Trạm bơm chậm tiến độ, dân thiếu nước sản xuất

Lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp khiến Trạm bơm Thanh Điềm không thể hoạt động. Khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng công trình thay thế. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc thanh lý tài sản để giải phóng mặt bằng nên dự án này đứng trước nguy cơ chậm tiến độ...

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến Trạm bơm Thanh Điềm mới đối diện nguy cơ chậm tiến độ.

Trạm bơm Thanh Điềm, nằm trên địa bàn xã Chu Phan (huyện Mê Linh), được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng từ năm 1998. Đến năm 2001, công trình hoàn thành, được bàn giao cho Công ty Thủy lợi Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) quản lý và khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2009, Công ty Thủy lợi Phúc Yên bàn giao công trình này cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh (hiện nay đã hợp nhất thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) quản lý, khai thác.

Để bảo đảm nguồn nước tưới chủ động cho khoảng 6.500ha sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh, tiếp nguồn cho sông Cà Lồ... năm 2013, UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư gần 196 tỷ đồng xây dựng công trình mới thay thế ngay trên khuôn viên công trình cũ với 5 tổ máy, công suất 7.300m3/máy/giờ; thời gian thực hiện dự án từ năm 2014-2018. Tuy nhiên, do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nên UBND thành phố cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án này đến năm 2021; đồng thời điều chỉnh thiết kế và giảm tổng mức đầu tư còn gần 169 tỷ đồng... UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư dự án.

“Chứng kiến chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình khi đó, nông dân ở đây rất vui vì giảm nỗi lo thiếu nước gieo cấy vụ xuân. Thế nhưng, sau hơn một năm triển khai, nhà thầu thi công mới làm dở dang được hạng mục bể hút. Với tiến độ này, nông dân ở đây vẫn còn phải lo chống hạn...”, ông Nguyễn Văn Hoàn, người dân xã Chu Phan (huyện Mê Linh) nói.

Trưởng phòng Giám sát, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Đào Văn Thắng cho biết, ngay sau khi được thành phố giao làm chủ đầu tư, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ và triển khai dự án, xây dựng kế hoạch hoàn thành dự án trong năm 2021. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng tiếp tục hạ thấp so với cao trình thiết kế dự án đã phê duyệt nên phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chưa thanh lý tài sản tháo dỡ trạm bơm cũ nên đơn vị chưa có đủ mặt bằng để thi công...

Về vấn đề trên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Lưu Thành Quang cho biết, mặc dù không thể hoạt động nhưng theo quy định của pháp luật, trạm bơm này chưa hết thời gian khấu hao tài sản, còn tổng giá trị tài sản cố định thanh lý gần 10,3 tỷ đồng. Trong khi định giá thực tế, công trình chỉ có khả năng thu hồi khoảng 1,66 tỷ đồng... Do giá trị còn lại trên sổ sách kế toán và thực tế chênh lệch quá lớn nên công ty đang khẩn trương xin ý kiến các sở, ngành đề xuất thành phố phương án giảm vốn xử lý tài sản thanh lý. Khi có ý kiến chỉ đạo của thành phố, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng để thi công...

Liên quan vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội khẩn trương thanh lý tài sản cố định theo quy định của pháp luật để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án. “Thực hiện chỉ đạo trên, công ty đang phối hợp với chủ đầu tư để kiểm kê, xác nhận tài sản và vị trí tập kết thiết bị… phục vụ nhiệm vụ tháo dỡ trạm bơm cũ để tạo mặt bằng thi công công trình mới”, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Phan Tuy Hội thông tin.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/984456/tram-bom-cham-tien-do-dan-thieu-nuoc-san-xuat