầu tư…

Ông PHẠM VĂN CƯỜNG, Phó Giám đốc hành chính
Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang

PV báo Công An Nhân Dân hỏi nhà đầu tư về phương án đảm bảo giao thông, an ninh trật tự khi trạm thu phí trở lại. Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc hành chính Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (đại diện chủ đầu tư), thừa nhận: “Chúng tôi chưa có biện pháp gì, nếu tài xế đưa tiền chẵn thì chúng tôi chọn làn thối tiền, nếu trả tiền lẻ thì chúng tôi chọn làn đếm tiền, còn nếu kẹt xe thì chúng tôi chỉ biết xuống năn nỉ tài xế…”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm họp với các sở, ngành, lực lượng công an cùng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Riêng Bộ GTVT sẽ cố gắng rà soát, xử lý tối đa bất cập trong các dự án BOT để hạn chế xung đột giữa các bên. Nếu xử lý tốt xung đột sẽ hạn chế xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh buổi họp báo là để lấy kiến về vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy thu phí lại. Nếu còn những vấn đề gì cần tiếp tục xử lý thì sẽ tập hợp trình lãnh đạo Bộ GTVT, sau đó Bộ mới quyết việc thu phí lại ngày nào. “Còn bây giờ nói thu phí lại ngày nào thì chưa thể kết luận được” - Thứ trưởng Nhật nói.

Giảm 63% giá vé

Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ năm phương án thu phí tại trạm BOT Cai Lậy, trong đó ưu tiên phương án 1 là “giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi giảm giá cho nhân dân khu vực lân cận trạm” và phương án ưu tiên hai là “xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu trên cả hai trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó”. Sau khi có báo cáo, ngày 20-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay. Theo phương án này, tiếp tục miễn, giảm trong phạm vi 10 km tính từ trạm đến tám xã lân cận. Giá vé cũng được giảm 63%, cụ thể từ mức 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/lượt…

N.GIAO - Đ.HÀ - H.DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/tram-bot-cai-lay-chua-chot-thoi-diem-thu-phi-818700.html