Trái phiếu ngân hàng tăng tốc

Ngân hàng tranh thủ tích trữ 'lớp đệm' an toàn trong mùa dịch.

Huy động vốn cấp 2 từ trái phiếu là hoạt động thường xuyên của ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng phải đáp ứng các tiêu chí mới theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng đang tăng tốc tạo thêm lớp đệm để ứng phó với tình trạng chất lượng tài sản giảm trong tương lai.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây ghi dấu ấn mới khi một ngân hàng ngoại đã huy động vốn từ trái phiếu. Theo đó, HSBC Việt Nam đã phát hành thành công 600 tỉ đồng trái phiếu với tên gọi Hoa Sen, lãi suất ở mức cố định 5,8%/năm trên mệnh giá và có kỳ hạn 3 năm. “Số tiền từ đợt phát hành sẽ được HSBC Việt Nam sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn tiền đồng nhằm mục đích phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững trong thời gian tới”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn HSBC Việt Nam, cho biết.

Là ngân hàng quốc tế có thực lực về nguồn lực tài chính, lại thu xếp nhiều đợt huy động vốn lên đến cả tỉ USD cho các định chế tài chính tại Việt Nam, việc tham gia phát hành trái phiếu của HSBC ở thị trường nội địa hẳn nhiên cho thấy sự thay đổi nào đó trên thị trường gọi vốn của các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, từ trước đến nay việc huy động vốn từ trái phiếu của ngân hàng, để bổ sung nguồn vốn quan trọng là vốn cấp 2, là chuyện không mới. Tuy nhiên, sân chơi chiếm hơn nửa lượng vốn trái phiếu huy động trong nửa đầu năm nay lại tăng đáng kể.

Báo cáo gần nhất cho thấy tính riêng tháng 6, có 46 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động 42.474 tỉ đồng. Theo đó, tổng giá trị phát hành của các ngân hàng là 20.536 tỉ đồng, chiếm gần một nửa trong tổng giá trị phát hành chung. Trong đó, có sự góp mặt của các ngân hàng như BIDV (6.174 tỉ đồng), HDBank (4.500 tỉ đồng) và OCB (3.735 tỉ đồng). Đáng chú ý là nhiều ngân hàng đã tăng tốc gọi vốn từ thị trường trái phiếu trong quý II, khi giá trị phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng tăng tới 17 lần so với quý I.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định. Thống kê của SSI cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại phát hành 42.500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm.

Nhiều năm qua, dưới áp lực của quy định mới trong Thông tư 41 về chuẩn an toàn hoạt động theo Basel II, các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đạt chuẩn an toàn, nhưng kế hoạch tăng vốn cứ được đặt xuống lại nâng lên, được lý giải là do thị trường không phù hợp.

Căng thẳng nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, kể cả Vietcombank vẫn phải tiếp tục kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới. BIDV dù phát hành 15% cổ phần cho KEB Hana Bank với giá trị 876 triệu USD vào năm ngoái, vẫn là ngân hàng rất tích cực phát hành gọi vốn từ thị trường trái phiếu. Còn VietinBank do vướng cơ chế, thì trái phiếu lại trở thành “bạn thân” đồng hành trong nhiều năm qua.

Để hấp dẫn, nhiều tổ chức tín dụng đưa ra sản phẩm có quyền lợi tốt hơn. Theo báo cáo của SSI, nhà đầu tư cá nhân chỉ mua trái phiếu kỳ hạn 7 năm của TPBank với lãi suất thả nổi, cao hơn lãi suất tiền gửi khoảng 2-2,6%/năm, hay trái phiếu kỳ hạn 6-10 năm của BIDV có kèm cam kết mua lại trước hạn sau 1-5 năm, ở mức lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi từ 0,6-1,2%.

Những động thái này bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 2 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều ngân hàng chịu áp lực nặng nề về vốn cấp 1 và cấp 2. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, lý do khiến ngân hàng tăng tốc đẩy mạnh gọi vốn từ trái phiếu không chỉ để đáp ứng các quy định về an toàn vốn trong Thông tư 41, mà còn để bù đắp phần vốn thiếu hụt từ các khoản thu hồi nợ đến hạn.

“Các khoản nợ này đáng lý phải trở lại ngân hàng, tuy nhiên vì dịch COVID-19 mà phải giãn, hoãn trả nợ cho khách hàng”, chuyên gia phân tích của VNDirect nhìn nhận. Trên thực tế, ngay từ đầu quý I, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn này để đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn. Thay vào đó, các ngân hàng thương mại đã tranh thủ lấy phần cổ tức tăng vốn. Thống kê cho thấy có khoảng 20 ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay, với tổng giá trị xấp xỉ 70.000 tỉ đồng.

Ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ, một số ngân hàng còn muốn phát hành trái phiếu ngoại tệ ở thị trường quốc tế, như HDBank, ACB. Hồi tháng 5, Techcombank công bố huy động được 500 triệu USD khoản vay hợp vốn có kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,5%/năm.

Chia sẻ với báo chí, nhiều lãnh đạo ngân hàng tin rằng ảnh hưởng thực sự của dịch bệnh COVID-19 đến các ngân hàng sẽ có độ trễ, ít nhất là vào cuối năm nay. Rõ ràng, các tổ chức tín dụng cũng tranh thủ tích trữ “lớp đệm” an toàn trong mùa dịch, dù về bản chất, gọi vốn từ thị trường trái phiếu chỉ là phương án tạm thời trong lúc chờ tăng vốn cấp 1.

Phương Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/trai-phieu-ngan-hang-tang-toc-3336601/