Trái tim người thầy nhiệt huyết của Chu Văn Sơn đã ngừng thổn thức

Với một người thầy như Chu Văn Sơn, truyền cảm hứng quan trọng hơn là trao tri thức. Vì thế, di sản của ông sẽ còn tỏa lan trong đời sống văn chương, trong tâm trí học trò.

Nhắc đến nhà giáo, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, giới văn chương luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và yêu mến trước một con người tài hoa, lịch lãm. Cuộc đời ông, văn chương của ông là hiện thân cho cái đẹp - cái đẹp cao cả và thiện lương, một cái đẹp được duy trì bởi sự sống động, lay động lòng người.

Khi trái tim sôi nổi lãng mạn ngừng đập, một khoảng trống không gì bù lấp

Có lẽ vì thế, khi đến giữa cuộc đời, giữa bạn bè, đồng nghiệp và bao thế hệ học trò cả nước, ông luôn có được niềm trân trọng hết mức. Giờ đây, khi trái tim sôi nổi, lãng mạn, đầy nhiệt huyết kia ngừng đập, khi khối óc đã thôi không còn suy tư trăn trở, người ta mới bàng hoàng nhận ra khoảng trống mà ông để lại. Một khoảng trống không dễ gì bù lấp ở hiện tại và sau đó nữa…

Những ai đã biết, từng quen thân, từng nghe thầy Chu Văn Sơn giảng bài hay nói chuyện chắc sẽ phải ngậm ngùi vì sự ra đi vội vã của ông. Ngoảnh lại hành trình của một đời tài hoa, mỗi dấu mốc là một sự đóng góp, một ký thác đầy tâm huyết cho văn chương nghệ thuật và cho nền giáo dục Việt Nam.

Trên phương diện người thầy, Chu Văn Sơn trao truyền tình yêu thi ca, cái đẹp tới bao lớp học trò.

Trên phương diện người thầy, Chu Văn Sơn trao truyền tình yêu thi ca, cái đẹp tới bao lớp học trò.

Trên bục giảng, ông mang đến cho người học những trải nghiệm văn chương thú vị, say mê. Trên văn đàn, ông mang đến cho người đọc những công trình chuyên sâu, với hàm lượng tri thức, nghệ thuật ở tầm mức rất cao.

Vì thế, di sản của ông còn nguyên giá trị với văn giới, với các thế hệ học trò văn chương trong cả nước. Từ các bài giảng, bài nói chuyện trên giảng đường, đến những bài viết phê bình văn học đặc sắc, đích đáng về các nhà giáo, nhà khoa học (Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đình Chú, Lưu Đức Trung), các nhà thơ như Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Trúc Thông, Vi Thùy Linh…

Đặc biệt những cuốn sách như cẩm nang văn học (Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử; Thơ - điệu hồn và cấu trúc; Tự tình cùng cái đẹp…) thực sự đã neo vào tâm trí người đọc những giá trị văn chương cốt lõi.

Người đọc không chỉ nhận ra chân dung nghệ thuật - học thuật của mỗi tác giả, mà sâu bên trong, từ phương pháp tiếp cận của ông, người ta nhìn ra một cơ chế làm việc, suy tư và xúc cảm đến kiệt cùng. Nhưng, sau hết thảy, văn chương chính là cuộc đời ông, là sự phóng chiếu cốt cách và tâm tình của ông.

Bởi thế, dù nghe ông nói chuyện, tiếp xúc hay thông qua đọc sách, người ta nhận được nguồn cảm hứng đầy say mê từ ông. Có lẽ, với một người thầy như Chu Văn Sơn, truyền cảm hứng quan trọng hơn là trao tri thức. Vì thế, di sản của ông hẳn sẽ còn tỏa lan trong đời sống văn chương, trong tâm trí học trò trên nhiều vùng miền của cả nước.

Chu Văn Sơn quan niệm cái đẹp là cái sống - sống động, lay động. Bởi thế, văn chương của ông, từ đối tượng đến phương cách tiếp cận, chữ nghĩa và ý tình đều được rọi chiếu bằng cái nhìn tinh tế, bén nhạy, nhuyễn mà lưu hoạt, sâu mà vẫn bao quát, sắc mà hài hòa. Có được điều đó bởi đối tượng và ý nghĩ không rời bỏ ông, bám riết, kêu gọi cất lời.

Ông nhận ra, Xuân Diệu - tù nhân của chữ Tình, Nguyễn Bính - kiếp con chim lìa đàn, Hàn Mặc Tử đau thương cất lời thành mỹ học của cái tột cùng, Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc, Nguyễn Duy - thi sĩ thảo dân, Thanh Thảo - nghĩa khí và cách tân, Xuân Quỳnh - cánh chuồn trong giông bão, Trúc Thông - ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ

Mỗi định danh của Chu Văn Sơn là một chỉ dấu quan trọng cho việc kiếm tìm chân dung nghệ thuật của các nhà thơ. Những định danh thật đích đáng! Thế nên, nhắc đến những văn thi sĩ lừng lẫy ấy, người ta phải nhắc đến những khuôn diện, hình hài đã được Chu Văn Sơn phác tạc.

Cây bút phê bình tài hoa mà nghiêm cẩn

Từ chân dung nghệ thuật của văn sĩ, chúng ta nhận ra chân dung của một nhà phê bình tài hoa mà nghiêm cẩn (Chu Văn Sơn xem phê bình là sự hòa huyết của nghệ thuật và khoa học. Sản phẩm phê bình vừa là một công trình khoa học cũng là một sản phẩm nghệ thuật). Thế kỷ XX, ở địa hạt phê bình văn học, với những gì đã thể hiện, không quá lời khi nói rằng, Chu Văn Sơn thực sự là một đỉnh cao.

Không chỉ viết phê bình, Chu văn Sơn còn là một cây tùy bút đáng nể của văn học Việt Nam đương đại. Tập Tự tình cùng cái đẹp vừa ấn hành tháng 3/2019 với 11 tùy bút của ông xứng đáng là một cuốn sách hay cho người yêu mến cái đẹp.

Những ai từng đọc ông từng tùy bút lẻ trên Facebook, qua báo chí, giờ được cầm trên tay ấn phẩm này chắc hẳn sẽ càng thêm yêu quý ông. Qua mỗi trang tùy bút, cốt cách thanh nhã, nỗi ưu tư sâu lắng, niềm chân thành nồng đượm, giọng điệu đằm thắm thiết tha hiện lên, như chính cuộc đời ông.

Có những tùy bút được văn giới truyền tai nhau là “trứ danh”, “thần sầu” (Sơn Đoòng, Kiếp tượng nhà mồ, Angkor những đối cực của cái đẹp). Có những tùy bút xinh xắn, vừa bay bổng lại vừa giàu suy tư như Nên bị gai đâm, Phận hoa bên lề, Ở đầm Vạc viết cho cò, Hẹn hò Tây Bắc

Và đây, một đoạn văn thật đẹp: “Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm. Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ".

"Giọng ca trơn làm tổn thương điệu nhạc say đắm. Ngón tay bấm bâng quơ làm tổn thương bao âm giai ẩn trong mỗi phím đàn. Lần lỗi hẹn làm đau điểm hẹn. Cái bắt tay ơ hờ làm đau nhịp tim sâu. Nụ cười tắt mau làm tổn thương những thắc thỏm mong cầu. Tiếng thở dài làm tổn thương ánh nhìn ngân ngấn. Thoáng chau mày làm đau giọt mồ hôi lau vội lúc cuối ngày” (Nên bị gai đâm).

Tự tình cùng cái đẹp - cuốn sách cuối cùng của nhà phê bình, nhà giáo Chu Văn Sơn. Ảnh: PN

Chu Văn Sơn, trong cả phê bình và sáng tác (thực ra thì cả trong hội họa, âm nhạc và kiến trúc không gian sống) đều hiện lên là một nhà duy mĩ. Sâu hơn, duy mĩ bởi đam mê cái lay động lòng người, cái sống động thanh cao, vi tế, diệu kỳ của đời, của văn chương nghệ thuật.

Ông trân trọng sự sống - cái sống, vì thế, dù là nói chuyện thế sự hay dạy cho học trò một ý văn, viết về một tác giả, tác phẩm, thể loại hay cả một trào lưu, giai đoạn văn học, ông đều cố gắng nắm bắt cái phần linh diệu nhất, lõi cốt nhất làm nên dung mạo, thần thái, bản chất của đối tượng.

Hướng tiếp cận từ thực tại văn chương, đi sâu vào đối tượng để khám phá và trình hiện cho phép Chu Văn Sơn đặt lý thuyết xuống hàng thứ yếu. Thực tại văn chương qua cái nhìn thông suốt của ông mang khả năng chất vấn, soi chiếu, thậm chí bổ túc lại lý thuyết. Đây cũng có thể xem là một mô hình làm việc hiệu quả - có sức sống nhất, trong bối cảnh các lý thuyết đang “nhập cảnh” một cách ồ ạt vào Việt Nam như hiện nay.

Trái tim người thầy nhiệt huyết của Chu Văn Sơn đã ngừng thổn thức. Niềm say mê tận cùng với đời sống, văn chương nghệ thuật đã ngủ yên cùng cơn đau cuối cùng. Những ai yêu mến ông, ở một khoảnh khắc nào đó, đã thảng thốt gọi tên Chu Văn Sơn trong sự trìu mến và tiếc nuối.

Dẫu vậy, “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, các giá trị nghệ thuật - học thuật cùng di sản tinh thần gợi lên từ Chu Văn Sơn hẳn sẽ còn sống động giữa nhân gian, như là mây trắng vẫn bay trên trời xanh biếc!

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trai-tim-nguoi-thay-nhiet-huyet-cua-chu-van-son-da-ngung-thon-thuc-post937361.html