Trái ngược nội bộ Nga dồn Thổ vào 'đường cùng' trước bùng nổ Idlib?

Việc trì hoãn tổng tấn công Idlib là tín hiệu bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện 'trách nhiệm' của mình tại đây?

Chỉ một tuần sau khi tưởng như tỉnh Idlib phải hứng chịu cuộc tổng tấn công từ quân đội chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, hôm thứ Sáu (14/9), hàng nghìn người dân tại đây đã đổ ra đường biểu tình kêu gọi ông Assad rời bỏ quyền lực.

Hoạt động biểu tình diễn ra tại ít nhất 47 thị trấn và ngôi làng ở Idlib cũng như một số vùng lân cận. Người dân giơ cao các biểu ngữ có nội dung như:“Lực lượng đối lập là hy vọng của chúng tôi, người Thổ Nhĩ Kỳ là anh em”, “Sẽ không có giải pháp nào tại Syria nếu chính quyền Assad không sụp đổ”…

Chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu và Mỹ lo sợ, vẫn chưa diễn ra.

Trong vòng bốn ngày liên tiếp, không có không kích, không đạn pháo, không triển khai quân lính… Thay vào đó, có vẻ như mối đe dọa từ Damascus và Nga đã tạm thời dừng lại.

“Chúng tôi nhận thấy sự tạm dừng,” một quan chức quốc phòng Mỹ nói. “Chúng tôi sẽ không đưa ra lý do tại sao vào thời điểm này”.

Hôm Thứ Ba (12/9), phát biểu tại Geneva, Đặc phái viên của Nga tại Syria Alexander Lavrentiev cho biết, mọi chuyện phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ có giúp Idlib thoát khỏi các tay súng cực đoan, được hay không. “Chúng tôi nói rằng, tình hình tại Idlib tốt nhất nên được giải quyết theo cách hòa bình. Có thể không phải sử dụng sức mạnh quân sự”, ông Lavrentiev nói. “Tỉnh Idlib giống như một khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm; họ có nghĩa vụ phân tách lực lượng nổi dậy trung hòa từ những kẻ cực đoan, từ Jabhat al Nusra và các nhóm khác, các nhóm khủng bố”.

Jabhat al Nusra là một trong những nhóm đầu tiên và chính thức có liên hệ với al Qaeda. Sau đó nhóm này đổi tên và liên minh với một số nhóm khác để tạo thành Hay'at Tahrir al-Sham (HTS); đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ với al Qaeda. Mặc dù vậy, HTS vẫn bị nhìn nhận là một tổ chức khủng bố. Hiện HTSL đang là lực lượng có tiếng nói lớn nhất tại Idlib.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ từ chối bình luận về tình huống hiện tại ở Idlib, trong khi Đại sứ quán Nga tại Ankara chuyển tất cả các câu hỏi nhận được cho Bộ Ngoại giao Nga. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, chính phủ Mỹ đang quan sát chặt chẽ “khả năng ngừng chiến dịch”.

“Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới một lệnh ngừng bắn, nhưng việc giảm leo thang quân sự của chính quyền Assad sẽ là một động thái được hoan nghênh”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Washington từng cảnh báo Nga rằng một chiến dịch quân sự nhằm vào Idlib sẽ là “một sự leo thang bất chấp hậu quả” trong cuộc chiến tại Syria.

Trang The Daily Beast nhận xét, lời phát biểu của ông Lavrentiev rất khác với những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói không lâu trước đó tại hội nghị thượng đỉnh ba bên gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ở Tehran (Iran). Khi đó, ông Putin đã gạt bỏ lời kêu gọi ngừng bắn của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ đang hết sức nỗ lực để ngăn cản chiến dịch tấn công của quân đội Tổng thống Assad vào tỉnh Idlib

Cho tới tuần vừa qua, Nga và Iran vẫn tỏ ra ủng hộ khả năng tiến hành một chiến dịch lớn giành lại quyền kiểm soát Idlib. Tín hiệu “xuống thang” đầu tiên xuất hiện khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani liên tục đề cập tới nghĩa vụ bảo vệ thường dân trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào, tại thượng đỉnh Tehran. Điều này thể hiện khá rõ khi Hezbollah và các lực lượng thân Iran không triển khai quân ở các địa điểm được cho là gần với trận địa sắp tới.

Tín hiệu chủ chốt tiếp theo cho thấy chiến dịch tấn công có thể tạm dừng là việc quân đội Syria chưa tiến hành củng cố lực lượng, vốn đã bị hao mòn đáng kể sau cuộc chiến 7 năm.

Theo các nhà lãnh đạo đối lập Syria, quân đội chính phủ có khoảng 25.000 lính đóng tại khu vực, và gần 5.000 quân tiếp viện. Tuy nhiên, lực lượng tiếp viện chủ yếu là những lính mới lấy từ quân nổi dậy từng bị đánh bại tại tỉnh Dara’a. Do vậy, lòng trung thành của những người này là một điều chưa được kiểm chứng.

Ngoài ra, một nguồn tin mới đây tiết lộ, Lực lượng Hổ - một trong những đơn vị chiến đấu hiệu quả nhất của quân đội Syria dưới sự chỉ huy của Tướng Suheil al-Hassan, đã được tái triển khai về phía đông tới thành phố cổ Palmyra.

Các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá, hiện quân đội chính phủ không có đủ nhân lực cho một chiến dịch trên mặt đất. “Chiến dịch có thể bị trì hoãn trong nhiều tuần tới” một quan chức Mỹ nói.

“Tuyên bố của Lavrentiev và việc tái triển khai Lực lượng Hổ tới Palmyra – nếu được xác nhận – là các dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang trì hoãn chiến dịch tấn công và bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ bước vào và loại bỏ HTS”, Columb Strack, một nhà phân tích Trung Đông của IHS Markit nhận định. Quyết định triển khai thêm quân của Thổ Nhĩ Kỳ tới Idlib cũng phù hợp với hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, tỉnh phía bắc Idlib vẫn có một nguy cơ an ninh khác đến từ các tay súng Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả những kẻ ủng hộ al Qaeda. Sự hiện diện của họ có thể là một lý do cho quyết định can thiệp quân sự của quân đội chính phủ và Nga.

Khi cuộc chiến Syria đang dần đi vào giai đoạn cuối, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Idlib. Ước tính hiện có khoảng 70.000 tới 100.000 tay súng và từ 2 tới 3,5 triệu thường dân đang có mặt tại Idlib. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau của Syria và bị đưa về Idlib theo loạt thỏa thuận do Nga đề xuất, sau các chiến dịch trước đó của chính quyền Tổng thống Assad. Giới chuyên gia quốc tế e ngại, cuộc tấn công tổng lực của Damascus vào Idlib có thể sẽ dẫn tới một thảm họa nhân đạo mới, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những gì mà các bên tham chiến có thể tưởng tượng ra.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/trai-nguoc-noi-bo-nga-don-tho-vao-duong-cung-truoc-bung-no-idlib-363889.html