'Trải thảm đỏ' nhưng vẫn khó mời gọi bác sỹ về công tác ở Kiên Giang

Để giải quyết bài toán thiếu hụt y bác sỹ, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực nhưng chưa hiệu quả.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành chính sách ưu đãi để thu hút bác sỹ, dược sỹ về làm việc tại địa phương. Cụ thể, mỗi bác sỹ về làm việc tại Kiên Giang sẽ được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Tỉnh Kiên Giang hiện đang thiếu một lượng lớn bác sỹ.

Tỉnh Kiên Giang hiện đang thiếu một lượng lớn bác sỹ.

Riêng bác sỹ đào tạo theo địa chỉ, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương theo cam kết ban đầu vẫn được hỗ trợ 100 triệu đồng/người. Những bác sỹ tình nguyện về công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới còn được hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà. Tuy nhiên đến thời điểm này, Kiên Giang mới chỉ có 15 bác sỹ đăng ký làm việc.

Theo Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, khi tỉnh ban hành chính sách này thì đã cuối năm, bệnh viện không kịp thông báo tuyển dụng đối với các bác sỹ mới ra trường.

Do triển khai chậm nên bệnh viện chỉ tuyển dụng được 12 bác sỹ, nhưng sau gần 1 năm làm việc, nhiều bác sỹ xin nghỉ, nay chỉ còn 4 bác sỹ làm việc tại bệnh viện.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã chủ động gặp mặt, gửi thông báo thu hút bác sỹ đến các trường đào tạo rất sớm.

Ngoài chính sách của tỉnh, Bệnh viện còn có chính sách ký kết hợp đồng và gửi đi học chuyên khoa theo nguyện vọng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn hy vọng sẽ có nhiều bác sỹ đăng ký về làm việc tại tỉnh Kiên Giang.

"Khoảng cuối năm 2019, chúng tôi sẽ di dời về cơ sở mới, đây là cơ sở rất tốt, quy mô hiện đại, trang thiết bị mới hoàn toàn. Đây là cơ sở điều trị cho bệnh nhân rất tốt, đồng thời tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ y, bác sỹ phát triển chuyên môn. Hầu hết các chuyên khoa lớn ở bệnh viện đều được sự trợ giúp từ các bệnh viện tuyến Trung ương. Vì vậy các bác sỹ làm việc ở đây có điều kiện phát triển ngành nghề chuyên sâu", ông Sơn cho biết thêm.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang xây mới bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 1.200 giường và đang xây dựng 4 bệnh viện chuyên khoa gồm bệnh viện sản-nhi, lao phổi, ung bướu và tâm thần. Sau năm 2020, khi các bệnh viện này đi vào hoạt động, Kiên Giang sẽ cần đội ngũ bác sỹ chuyên khoa khoảng 1.000 người.

Theo ông Hà Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, vấn đề khó khăn nhất đối với ngành y tế của tỉnh là nguồn bác sỹ, dược sỹ, thiếu trầm trọng, nhất là bác sỹ ngoại nhi và ung bướu.

Mỗi năm tỉnh có khoảng 50 sinh viên đào tạo theo địa chỉ ra trường, số lượng này cũng chỉ bù đắp cho lượng bác sỹ nghỉ hưu và 1 số xin nghỉ việc chuyển công tác.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 cán bộ y tế, trong đó cán bộ có trình độ đại học, trên đại học là hơn 1.500 người. Với lực lượng cán bộ như hiện nay thì cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng, nhất là cơ cấu vẫn chưa đảm bảo.

Ông Hà Văn Phúc cho biết, một số loại hình hiếm bác sỹ như: Lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh, chuyên khoa lẻ, gây mê hồi sức và xét nghiệm.

Tỉnh không phân biệt vùng miền, chỉ cần các bác sỹ đồng ý về công tác phục vụ tại tỉnh Kiên Giang đều được hưởng ưu đãi và tạo điều kiện làm việc tốt nhất.

"Đối với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là có trình độ sau đại học, chúng ta nên có chế độ ưu đãi theo từng nấc thang. Ví dụ như với bác sỹ có trình độ thạc sỹ thì nâng cao hơn mức 150 triệu, chuyên khoa 2 thì cao hơn thạc sỹ chuyên khoa 1, tiến sỹ thì cao hơn nữa thì mới có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nơi khác về", ông Phúc cho biết.

Mặc dù Kiên Giang đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng từ nhiều năm nay tại các bệnh viện Kiên Giang vẫn thiếu bác sỹ.

Hy vọng với nhiều chính sách ưu đãi mà tỉnh mới được ban hành, Kiên Giang thu hút được nhiều bác sỹ đăng ký làm việc tại địa phương./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/trai-tham-do-nhung-van-kho-moi-goi-bac-sy-ve-cong-tac-o-kien-giang-798682.vov