'Trái tim lông' và sức mạnh của dư luận

'Trái tim lông' là cách mà nhiều người dân Hà Nội và cư dân mạng gọi tạo hình trái tim kỳ dị bằng tre trúc, cây nhỏ tua tủa được dựng bên bờ Hồ Gươm.

"Trái tim lông" đã bị tháo dỡ trước phản ứng của dư luận. Ảnh: TS

"Trái tim lông" đã bị tháo dỡ trước phản ứng của dư luận. Ảnh: TS

"Trái tim lông" này được dựng trên vỉa hè bờ Hồ Gươm phía đường Đinh Tiên Hoàng vào ngày 10/12 và nhanh chóng gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ, nhân dân Thủ đô, trở thành đề tài nóng rực trên mạng xã hội, được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày cuối tuần qua, kể từ tối 11/12.

Điều rất hiếm thấy trong xã hội hiện nay, có thể nói là lần đầu tiên, trong vụ việc này, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và đông đảo cư dân mạng đã gần như thống nhất tuyệt đối về quan điểm và các đề nghị đưa ra đòi dỡ bỏ tạo hình trái tim kỳ quái này, hầu như không hề có một ý kiến trái ngược nào.

Các ý kiến trong dư luận có thể khác nhau về hình thức trình bày, về cách thể hiện thái độ, về mức độ phê phán, nhưng hoàn toàn thống nhất về quan điểm.

Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều là một trong những người lên tiếng phản đối đầu tiên trên Facebook cá nhân. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết (lược trích):

Ngay trên bờ Hồ Gươm mà cho dựng lên một hình ảnh quái dị như thế này quả là người ta đang bị làm sao ấy, không bình thường.

Mấy năm trước đây, người ta còn định cho dựng bức tượng Kinh Kong khổng lồ từ bộ phim Đảo đầu lâu được quay ở Việt Nam bên Hồ Gươm. Nhưng vì dư luận phê phán gay gắt họ lại thôi.

Tôi mang cảm giác: Bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch Thủ đô thời đổi mới. Vì thế, thi thoảng họ lại cho hiện ra giữa Thủ đô một hình thù quái dị.

Lại cảm thấy rằng: Mảnh đất kinh kỳ mang tên Thăng Long đã lặng lẽ bỏ đi và vứt lại cho chúng ta một thành phố lộn xộn và nhiều điều quái dị...

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một người Hà Nội vô cùng yêu Hà Nội, cũng viết trên Facebook cá nhân:

Cái quái gì thế này? Triều đại mới của Hà Nội định phá nốt trái tim Hồ Gươm của Thăng Long văn vật hay sao?

Thăng Long ngàn năm tuổi đấy. Nhiệm kỳ các vị chỉ 5 năm. Tỉnh táo đi để nhìn tấm gương tiền nhiệm mà trả lại hồn thiêng Hoàn Kiếm.

Ngay và luôn. Việc rất nhỏ nhưng đây chính là tư duy quản lý vừa chụp giật manh mún vừa kém mỹ cảm làm tổn thương trái tim những người Hà Nội yêu Hà Nội...

Đại tá An ninh, nhà thơ, nhà báo Trọng Nghĩa, nguyên Phó TBT báo ANTĐ, đã viết trên Facebook một dòng trạng thái rất đầy đủ và trên tinh thần trách nhiệm cao (trích):

Hồ Gươm - trái tim của Thủ đô là nơi linh thiêng hội tụ, vốn không cần lòe loẹt xanh đỏ của đèn màu, của băng rôn, khẩu hiệu đã đẹp lắm, một vẻ đẹp trầm mặc, sang trọng.

Vậy mà khá nhiều thời điểm người ta đã băm nát vẻ đẹp đó.

Có thể những người "băm nát" ấy cũng chỉ đơn giản nghĩ muốn làm cho Hồ Gươm thêm đẹp. Nghĩ đơn giản nên làm tùy tiện, ẩu.

Không thể và không bao giờ được “làm đẹp” kiểu ấy. Cái "trái tim lông” kia chắc khi dựng lên, người ta muốn đưa “một mảnh hồn quê" về đấy chăng?!

Khẩn cấp đề nghị lãnh đạo và “cả hệ thống chính trị" vào cuộc yêu cầu tháo dỡ ngay và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giải trình.

Hãy trả lại Hồ Gươm vẻ đẹp trầm mặc, linh thiêng”.

Một cô giáo THPT ở Hà Nội có nick name Lê Tuyết viết:

Không chỉ xấu mà cái chính là nó không đúng chỗ. Hồ Gươm trước hết là di tích lịch sử, chứ không phải điểm du lịch thuần túy như Hồ Đồng Mô hay Hồ Than thở..., để có thể dựng nên những thứ của nợ sến sẩm, rác rưởi thế này...

Trả lời phỏng vấn báo chí, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, dù hiểu rằng tạo hình này chỉ là một trang trí trong tổng thể trang trí bên bờ Hồ Gươm, xung quanh tượng đài Lý Thái Tổ cho một lễ hội văn hóa dân gian diễn ra vào cuối tuần, nhưng ông vẫn khẳng định dù tạm bợ thì cũng không thể đặt một tạo hình "không ổn" về thị giác như vậy ở không gian Hồ Gươm.

Ở không gian thiêng Hồ Gươm thì đừng đưa cái gì phản cảm về thẩm mỹ vào đó", ông Đoàn nói và nhắc lại nhiều cái phản cảm mà Hà Nội đã cho dựng bên bờ Hồ Gươm như quả cầu với bản đồ Việt Nam đỏ chót, hay tạo hình trang sách mở trên một bàn tay rất xấu xí đặt rất gần đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và được giữ trong nhiều năm.

Những cái đó đâu phải là điêu khắc, chúng kéo lùi thẩm mỹ đương đại", ông Đoàn khẳng định. Theo ông, những "tai nạn" này thuộc về trách nhiệm của những nhà quản lý đã không cẩn trọng khi duyệt đưa ra không gian công cộng những cái "được gọi là nghệ thuật nhưng không đạt được chất lượng nghệ thuật gây phản cảm về thẩm mỹ".

Trước sự phản ứng hết sức đồng loạt và mạnh mẽ của dư luận, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phải vội vã tháo dỡ ngay “trái tim lông” trong đêm 11/12.

Trả lời báo chí về "tai nạn" này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, giải thích đó là một sản phẩm thủ công của các nghệ nhân một làng nghề mây tre đan ở Hà Nội mang đến để giới thiệu về làng nghề mình trong Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại sẽ diễn ra từ tối nay đến hết ngày 13/12 ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm.

Ngay sau phát biểu trên của ông Tô Văn Động, cộng động mạng lại đã nhanh chóng tìm ra hình ảnh trên Internet để chứng minh tạo hình trái tim này không hề là sản phẩm mỹ thuật dân gian của Việt Nam, mà là bắt chước nguyên xi mẫu hình này từ Thái Lan và Indonesia .

Đây không phải là lần đầu tiên những sản phẩm tạo hình thấp kém về thẩm mỹ phải bị dỡ bỏ quanh Hồ Gươm. Vào dịp Tết âm lịch năm ngoái là những chùm tranh và đèn chiếu mang hình hoa bèo trang trí quanh đài phun nước ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Gần đây nhất là một tác phẩm nghệ thuật dựng bên bờ Hồ Gươm cũng từng phải vội vã tháo bỏ vì khiến người dân tưởng nhầm là... nhà vệ sinh

Đây cũng không phải là lần đầu tiên dư luận lên tiếng để bảo vệ vẻ đẹp của Hồ Gươm nói riêng và Thủ đô nói chung. Nhưng, có lẽ đây là lần duy nhất từ trước đến nay, chúng ta chứng kiến sức mạnh và hiệu quả của dư luận có ý nghĩa lớn như thế nào.

Chỉ trong vòng 24h, cơ quan chức năng đã phải làm theo đúng yêu cầu và mong mỏi của dư luận. Hoan nghênh tinh thần cầu thị của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, và đặc biệt hoan nghênh dư luận mạnh mẽ nhưng đúng đắn, có lý, có tình trong vụ “trái tim” này.

Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng của sự tiến bộ về phát huy dân chủ trong tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp của chúng ta.

Vũ Hùng - Theo cuocsongantoan.vn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/trai-tim-long-va-suc-manh-cua-du-luan-d143315.html