Trái tim vàng của lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công

Quyết định bán đấu giá chiếc Huy chương vàng (HCV) World Cup quý giá để giúp đỡ một người láng giềng mắc bệnh hiểm nghèo là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân quý của vận động viên (VĐV) cử tạ Lê Văn Công.

Hành động của anh đã làm thức tỉnh, bồi đắp ý chí, nghị lực cho những người khuyết tật và truyền cảm hứng thiện nguyện cho hàng triệu trái tim trên cả nước.

Nghĩa cử đẹp giữa đời thường

Sau vài lượt hỏi thăm, chúng tôi mới tìm được nhà của VĐV khuyết tật Lê Văn Công ở ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Dáng vẻ giản dị, gần gũi, nụ cười đôn hậu, anh tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhỏ ấm cúng. Thấy mọi người trầm trồ bộ sưu tập huy chương “khủng” của mình, anh Công phấn khởi kể cho chúng tôi những niềm vui mỗi lần chinh phục được bản thân và những thử thách nơi đấu trường trong nước, quốc tế. Mọi gian khổ, khó khăn đều không thể ngăn cản người lực sĩ chưa đến 49kg này lập nhiều thành tích, kỳ tích cho thể thao nước nhà.

 VĐV khuyết tật Lê Văn Công chia sẻ về những chiếc huy chương.

VĐV khuyết tật Lê Văn Công chia sẻ về những chiếc huy chương.

Khi chúng tôi trò chuyện về việc anh bán đấu giá chiếc HCV để làm việc thiện, anh Công chia sẻ: “Đó là chiếc HCV tại World Cup 2016 tại Malaysia, là một trong 3 chiếc HCV vô giá mà tôi quý nhất, cùng với chiếc HCV Paralympic 2016 tại Brazil và HCV Vô địch cử tạ thế giới 2017 tại Mexico”. Thoáng chút trầm ngâm, anh Công bày tỏ: “Đối diện nhà tôi là gia đình cháu Đoàn Thị Bích Hương (sinh năm 2003). Cháu vốn chăm ngoan, học tốt lại hiền lành, cả xóm ai đều thương yêu. Ba tháng trước, gia đình cháu Hương phát hiện cháu bị ung thư gan rất nặng nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, không thể xoay nổi kinh phí để chữa bệnh cho con. Nghe tin gia đình cháu định bán nhà để chữa trị cho con, tôi đã quyết định bán đấu giá chiếc HCV để giúp đỡ cháu”.

Đến đây, chị Chu Thị Tám, vợ anh Công tiếp lời: “Đó là quyết định trăn trở nhất của chồng tôi sau nhiều đêm suy nghĩ mà tôi chứng kiến. Tôi luôn ủng hộ mọi quyết định của chồng. Huống chi, đây là việc nghĩa, nhân ái nơi gia đình sinh sống”. Trăn trở của anh Công có lẽ ai cũng dễ hiểu. Với người VĐV bình thường, tấm HCV thế giới là đỉnh cao, với anh, chiếc HCV ấy còn hơn nữa, là “tài sản tinh thần” vô giá, là sự kết tinh của ý chí, nghị lực, quá trình luyện tập gian khổ của một VĐV khuyết tật.

Phiên đấu giá bất đắc dĩ của lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công diễn ra khoảng 10 ngày và kết thúc ngày 31-10 vừa qua. Trên facebook cá nhân, anh Công viết: “Tôi là VĐV khuyết tật Lê Văn Công. Tôi đã suy nghĩ và hôm nay quyết định bán đấu giá HCV World Cup 2016. Đó là tấm HCV từ sự nỗ lực của thầy trò tôi qua nhiều năm tháng. Nó là một phần cơ thể khiếm khuyết của tôi. Toàn bộ số tiền bán được, tôi sẽ dùng tặng cho bé Đoàn Thị Bích Hương, hàng xóm của tôi. Bé Hương mắc ung thư gan rất nặng, gia đình lại quá khó khăn, kiệt quệ không còn tiền chữa cho cháu. Tôi mong tấm huy chương World Cup của tôi sẽ đến được với chủ nhân mới, để mang lại dù một chút hy vọng sống cho cô bé hàng xóm của tôi”.

Tấm lòng của anh Công nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội và được nhiều nhà hảo tâm quan tâm chia sẻ, đấu giá. Lý giải vì sao không để giá khởi điểm, anh Công nói vui rằng: “Tuy đưa ra quyết định đấu giá tấm HCV đã khó khăn rồi nhưng lại thêm lo lắng rằng, giá trị tấm HCV chính là tinh thần vô giá chứ bản thân tấm huy chương chỉ là vật tượng trưng, tôi sợ không ai mua nên không để giá khởi điểm”. Kết thúc phiên đấu giá, doanh nhân Nguyễn Thiện (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã mua tấm HCV của anh Công với giá 125 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đã được chuyển giúp đỡ cho gia đình cháu Đoàn Thị Bích Hương. Vài tập thể, cá nhân tuy không thắng trong phiên đấu giá nhưng cũng ủng hộ một phần kinh phí giúp đỡ cho gia đình cháu Hương.

Anh Lê Văn Công cùng vợ thăm hỏi gia đình cháu Đoàn Thị Bích Hương.

Anh Công dẫn chúng tôi qua thăm cháu Hương đối diện bên con hẻm. Thoáng thấy cháu đang nghỉ ngơi sau những cơn đau vật vã, anh nhắc khéo mọi người không nên làm phiền. Chị Vũ Thị Lài, mẹ của cháu Hương không kìm được xúc động: “Gia đình tôi đến ở xóm lao động nhỏ này sau gia đình anh Công. Hàng xóm láng giềng, chúng tôi cũng thường xuyên trò chuyện và rất nể phục nghị lực của anh ấy. Gia đình tôi quá bất ngờ và thật sự xúc động với tấm lòng của anh Công khi anh quyết định bán đi chiếc HCV vô giá để giúp đỡ con tôi. Đó là cái ơn lớn mà gia đình tôi không bao giờ quên”.

Lau vội dòng nước mắt, chị Lài bộc bạch: “Dù bệnh tình con tôi trở nặng nhưng tôi luôn hy vọng cháu nhìn vào tấm gương nghị lực của chú Công để có đủ ý chí chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này”. Chia sẻ thêm với chúng tôi lý do chọn chiếc HCV World Cup cử tạ người khuyết tật thế giới năm 2016 để đấu giá mà không phải HCV khác, anh Công nói: “Năm đó, gần kề ngày thi đấu, tôi bị sốt siêu vi rút, suýt nữa thì không thi đấu được. Được sự động viên của ban huấn luyện cùng với ý chí của mình, tôi đã đạt được tấm HCV này với thành tích 180kg. Tấm huy chương đỉnh cao nhất của tôi đến thời điểm đó. Tôi muốn truyền thông điệp đến cháu Hương rằng “đừng bao giờ bỏ cuộc”.

Lan tỏa cảm hứng sâu sắc

Thật không quá khi nói hành động của VĐV khuyết tật Lê Văn Công là “thật phi thường”, hiếm thấy trong thể thao. Bởi lẽ, với một VĐV bình thường, việc phấn đấu khẳng định năng lực bản thân, được thi đấu quốc tế là điều hết sức khó khăn, chưa nói đến giành được thứ hạng cao. Mọi thứ còn trở nên khó khăn gấp vạn lần với các VĐV khuyết tật từ di chuyển, tập luyện và thi đấu. Chiếc HCV thuộc về Lê Văn Công nhưng cũng là niềm tự hào của thể thao khuyết tật Việt Nam. Đó chính là kết quả của sự khổ luyện, phải đánh đổi bằng biết bao hạnh phúc riêng tư, những giọt mồ hôi và cả những chấn thương trong nhiều năm ròng rã luyện tập. Giờ đây, anh nghĩ, tấm HCV này có thể mang lại một câu chuyện hết sức nhân văn, sự tử tế giữa người với người, của đạo lý “lá lành đùm lá rách” và tình làng nghĩa xóm.

Anh Lê Văn Công và người mua chiếc huy chương vàng Nguyễn Thiện.

Tấm lòng, nghị lực của VĐV Lê Văn Công đã lay động rất nhiều trái tim biết về anh. Anh Nguyễn Thiện, chủ nhân mới của chiếc HCV chia sẻ: “Tôi vốn đã ngưỡng mộ nghị lực của anh Công từ lâu và từng xem anh thi đấu, đăng quang vào năm 2016. Hình ảnh ăn mừng đầy xúc động của anh ấy vẫn còn lưu trong tâm trí của tôi. Khi biết anh đấu giá chiếc HCV để làm từ thiện, tôi cảm thấy đây là câu chuyện quá hay, quá nhân văn. Tôi không những muốn anh Công đạt được ý nguyện giúp cháu Hương bệnh hiểm nghèo mà muốn tiếp nối tinh thần của anh, lan tỏa câu chuyện vượt khó của VĐV này tới những người khuyết tật, những người đang chống chọi bệnh tật để tiếp thêm sức mạnh, cảm hứng để họ không đầu hàng trước số phận”.

Vì lẽ đó, việc đầu tiên và xúc động nhất của anh Nguyễn Thiện khi nhận chiếc HCV sau phiên đấu giá chính là trực tiếp đeo chiếc huy chương vào cổ của cháu Hương để truyền sức mạnh, cảm hứng, nghị lực động viên em chiến đấu với bệnh tật. “Tôi sẽ đem chiếc HCV của anh Công đi khắp nơi để lan tỏa câu chuyện nhân văn này trong cộng đồng người khuyết tật. Chiếc HCV không còn là miếng kim loại chỉ nằm trong hộp, mà nó đã trở thành một cuộc đời khác, mang một sứ mệnh nhân đạo khác” – anh Thiện nhấn mạnh.

Rõ ràng, hành động của anh Lê Văn Công để mọi người lắng đọng và cảm nhận rõ hơn những nét đẹp, nghĩa tình trong cuộc sống. Với những hoàn ảnh éo le, kinh phí để chữa bệnh rất cần nhưng chưa đủ, họ cần một tấm gương truyền cảm hứng động viên vượt lên số phận, bệnh tật như VĐV khuyết tật Lê Văn Công. Trên trang facebook cá nhân của mình, anh Nguyễn Thiện chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng, câu chuyện về chiếc huy chương này là một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa và không thể hay hơn. Tấm huy chương là minh chứng cho sự nỗ lực cố gắng phi thường, chiến đấu với khiếm khuyết bản thân và chiến thắng thử thách. Nó không chỉ là minh chứng cho sức mạnh tiềm tàng của người khuyết tật tại Việt Nam mà nó còn được khẳng định trên đấu trường quốc tế. Nó thôi thúc tôi mãnh liệt rằng: Hãy giữ lấy nó, hãy là một phần của câu chuyện và hãy để tinh thần của nó lan tỏa rộng hơn nữa”.

Anh Thiện khẳng định, phiên đấu giá kết thúc nhưng hành trình truyền cảm hứng của chiếc HCV cùng những người trong cuộc sẽ còn tiếp diễn. Anh không muốn giữ chiếc huy chương này cho riêng mình, không muốn cất nó trong hộp hay treo trên tường. Anh nhận ra sứ mạng của mình: Đó là hành trình mang chiếc huy chương này cùng với người thật việc thật về một điển hình của người khiếm khuyết để truyền cảm hứng cho những người đang cần tiếp thêm sức mạnh. Đó có thể là một em bé bị bệnh, là các em khuyết tật hay cả những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn… Các em sẽ có thêm nghị lực sống, nghị lực cống hiến, biết mơ lớn và hành động để chiến thắng.

Tấm gương nghị lực

Chàng trai vàng cử tạ Lê Văn Công từ lâu không còn xa lạ với khán giả và thể thao khuyết tật Việt Nam. Anh sở hữu bộ sưu tập huy chương vàng cử tạ ở khắp các đấu trường, từ khu vực, châu lục cho đến thế giới. Trong ngôi nhà nhỏ của mình, anh dành vị trí trang trọng để cất giữ, trưng bày những chiếc huy chương, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thế nhưng, chặng đường khổ luyện thành tài của anh là cả quá trình gian nan vô cùng, đủ chất liệu để các nhà văn viết nên thiên truyện cổ tích giữa đời thường.

Tổ ấm hạnh phúc của VĐV khuyết tật Lê Văn Công.

Anh bén duyên và luyện tập môn cử tạ tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Chỉ sau một năm tập luyện, anh đã giành được Huy chương Bạc Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc 2005. Vượt qua những thử thách và cả những chấn thương, Lê Văn Công liên tiếp chinh phục HCV hạng 49 kg. Trong đó, tiêu biểu như phá kỷ lục châu Á 2013, phá kỷ lục ASEAN Paragames VII, lập kỷ lục thế giới mới tại Asian Paragames 2014, giành HCV World Cup 2016 và giành HCV, phá kỷ lục thế giới tại Paralympic 2016, vô địch thế giới 2017 tại Mexico.

Thế nhưng, chàng trai khuyết tật teo chân bẩm sinh này phải đến 20 tuổi, anh mới ý thức được trách nhiệm của bản thân và quyết định rời quê Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, theo học nghề điện tử. Vậy nên, cho đến bây giờ, nghề chính của anh Công vẫn là lắp ráp, kinh doanh hàng điện tử như quạt, âm ly, loa… Chỉ những lúc phải tập luyện cường độ cao để đi thi đấu, anh mới tạm gác việc làm của mình.

Những ngày này, phòng tập chuyên môn cử tạ của VĐV khuyết tật ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) chỉ vỏn vẹn có 4 VĐV đang thực hiện các bài tập chính. Trong đó, hai VĐV nam là anh Công và đồng đội Nguyễn Bình An. Anh đang luyện tập chăm chỉ để hướng tới bảo vệ HCV tại ASEAN Paragames 2019, cũng như đạt thành tích tốt tại World Cup 2020 và Paralympic 2020. Anh Công cho biết: “Gần hai năm qua, tôi không tham gia thi đấu do chấn thương khi luyện tập, nhất là lúc bị rạn xương vai. Tôi đang luyện tập trở lại với mong muốn đạt phong độ tốt để tham gia các kỳ thi sắp tới”.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Huấn luyện viên trưởng Đội Cử tạ khuyết tật Việt Nam nhận xét: “Hiếm có tấm gương như Lê Văn Công. Chúng tôi luôn ủng hộ tấm lòng của anh, cũng như ý chí, nghị lực của người VĐV này. Anh ấy đã truyền cảm hứng, ý chí cho người khuyết tật khác noi theo và cả hàng triệu thanh niên Việt Nam. Hy vọng anh ấy tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp”.

Nói về bí quyết thành công của mình, lực sĩ Lê Văn Công rất khiêm tốn: “Đó là hậu phương. Tôi may mắn có người vợ đảm đang và những đứa con ngoan. Hậu phương luôn là nguồn cổ vũ, động viên tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, là niềm tự hào lớn nhất của tôi trong mỗi chiếc huy chương”.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/trai-tim-vang-cua-luc-si-khuyet-tat-le-van-cong-599748