Trải qua biến cố, 2 gia đình vào rừng dựng nhà gỗ, sống hòa mình vào thiên nhiên

Trong khu rừng cách thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) 40 phút lái xe về phía Tây có 3 căn nhà bằng gỗ. Cả 3 đều thuộc sở hữu của Mục Uy và Vạn Khiêm – 2 kiến trúc sư của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung.

Những căn nhà trong rừng của Mục Uy và Vạn Khiêm

Mục Uy (SN 1980, quê Hà Bắc), từng có nhiều năm làm việc ở Tây Ban Nha và Na Uy. Năm 2010, Mục Uy về Vũ Hán cưới vợ, sinh con và trở thành giảng viên kiến trúc.

Vạn Khiêm (SN 1970) là người Vũ Hán, dạy lịch sử kiến trúc. Cả hai đã làm việc cùng nhau từ năm 2013.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, gia đình Mục Uy đang đi du lịch nước ngoài nên bị mắc kẹt gần 3 tháng. Cả nhà 4 người của Vạn Khiêm cũng không khá hơn khi nhận kết quả dương tính vào đúng 30 Tết. Họ bị cách ly tại nhà, trong bệnh viện và trong khách sạn suốt 3 tháng cho đến khi Vũ Hán trở lại cuộc sống bình thường.

Trong thời gian điều trị bệnh, có một lần Vạn Khiêm phải lên xe cấp cứu để đi từ điểm cách ly tập trung đến bệnh viện. Lúc xe đi qua Quảng trường Shouyi, nơi quen thuộc với anh mỗi ngày đi làm, Vạn Khiêm thấy những chiếc lá xanh tươi và những bông hoa anh đào đang nở. Anh nhận ra rằng, cảm giác được sống giữa thiên nhiên thật là tuyệt vời.

“Khoảnh khắc đó, tôi thực sự khao khát được trò chuyện trực tiếp với mọi người, được tự tay mình xây một ngôi nhà, đốt củi, nhìn thấy ngọn lửa cháy ầm ầm trong lò sưởi và những vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời mỗi đêm”, Vạn Khiêm tâm sự.

Mục Uy (trái) và Vạn Khiêm (phải)

Khi trở lại cuộc sống bình thường, Vạn Khiêm và Mục Uy quyết tâm trở về với thiên nhiên, tự xây nhà và làm những việc mình thích.

Họ chọn khu rừng cách thành phố Vũ Hán không xa để xây dựng 3 ngôi nhà bằng gỗ và đặt tên cho 3 ngôi nhà là: Dumbo, Obelisk và Big Triangle.

Ngôi nhà Dumbo có phòng cho lũ trẻ là những chiếc hộp gỗ độc lập. Ở đó, lũ trẻ có thể thoải mái học tập, nô đùa. Người lớn cũng có nơi riêng để đọc sách, trò chuyện, uống rượu và thư giãn.

Phòng cho lũ trẻ là những chiếc hộp gỗ độc lập.

Ngôi nhà Obelisk được xây dựng theo phong cách kiến trúc Obelisk (bút tháp đá) của người Ai Cập cổ đại. Mục Uy và Vạn Khiêm để phần chóp làm gác xép và làm cầu thang leo vì những đứa trẻ đều thích cảm giác lắc lư và run rẩy khi bước lên.

Ngôi nhà gỗ chỉ rộng 10m2 nhưng đầy đủ trang thiết bị thiết yếu, bao gồm cả lò sưởi để có thể đi chân trần trên sàn nhà ấm áp. Mỗi khi rời thành phố đến sống ở căn nhà gỗ, họ có thể tự tay chặt củi và sử dụng lò sưởi để đun nước tắm.

Mục Uy và Vạn Khiêm cho biết, họ muốn tạo nên cuộc sống khác biệt so với ở thành phố. “Sự thư thái và thú vị của kỳ nghỉ nên là một trải nghiệm mà chúng ta không thể có được trong cuộc sống hàng ngày”.

Ngôi nhà gỗ còn lại có tên Big Triangle là đơn giản và vững chãi nhất. Ngôi nhà được lấy cảm hứng từ hình ảnh những túp lều trong ký ức tuổi thơ của Mục Uy và Vạn Khiêm.

Hai kiến trúc sư cho biết, kiến trúc xây nhà kiểu dáng túp lều không còn phổ biến nhưng họ muốn thông qua môi trường sống để đưa bản thân trở về giống như thời sơ khai, được hòa mình với thiên nhiên đất trời.

Trong nhà có đầy đủ trang thiết bị thiết yếu.

Những khối gỗ được chính tay Mục Uy và Vạn Khiêm xếp lại thành ngôi nhà khiến mỗi khoảnh khắc dựng nhà đều vui vẻ, ấm áp, đối lập với những bụi bặm, ồn ào của bê tông cốt thép trong công trường của thành phố.

Sau khi nhà xây xong, hầu như cuối tuần nào Mục Uy và Vạn Khiêm cũng đưa gia đình đến đây ở để hòa mình vào với thiên nhiên. Mục Uy và Vạn Khiêm còn nói, nếu không phải vì những đứa trẻ phải đi học ở thành phố, họ thực sự muốn sống ở đây mỗi ngày.

Mục Uy và Vạn Khiêm thường đưa gia đình về ngôi nhà gỗ vào mỗi dịp cuối tuần.

Linh Giang (Theo 163)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trai-qua-bien-co-2-gia-dinh-vao-rung-dung-nha-go-song-hoa-minh-vao-thien-nhien-2020906.html